Để trời kêu, không dạ

Ngày đăng: 16/09/2009 Lượt xem 3806
"Ở đâu có tình yêu thương và sự chia sẻ, ở đó bệnh tật bị đầy lùi"– những nụ cười ấm áp biết ơn, những cái bắt tay thật chặt bịn rịn của độc giả dành cho GS.BS Nguyễn Chấn Hùng vào lúc kết thúc buổi tư vấn, giao lưu trực tuyến và trực tiếp bệnh ung thư đã phần nào nói lên điều ấy.

Trên một trăm câu hỏi gửi về, gần 30 người là bệnh nhân, người thân của bệnh nhân, người vừa trải qua cơn bệnh hiểm nghèo… đã cùng ngồi lại để trò chuyện với vị bác sĩ có nụ cười thật hiền về những băn khoăn của chính mình, cũng như cách vượt qua để chiến thắng căn bệnh khó. Bằng giọng nói ân cần, hóm hỉnh, cách diễn đạt những từ chuyên môn dễ nhớ, dễ hiểu, rất Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã tạo được sức hút đặc biệt với bạn đọc tham dự ngay từ những phút đầu tiên. Mặc dù thời gian giao lưu dự kiến chỉ diễn ra trong hai giờ nhưng ông đã "kéo" thêm ra một giờ nữa để có thể trả lời được cho thêm nhiều bạn đọc khác. Kết quả "chung cuộc", ông đã "xử" thật ngọt 60 câu hỏi toàn những vấn đề hóc búa và chi tiết đến… từng tên thuốc.

Điều trị sớm, tận gốc sẽ thảnh thơi

Đáp lại nhiều câu hỏi của bạn đọc về tác dụng của các "thần dược" như sừng tê giác, mật gấu, nấm linh chi, gạo lứt muối mè, mật cóc, gan cóc, trinh nữ hoàng cung, hay các phương pháp đông y như bấm huyệt, nhân điện… liệu có chữa khỏi bệnh ung thư? Bác sĩ Chấn Hùng nói: "Tôi đã nghiên cứu chữa trị bệnh ung thư trên 40 năm nay. Kinh nghiệm quan sát trong một thời gian dài cho tôi thấy phải chữa bệnh ung thư bằng phương pháp chính quy trước, sau đó mới phụ trợ bằng các cách thức khác. Trong y học, chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh sừng tê giác chữa khỏi ung thư. Nấm linh chi khá tốt cho người bệnh sau khi điều trị, giá cũng phải chăng nên bà con có thể dùng. Tuy nhiên chỉ với nấm linh chi không thôi thì không thể chữa khỏi ung thư. Nhiều bà con do không đủ thông tin nên cứ dùng những kiểu "thần dược" như thế, chỉ điều trị ở phần ngọn, mà không triệt được tận gốc. Nếu điều trị tận gốc rồi thì bà con sẽ cảm thấy thảnh thơi hơn".

Trước làn sóng người bệnh trong nước kéo qua Singapore, Quảng Châu (Trung Quốc) chữa bệnh vì tin những lời quảng cáo ngút trời của các bệnh viện bên đó, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đưa ra lời khuyên: "Bà con nên cân nhắc kỹ vì phương tiện điều trị, thuốc men, trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ Việt Nam trong những năm gần đây không thua kém gì nước ngoài. Bắn đầu đạn hạt nhân, kỹ thuật tần số, sóng cao tần… thực ra là xạ trị bằng máy gia tốc, ở Việt Nam cũng tốt như ở nước ngoài, chi phí lại thấp hơn. Tôi là người nghiên cứu khá sâu về y lý Đông phương, trong nhiều bệnh khác có thể áp dụng hiệu quả, nhưng riêng ung thư, tôi cho rằng chỉ là biện pháp hỗ trợ sau khi điều trị".

Một số bạn đọc hoang mang về tính di truyền của bệnh ung thư. Có bạn đọc vừa trải qua nỗi đau mất cha mẹ vì ung thư, giờ chỉ còn năm chị em nơm nớp sống trong nỗi ám ảnh liệu tử thần còn cướp thêm người thân yêu nào nữa của gia đình không? Nghe xong câu chuyện, bác sĩ Chấn Hùng bỗng dưng nghẹn ngào, ông nhỏ nhẹ an ủi: "Tôi không dùng chữ di truyền, mà gọi là "gia truyền" cho nó gần gũi. Bệnh này có thể "gia truyền", nhưng tỷ lệ chỉ chiếm từ 5 – 10%, còn lại là nhiều nguyên nhân khác như môi trường, ăn, hút, thở… Xin người nhà cũng đừng quá lo lắng mà tưởng tượng, suy nghĩ cho nặng nề thêm cuộc sống của mình. Đừng để "trời kêu, không chịu dạ", mà phải chú ý khám rà soát ung thư khi chưa thấy triệu chứng, để "không đợi trời kêu, khỏi phải dạ".

