Chửa trứng dễ chuyển thành ung thư
10 - 20% chửa trứng sẽ chuyển dạng ác tính. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi được khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Chửa trứng rất thường gặp, chiếm tỷ lệ 1/500 trường hợp mang thai. 97% chửa trứng thời kỳ thai nghén xuất hiện ở 3 tháng đầu. Sản phụ có thể thấy ra máu, dịch âm đạo thậm chí ra những khối như chùm nho. Hay nôn, thậm chí có biểu hiện của nhiễm độc thai nghén (phù, tăng huyết áp, protein niệu).
Thiếu máu có thể gặp ở trường hợp chảy máu kéo dài. Các trường hợp chửa trứng thâm nhập có thể gây tổn thương qua lớp cơ tử cung gây chảy máu âm đạo trong ổ bụng. Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có các triệu chứng của bệnh di căn: Khó thở, đau tức hạ sườn phải, các triệu chứng tăng áp lực nội sọ.
Hầu hết chửa trứng được điều trị khỏi bằng nạo hút. Tuy vậy có khoảng 10 - 20% sẽ chuyển dạng ác tính. Trong số các trường hợp chuyển dạng này, khoảng 2/3 trở thành bệnh lá nuôi thai nghén không di căn và 1/3 còn lại là bệnh di căn.
Tuy vậy, chỉ có 50% u lá nuôi thời kỳ thai nghén ác tính xảy ra sau chửa trứng, 25% sau khi có thai thường và 25% còn lại sau chửa ngoài tử cung và nạo phá thai. Di căn thường thấy là ở phổi 80%, âm đạo 30%, hệ thống thần kinh trung ương 10%, dạ dày ruột gan và thận.
Điều trị chửa trứng những bệnh nhân đã hoàn tất việc sinh đẻ có thể lựa chọn phẫu thuật cắt tử cung cùng với khối chửa. Những bệnh nhân trẻ muốn giữ khả năng sinh đẻ có thể được điều trị bằng phương pháp nạo hút và khoảng 80% không cần điều trị gì thêm, xét nghiệm b-HCG hằng tuần sẽ giảm dần, trở về bình thường sau 8 tuần.
20% trở thành ác tính và được điều trị theo chửa trứng xâm lấn và ung thư nhau thai. Hóa chất là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh này, nhất là khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Theo xaluan