Ung thư buồng trứng rất khó phát hiện do các triệu chứng dễ nhầm với bệnh tiêu hóa. Trong thời gian ngắn, khối u có thể phát triển nhanh gây khó khăn lớn trong điều trị.
Tiến sĩ Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.200 phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Tỷ lệ sống được 5 năm ở phụ nữ mắc bệnh chỉ khoảng 45%.
Theo bác sĩ Vũ, triệu chứng bệnh dễ nhầm với các bệnh lý thông thường khác như là bệnh về tiêu hóa. Bệnh tiến triển nhanh và không có biện pháp tầm soát thật sự hữu hiệu. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư buồng trứng cao hơn các loại ung thư khác. Hiện nay, ¾ bệnh nhân phát hiện khi ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn muộn.
Bình thường, buồng trứng có kích thước khoảng 4 cm. Khi khối u xuất hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng gì. Chỉ khi ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn tiến xa, người bệnh mới có cảm giác khó chịu, nằng nặng, tức, ê ẩm vùng chậu hoặc khó chịu ở các cơ quan bị khối u chèn ép. Nếu khối u đè vào bàng quang, bệnh nhân sẽ bị rối loạn đường tiểu, phải đi tiểu lắt nhắt nhiều lần. Nếu khối u chèn ép đường ruột sẽ gây táo bón…
Ảnh minh họa: health9
Ung thư buồng trứng di căn sang các tế bào lót ở bên trong khoang bụng, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng cổ trướng do chất lỏng tích tụ gây sưng bụng. Áp lực của chất lỏng khiến bệnh nhân đau bụng, chán ăn, nôn ói và khó thở... Bên cạnh đó, tắc ruột cũng thường xảy ra ở bệnh nhân giai đoạn muộn và là nguyên nhân chính tử vong do ung thư buồng trứng. Tắc ruột khiến bụng căng trướng, đau dữ dội và cũng bị buồn nôn, ói mửa, sụt cân…
"Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trên 20-30 tuổi nên siêu âm định kỳ mỗi năm 1-2 lần nhưng trong khoảng vài tháng một khối u đã có thể phát triển tiến xa", bác sĩ Vũ phân tích. Điều đó rút ngắn thời gian sống của bệnh nhân và gây khó khăn rất lớn trong điều trị.
Đến nay, các phương pháp kinh điển điều trị ung thư buồng trứng là phẫu thuật hay hóa trị. Khi bệnh đã tiến xa thì hiệu quả điều trị rất hạn chế, phải kết hợp thêm các phương pháp khác nhằm giảm thiểu đau đớn và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Một trong những thành công của y học hiện đại trong việc điều trị ung thư ở giai đoạn muộn là liệu pháp điều trị nhắm trúng đích. Liệu pháp kháng sinh mạch là một trong những liệu pháp nhắm trúng đích hiệu quả tốt trong việc cải thiện chất lượng và thời gian sống cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và buồng trứng giai đoạn muộn.
“Các khối u thường liên quan đến tình trạng tăng sinh các mạch máu. Tế bào ung thư từ lúc hình thành, phát triển, di căn đều cần có mạch máu nuôi. Do đó, phương pháp kháng lại quá trình tăng sinh mạch máu kết hợp với hóa trị có thể giúp bệnh ổn định trong thời gian nhất định”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Điều trị ung thư bằng liệu pháp kháng sinh mạch đã có mặt ở Việt Nam và áp dụng trong điều trị ung thư ruột, ung thư phổi. Mới đây, Bộ Y tế đã cho phép áp dụng phương pháp này trong điều trị ung thư buồng trứng và cổ tử cung, mang lại những hiệu quả bước đầu cho bệnh nhân.
Ung thư buồng trứng có thể gặp ở mọi đối tượng, phụ nữ có gia đình, chưa có gia đình và cả các bé gái. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ mãn kinh, béo phì, chưa từng sinh đẻ, người có tiền sử gia đình mắc ung thư, người từng mắc các ung thư khác như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng… có nguy cơ cao hơn.
Lê Phương/http://suckhoe.vnexpress.net