Nghị lực có thể giúp chữa trị

Bên cạnh những người bệnh và thân nhân người bệnh, trong buổi giao lưu còn có nhiều bệnh nhân đã được bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng chữa khỏi. Họ như một phía khác tràn đầy ánh sáng của nghị lực và niềm hy vọng.

Một người mẹ tâm sự: "Căn bệnh này chỉ nan y khi phát hiện trễ. Nếu phát hiện sớm rất nhiều cơ may chữa khỏi. Bức tranh còn nhiều màu tươi sáng lắm. Lúc lâm bệnh, tôi vừa mới sinh con nhưng do ung thư giai đoạn một nên tôi đã qua khỏi. Giờ thì con tôi đã lớn".

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Tư vấn kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), sáng lập viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, người cũng đã từng trải qua những ngày đau đớn vì mang trong người căn bệnh ung thư và sau đó phải đối diện với nỗi đau chứng kiến cả ba lẫn mẹ lần lượt mất đi vì ung thư, "lúc đi khám bệnh, bác sĩ bảo nên đi sinh thiết, tôi đã hơi nghi ngờ về bệnh của mình. Khi mang kết quả sinh thiết lại cho bác sĩ, được bảo đây là bệnh ác tính rồi, lúc đó tôi bị choáng. Tôi đi ra ngoài mở chìa khoá xe và ngất đi và rất lâu sau mới tỉnh lại.

Thời gian qua, bên cạnh hiệu quả điều trị, tôi nghĩ mình có thể đã vượt qua được bệnh tật chính là vì có nghị lực sống. Luôn nhớ mình còn trách nhiệm với gia đình, công việc, cơ quan. Chúng ta hay có những định kiến về bệnh ung thư không đúng như cứ nghe nói ung thư là chết, là bế tắc, dẫn đến bi quan. Tôi nghĩ nghị lực có thể giúp cho mình trong chữa trị. Bên cạnh đó, nếu có một người thầy thuốc giúp mình yên tâm thì sẽ càng tốt hơn". Bà Kim Hạnh còn kể thêm rằng bác sĩ Chấn Hùng chính là người giúp bà thực sự có niềm tin khi đối diện với căn bệnh này.

Bà Minh Hiền, người sáng lập báo Doanh Nhân Sài Gòn, hiện là giám đốc quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục EDF của báo Sài Gòn Tiếp Thị kết thúc buổi giao lưu bằng những lời xúc động: "Trong cuộc đời luôn có những điều không may, mà bệnh ung thư là điều không may khiến tôi khủng hoảng nhất. Lúc biết tin bị bệnh, con tôi mới học lớp 6. Tôi như thấy đất sụp đổ dưới chân mình, không biết phải làm gì. Anh Chấn Hùng hỏi tôi có yêu cầu gì không? Tôi nói muốn sống thêm năm năm cho con đến tuổi trưởng thành. Bác sĩ nói nếu vậy Minh Hiền 50 – tôi 50, cùng nỗ lực để vượt qua căn bệnh. Nay con tôi đã tốt nghiệp đại học ở Pháp.

Nếu các bạn hỏi tôi có phép màu nào không? Tôi nghĩ may mắn nhất của mình là được các bác sĩ tận tâm chữa trị, sự tiếp thêm nghị lực từ anh Chấn Hùng và người thân, bạn bè. Những người thân yêu đã giúp tôi có một tinh thần ham sống, một đầu óc thanh thản để vượt qua bi kịch bệnh tật đã gần 10 năm. Y học có sức mạnh kỳ diệu của nó, nhưng tôi nhớ hoài lời dặn vừa dí dỏm vừa rất thực tế của bác sĩ Chấn Hùng: điều kiện 50/50: bác sĩ tận tâm, thuốc men đầy đủ và một tinh thần thép của người bệnh mà tôi hay nói đùa: Trời kêu đừng có dạ".

Cuộc giao lưu kết thúc trong tiếng cười vui thân ái, chan hoà tại khán phòng. Và dường như hơn 3.000 người truy cập vào trang web của báo Sài Gòn Tiếp Thị mới chỉ thoả mãn được một phần mong mỏi của mình. "Mong sao những cuộc tư vấn trực tuyến, trực tiếp như thế này diễn ra thường xuyên, ích lợi biết bao nhiêu cho cộng đồng" – một bạn đọc nói.

Tin liên quan