Uống rượu bia thế nào để không hại sức khỏe?

Ngày đăng: 23/02/2010 Lượt xem 2462

Rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, nhưng mỗi người nên tự ý thức cho sức khỏe, không uống vượt quá mức khuyến cáo, để rồi phải nhập viện vì say xỉn, ngộ độc thì người cười, kẻ chê, chưa kể để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe
Ngộ độc rượu - chuyện không còn lạ

Rượu lâu nay trở thành đồ uống không thể thiếu trong các cuộc vui, nhậu nhẹt. Và các vụ ngộ độc rượu cũng liên tục xảy ra, nhưng với phần lớn đệ tử lưu linh, khi đã nâng chén “dô” thì dám khẳng định, chẳng ai trong số họ thoáng nghĩ về nguy cơ ngộ độc rượu.

Vụ việc xảy ra gần nhất, là hôm 1/2, 22 trường hợp say xỉn, có biểu hiện ngộ độc rượu như choáng, tức ngực, ói mửa... đã được đưa đến bệnh viện Cam Ranh (Khánh Hòa) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Tất cả các nạn nhân đều trú tại thôn Ma Trai, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Ngoài ra hàng chục người khác bị ngộ độc nhẹ đã được khám và uống thuốc giải độc tại trạm y tế xã Phước Chiến. Trước đó vài ngày, tại địa phương này cũng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể làm 5 người chết.

Sau vụ ngộ độc rượu tập thể này, cũng đúng vào thời điểm áp Tết, nên dễ dàng có thể bắt gặp ở bất cứ quán ăn nào cũng đông nghẹt người đang “rô” cụng ly trong buổi liên hoan tất niên. Và trong số đó, ai không “kìm” được mình, uống thả phanh ắt có người gặp nạn.

Mới đây, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã đã cấp cứu cho một sinh viên năm thứ nhất, trong tình trạng nằm “thẳng cẳng” và đã có biểu hiện thở hôn mê khi được đưa tới viện do uống quá nhiều rượu trong buổi chia tay liên hoan bạn bè về nghỉ Tết. Khi tỉnh lại, bệnh nhân này không thể ngờ mình phải nhập viện, vì từ trước tới nay, anh luôn “nổi danh” là cây rượu, uống rượu như uống nước lã mà không say xỉn.

Theo TS Phạm Duệ, ngộ độc rượu bắt đầu hay gặp ở thời điểm cận Tết, kéo dài đến hết cả những ngày nghỉ lễ. Do người Việt có thói quen, năm mới đi chúc Tết các gia đình đều có tiết mục “cụng ly” chúc nhau năm mới sức khỏe dồi dào, tài lộc tấn tới. Có những trường hợp đi chúc Tết theo đoàn thể, cơ quan, mỗi cá nhân sau một buổi sáng đi chúc Tết uống đến hàng 20 - 30 chén rượu, trong khi đó lại không ăn uống tử tế dẫn đến say bí tỉ, đến vài ngày sau người vẫn còn bủn rủn, mệt mỏi. Lời chúc sức khỏe, tài lộc chưa “linh nghiệm” đã thấy tốn thêm tiền vì nhập viện, và sức khỏe rõ là giảm sút rất nhiều, thậm chí gây ảnh hưởng lâu dài đến trí não nếu bị ngộ độc nặng.

Uống rượu với nước ngọt càng dễ “ngấm”

Không như một bữa nhậu lai rai bình thường, thường chỉ uống 1 - 2 loại rượu trong bữa tiệc. Còn uống rượu trong ngày Tết lại khác, đến mỗi nhà lại là loại rượu khác nhau, người thì rượu ngoại, người thì rượu ngô đặc sản, người lại rượu dân tộc ngâm tắc kè, pha mật gấu… Đến mỗi nhà, vừa cụng ly, chưa kịp gắp đồ ăn đã vội đi nhà khác. Uống rượu trong tình trạng bụng lép kẹp khiến rượu càng nhanh hấp thu, dẫn đến say mềm.

Theo BS Duệ, uống rượu nhiều đã nguy hiểm, nhưng uống rượu lại pha với nước có gaz như soda, nước ngọt đóng chai lại càng nguy hiểm hơn, nhất là với những người có tiền sử đau dạ dày. Sự kết hợp này khiến không ít người phải nhập viện trong tình trạng đau bụng vã mồ hôi, người run lẩy bẩy do đau dạ dày.

Nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở chuyện say rồi tỉnh, mà việc nồng độ cồn trong máu cao ảnh hưởng rất nhiều đến thể trạng chung. Ở nồng độ thấp, rượu kích thích gây hưng phấn, có cảm giác thư giãn, phấn chấn, nói nhiều... và người say thường coi nhẹ những hành vi có hại cho sức khoẻ. Ví dụ lái xe nhanh, không an toàn, sinh hoạt tình dục không an toàn, nói năng cộc lốc, lãnh đạm với người thân, tiêu xài phung phí, thờ ơ với công việc hoặc bị giảm khả năng lao động…Nếu vẫn tiếp tục uống, nồng độ rượu trong máu tăng lên, sẽ có các biểu hiện như: hoang tưởng, ảo thị, ảo thính, co giật/động kinh, viêm đa khoa thần kinh… Nồng độ cồn trong máu quá cao có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Về lâu dài, rượu làm thoái hoá não bộ, gây các biểu hiện như parkinson, rối loạn trí nhớ, rối loạn tâm thần...

Nhất là tình trạng rượu thủ công vẫn tràn lan như hiện nay, nên trong rượu chưa được tinh chế, vẫn còn nhiều chất độc rất nguy hại cho sức khỏe. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam) đã từng chứng kiến bệnh nhân ngộ độc rượu tử vong sau vài phút được đưa đến viện, do tình trạng bệnh quá nặng nề.

Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là loại rượu pha với methanol để tăng độ nặng của rượu. Đáng nói là rất khó để phân biệt loại rượu này với rượu nấu thông thường. Nên khi uống phải gây loạng choạng, hoa mắt... thì nhiều người nghĩ là say rượu, chỉ nằm nghỉ vài tiếng là hết say nên rất nguy hiểm, do ngộ độc rượu pha methanol để lâu sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm do rối loạn điện giải, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp và có thể tử vong.

Uống bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi sử dụng những loại rượu có chất lượng tốt, nhưng uống quá liều lượng cũng sẽ có tác hại đến sức khoẻ, vì thế nên uống ở lượng vừa đủ để không gây hại cho sức khỏe. Trên thế giới, các nước dùng “Đơn vị rượu” là một đơn vị đo lường dùng để quy đổi các loại rượu bia với nhiều nồng độ khác nhau. “Đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 270ml bia, hoặc 1 chén rượu vang 125ml, hay 1 chén rượu mạnh 25ml.

Với nam giới không nên uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 800ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá 3 chén rượu mạnh, và không quá 375ml rượu vang…đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày.


Tin liên quan