Bị dị ứng, ung thư da vì miếng dán xăm môi

Ngày đăng: 17/01/2013 Lượt xem 1686

Bắt nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… gần đây, trào lưu dùng miếng dán xăm môi (violent lip) được giới trẻ trong nước hồ hởi đón nhận bởi màu sắc bắt mắt, hoa văn độc đáo và thao tác nhanh. Tuy nhiên sau khi dùng, nhiều người vào viện vì dị ứng.


Trên Internet đang quảng cáo rầm rộ về loại miếng dán này: “Thay vì phải tô son, kẻ vẽ, nếu muốn tạo họa tiết trên môi, những cô nàng mê thời trang ấn tượng chỉ cần cắt và dán là đã có một đôi môi như ý. Đây được xem là một phát minh mới nhất trong công nghệ làm đẹp môi. Nhờ nó, môi bạn sẽ như một chiếc cầu vồng, da báo, da rắn…”.

Tại cửa hàng trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận1, TP HCM, người bán cho xem hàng loạt các mẫu hình xăm có giá 40.000-60.000 đồng một hình. Người này hướng dẫn: Cắt hình xăm muốn dán theo kích cỡ của môi và tách bỏ lớp nhựa trong, đặt úp hình xăm lên môi, dùng ít nước cho ăn hình rồi bóc giấy ra. Người sử dụng cứ việc ăn uống, nói cười thoải mái vì hình xăm có thể lưu lại nhiều giờ.

Chị Mỹ Anh ngụ ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM, cho biết, bắt chước bạn, chị cũng sử dụng miếng dán xăm môi trong lễ hội hóa trang ở trường. Mới dán được 15 phút, môi bắt đầu ngứa. Dù đã xóa sạch hình xăm ngay lúc đó, nhưng môi chị vẫn sưng đỏ, nổi mụn nước ở viền môi. Đi khám, bác sĩ cho biết chị bị dị ứng hóa chất có trong mực in của miếng dán.
 
Anh Hà Công Dũng - một thợ xăm (tattoo) trên đường Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận, TP HCM, cho biết mực để dán hình xăm trên thị trường có rất nhiều loại, giá cả mỗi lọ lên đến cả triệu đồng. Thời gian gần đây, khi nhu cầu xăm vẽ lên cao, thị trường cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, mực kém chất lượng. Các loại mực trong miếng dán xăm môi bán trôi nổi tại các chợ hiện nay chỉ có giá vài chục nghìn, khó có thể đảm bảo an toàn.
 
Anh Dũng nói thêm, có một kiểu xăm đang rất “hot” gọi là xăm phát quang. Kiểu xăm này có quy trình giống như xăm thông thường, nhưng loại mực được thay thế bằng mực UV hay còn gọi là mực tử ngoại. Mực UV có hai loại: có màu và không màu. Chúng được đem về từ Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc. Rất nhiều bạn trẻ thích kiểu xăm phát quang mà không biết loại mực này có nguy cơ dẫn đến dị ứng, thậm chí ung thư da. Theo anh Dũng, có thể loại mực dùng trong miếng dán xăm môi cũng là mực UV nên mới tạo hiệu ứng lấp lánh như vậy. Các bạn trẻ nên cẩn trọng khi xăm môi bằng miếng dán, bởi da môi mỏng và nhạy cảm hơn các vùng da khác.

2088 xam-moi-14113-13f45

Theo bác sĩ Trần Thế Viện, giảng viên Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y Dược TP HCM, môi là vùng bán niêm mạc. Da bình thường có nhiều lớp tế bào (hơn 16 lớp), các tuyến mồ hôi và các nang lông, riêng da vùng môi chỉ có 3-5 lớp tế bào, không có nang lông và tuyến mồ hôi nên da vùng môi khá mỏng, không có lớp nước và dầu để giữ ẩm. Do đặc điểm cấu tạo như vậy, nên da môi giảm khả năng ức chế các tác nhân gây bệnh, giảm khả năng điều hòa nhiệt độ tại chỗ, vì thế môi dễ bị khô và nứt nẻ.
 
Ngoài ra, các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác và các mao mạch rất sát bề mặt môi, nên môi rất nhạy cảm, dễ bị chảy máu và dễ bị ung thư da hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Những hóa chất độc hại trong những miếng dán xăm môi có thể gây độc và dị ứng bất cứ lúc nào đối với người có cơ địa mẫn cảm. Chưa kể, sử dụng miếng dán xăm ở môi, khi ăn uống hay nói chuyện, hóa chất và mực in có trong các miếng dán sẽ theo nước bọt đi vào bên trong cơ thể, dễ gây ra ngộ độc.
 
Theo Kiến thức/Phụ nữ/dantri

Tin liên quan