Cuộc sống hiện đại, số người mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng tăng. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân bị ung thư dạ dày không được phát hiện kịp thời và chỉ phát hiện khi bệnh quá nặng. Vậy những người nào có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày?Dạ dày là đoạn phình to của ống tiêu hóa, đầu trên tiếp nối với thực quản qua tâm vị, đầu dưới tiếp nối với ruột non qua tá tràng. Mặt trong dạ dày phủ một lớp tế bào niêm mạc, khi lớp niêm mạc này bị tổn thương, phát triển vô tổ chức tạo thành các khối u ác tính, đó chính là bệnh ung thư dạ dày.
Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hoá đến khám điều trị ở các phòng mạch tư, phòng khám đa khoa trong một thời gian dài mà không được chụp hoặc soi dạ dày. Đến khi phát hiện ung thư dạ dày thì đã quá muộn.
Những người dễ mắc ung thư dạ dày? Cũng giống như các bệnh ung thư nói chung, ung thư dạ dày thường biểu hiện mơ hồ, không rõ nét, có khi lẫn lộn với nhiều loại bệnh khác.
- Đàn ông mắc bệnh cao hơn phụ nữ
- Những người trên 50 tuổi mắc nhiều hơn. Tuổi càng cao càng nhiều người mắc ung thư dạ dày. Người dưới 40 tuổi ít mắc ung thư dạ dày hơn nhưng nếu mắc thì rất nguy hiểm, nhanh tái phát và di căn, tiên lượng thường xấu hơn, thời gian sống thêm sau điều trị ngắn.
- Nhiễm trùng vi khuẩn Helicobacter pylori: H. pylori là một loại vi khuẩn thường gây nhiễm ở niêm mạc dạ dày. Nhiễm khuẩn H. pylori có thể gây viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng. Nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng chỉ có một số ít người bị mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Viêm dạ dày mạn tính: Những người có bệnh liên quan đến viêm dạ dày mạn tính (chẳng hạn như bệnh thiếu máu ác tính) cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Thói quen ăn uống: Những người có thói quen ăn uống xấu như ăn nhiều thịt nướng cháy, củ quả muối; những người béo phì.
- Di truyền: Những người có bố mẹ đẻ, anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày cũng có nguy cơ mắc cao hơn.
- Lạm dụng thuốc lá, rượu bia: Những người này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Thuốc lá và rượu bia làm cho tế bào niêm mạc dạ dày phải chịu đựng nhiễm độc kéo dài gây đột biến gen và có thể gây ung thư.
- Những người có các khối u lành tính (gọi là các polip) có thể bị ung thư dạ dày.
- Thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Biểu hiện của bệnh ung thư dạ dàyĐôi khi ung thư có thể phát triển trong dạ dày một thời gian dài trước khi nó gây ra các triệu chứng.
Giai đoạn đầu
- Đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa về sau thành liên tục
- Ăn không ngon, chán ăn.
- Buồn nôn hoặc nôn sau khi ăn.
- Thiếu máu (ù tai, hoa mắt) kèm theo đi ngoài phân đen rỉ rả không để ý.
- Suy nhược, mệt mỏi, sút cân không cắt nghĩa được nguyên nhân
Giai đoạn muộn
- Phân có máu hoặc phân có màu đen
- Đầy bụng sau khi ăn, ngay cả khi ăn một lượng nhỏ
- Nôn sau bữa ăn
- Giảm cân nhanh không rõ nguyên nhan
- Đau dạ dày, đặc biệt là sau bữa ăn
- Mệt mỏi
Thực tế, nhiều người có những triệu chứng này nhưng có thể do các bệnh khác không phải ung thư. Vì vậy, nếu bạn gặp bất kỳ một trong những triệu chứng này và chúng không đỡ, hãy đi khám bệnh. Ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị hiệu quả tốt hơn.
Theo cherryradio