5 bệnh ung thư phụ nữ thường gặp - bạn có nguy cơ mắc bệnh nào?

Ngày đăng: 05/06/2014 Lượt xem 1771
Ung thư không phải “trời kêu” hay “Nam Tào gạch sổ” mà 80% là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ sát hoặc phơi trải.

Ung thư được hiểu theo nghĩa đơn giản là sự tăng trưởng quá đà, sinh sôi vô tổ chức của các tế bào bất thường. Hàng tỉ tế bào này tích tụ lại thành khối bướu (khối u), đè ép, xâm lấn và phá hủy các vùng mô bình thường lân cận. Tại các vị trí trên cơ thể có tế bào ung thư, chúng lang thang đây đó rồi dần dần nắm quyền chủ động, tàn phá cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, điều may mắn là ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và kịp thời.

5 bệnh ung thư phụ nữ thường gặp - bạn có nguy cơ mắc bệnh nào?
 
Dưới đây là hướng dẫn TS. BS cao cấp Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, về cách nhận biết, yếu tố nguy cơ và các xét nghiệm cần thực hiện để phát hiện sớm 5 bệnh ung thư có thể xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình, phụ nữ độc thân, thậm chí là các cô gái trẻ:

Ung thư vú

Triệu chứng điển hình là sờ thấy có khối u ở vú; hình dáng vú có sự thay đổi; núm vú chảy dịch hoặc chảy máu; có u, hạch ở hõm nách.

Bệnh có thể gặp ở những người tiền sử gia đình có người bị ung thư sớm; có kinh sớm (dưới 12 tuổi)/mãn kinh muộn (sau 50 tuổi); những người thừa cân, thích ăn chất béo, ít vận động; ngoài ra các yếu tố như rượu , những thay đổi về hooc-môn như có thai cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Do đó cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là tự kiểm tra hằng ngày, ngoài ra đi X-quang tuyến vú hoặc siêu âm tuyến vú định kỳ; trong trường hợp có khối u sẽ làm sinh thiết tuyến vú, xét nghiệm CA 15-3.

Ung thư cổ tử cung

Triệu chứng điển hình của bệnh này là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.

Bệnh có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần; có nhiều bạn tình, bị nhiễm vi rút đường sinh dục, đạc biệt là vi rút paplloma; phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch; con gái của những phụ nữ điều trị bằng thuốc chống sảy thai trong thời kỳ mang thai.

Cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; nội soi cổ tử cung; phiến đồ tế bào âm đạo Pap’ smear, xét nghiệm SCC.

Ung thư dạ dày

Biểu hiện điển hình là không có cảm giác ngon miệng hoặc không muốn ăn; đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu; đau vùng thượng vị ở nhiều mức độ khác nhau; nôn và buồn nôn; hẹp môn vị, thể trạng suy kiệt; gầy sút nhanh; xuất huyết tiêu hóa; thiếu máu, nhược sắc; có u thượng vị, hạch di căn xa, cổ chướng.

Bệnh thường gặp ở người ăn nhiều thức ăn có nitrat, nitrit như dưa cà mắm muối, thức ăn có chất Nitrosaminơ; nhiễm vi khuẩn PH gây tổn thương niêm mạc; dị sản, loạn sản về ung thư; có tiền sử bệnh lý về dạ dày, vô toan, thiếu máu ác tính, dị sản ruột và tuyến dạ dày; tiền sử viêm loét dạ dày, người có nhóm máu A.

Để phát hiện bệnh sớm cần thực hiện nội soi dạ dày - tá tràng; Test HP (tìm vi khuẩn HP gây tổn thương niêm mạc, dị sản, loạn sản gây ung thư dạ dày); xét nghiệm dấu ấn ung thư: CEA, CA 72-4.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng thường không có các dấu hiệu hoặc các triệu chứng cho đến tận giai đoạn phát triển muộn của chúng. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể gồm: khó chịu và/hoặc đau ở vùng bụng nói chung (ấm ách, khó tiêu, căng trướng bụng...); buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn; cảm thấy đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường.

Bệnh gặp ở những người tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị bệnh; từ 50 tuổi trở lên; phụ nữ chưa từng sinh con; bản thân có tiền sử bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng; dùng thuốc kích thích phóng noãn; dùng bột talc nhiều năm; điều trị thay thế hoóc-môn. Có 1 số bằng chứng cho thấy những phụ nữ điều trị hoóc-môn thay thế sau khi mãn kinh cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 1 chút.

Để phát hiện bệnh sớm, cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; chụp CT scaner ổ bụng khi siêu âm có nghi ngờ; xét nghiệm dấu ấn ung thư CA-125.

Ung thư phổi

Biểu hiện điển hình của ung thư phổi là ho,ho khan kéo dài, khó thở và ngày càng nặng; thường xuyên thấy đau ngực; ho ra máu, lẫn đờm; gầy sút cân, đau khớp; viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại; phù nề mặt và cổ.

Bệnh thường gặp ở người hút thuốc lá, xì gà, thuốc lá tẩu; tiếp xúc với khói thuốc lá trong môi trường; phơi nhiễm phóng xạ, ô nhiễm môi trường; mắc một số bệnh về phổi như Lao…

Để phát hiện sớm bệnh, cần Chụp X.Quang tim phổi; chụp CT scaner lồng ngực khi X-quang có nghi ngờ; xét nghiệm Cyfra 21-1; xét nghiệm NSE; xét nghiệm CEA; xét nghiệm TB test.

Lưu ý: Việc khám sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu là biện pháp giúp phát hiện sớm các bệnh lý khối u và ung thư.

Mỗi năm nên đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần, chi phí cho một lần đi khám sức khỏe định kỳ tốn kém rất ít so với số tiền phải bỏ ra để mua thuốc và điều trị khi phát hiện bệnh.

Theo dantri

Tin liên quan