Ung thư đại- trực tràng đang gia tăng

Ngày đăng: 04/08/2009 Lượt xem 2768
Ung thư đại- trực tràng chiếm khoảng 15% trong số các loại ung thư và đang gia tăng một cách rõ rệt. Gần đây, bệnh được nhắc đến nhiều hơn bởi sự thay đổi trong thói quen ăn uống- một trong những yếu tố khiến bệnh ngày càng phổ biến

Khoảng 1 năm trước, anh P.T.V, 45 tuổi, ở Hà Nội bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thi thoảng đi ngoài ra máu. Nghĩ mình chỉ bị nóng do chế độ ăn uống không hợp lý anh tự mua thuốc về điều trị, nhưng mấy tháng gần đây, hiện tượng này xuất hiện càng nhiều và thêm biểu hiện bí trung tiện khiến anh ngày càng khó chịu nên mới quyết định đi khám.

Khi tới Bệnh viện (BV) K, anh V. đã được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng (UTĐTT) giai đoạn 3. Các bác sĩ đã phải cắt toàn bộ phần trực tràng và mở hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Theo TS Nguyễn Quang Thái, Phó Khoa Ngoại tổng hợp BV K, phần lớn bệnh nhân bị UTĐTT đến khám muộn, chính vì thế việc duy trì các sinh hoạt bình thường cũng như kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.

Bệnh có xu hướng trẻ hóa

Bác sĩ Thái cho biết, tại các nước có nền kinh tế phát triển, UTĐTT giữ vai trò “thủ lĩnh” trong các loại ung thư với tỉ lệ mắc và tử vong khá cao. Số bệnh nhân chết vì UTĐTT chiếm vị trí thứ 2 trong các bệnh ung thư với hơn 1/2 bệnh nhân. Còn tại VN, các thống kê cũng cho thấy UTĐTT là loại ung thư đứng hàng thứ 5 trong các ung thư đường tiêu hóa và ngày càng tăng do thay đổi thói quen ăn uống.

Có khoảng 13/100.000 người dân mắc bệnh này, trong đó nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Các nghiên cứu tại BV K cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp mắc UTĐTT ở độ tuổi 18- 20, cá biệt là trường hợp mới có 12 tuổi. Có những thanh niên đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn nên phải mang hậu môn nhân tạo suốt quãng đời còn lại.

Biểu hiện bệnh mơ hồ

Biểu hiện của UTĐTT thường rất mơ hồ, ban đầu chỉ là những triệu chứng như đau bụng, gầy sút, mệt mỏi, da xanh, rối loạn tiêu hóa và có lúc đi ngoài ra máu... Chính vì thế, khi gặp những triệu chứng trên người bệnh thường nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa thông thường nên tự mua thuốc về uống. Một thời gian sau khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, người bệnh thấy tắc ruột, bí trung tiện, nôn, đau quặn bụng, có khối u ở bụng mới đến BV điều trị thì đã quá muộn. Một khi UTĐTT đã di căn thì việc điều trị cũng không còn hiệu quả nữa. Bác sĩ Thái cho biết, nếu bệnh nhân mắc bệnh UTĐTT được phát hiện sớm và được điều trị đúng thì 90% sẽ sống 5 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, khi bệnh đã lan qua hạch và di căn tới gan, phổi, thận thì chỉ sống được 24 tháng chỉ còn khoảng 12%.

Một điều đáng lưu ý là ở bệnh nhân càng trẻ, ung thư phát triển càng nhanh. Hiện nay y học chưa biết chính xác nguyên nhân gây UTĐTT, tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ làm mắc bệnh do tuổi tác, thói quen ăn uống với nhiều chất béo nhưng lại lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng được kể đến như người có bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng.

Phòng ngừa không khó

PGS-TS Phạm Duy Hiển, Phó Giám đốc BV K, cho biết hiện nay phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u, nạo vét các hạch chiếm vai trò chính yếu trong việc cứu sống bệnh nhân UTĐTT. Ngoài ra, sử dụng hóa trị và xạ trị hỗ trợ. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế sử dụng những thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, thiếu chất xơ, đồng thời tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày cũng giúp giảm nguy cơ mắc UTĐTT. Đối với những gia đình có người thân mắc bệnh UTĐTT, nhất là quan hệ huyết thống cần làm các xét nghiệm để kiểm soát ung thư.

Cũng theo PGS-TS Hiển, đa số trường hợp UTĐTT tiến triển âm thầm, triệu chứng không rõ rệt. Vì thế, để phát hiện bệnh sớm, cần thực hiện kiểm soát bệnh vì có tới 90% số bệnh nhân mắc UTĐTT ở độ tuổi trên 50.

Mỗi năm có 7 triệu người mắc bệnh UTĐTT tử vong

UTĐTT là ung thư khởi phát từ ruột già, là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ngày nay người ta phát hiện ung thư khởi đầu bằng một tổn thương gọi là pôlíp, 5 đến 10 năm hay 25 năm sau, pôlíp trở thành UTĐTT. Cắt bỏ pôlíp sớm là cách phòng ngừa ung thư hữu hiệu nhất. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 11 triệu ca ung thư mới và gần 7 triệu ca tử vong do UTĐTT.
A.T

Ngọc Dung

Tin liên quan