Đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng kỹ thuật xạ trị trọng chọn lọc (SIRT) với hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 09/06/2023 Lượt xem 1402

Đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng kỹ thuật xạ trị trọng chọn lọc (SIRT) với hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 tại Bệnh viện Bạch Mai

 Mai Trọng Khoa*, Trần Đình Hà*, Phạm Cẩm Phương*, Phạm Văn Thái*, Nguyễn Duy Anh*,

Vũ Đăng Lưu**, Phạm Minh Thông**, Trịnh Hà Châu**, Lê Văn Khảng**, Đỗ Đăng Tân**, Lê Đức Thọ** và CS

* Trung tâm Y Học Hạt Nhân & Ung Bướu, bệnh viện Bạch Mai

                       ** Trung tâm Điện Quang, bệnh viện Bạch Mai

Tóm tắt:

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả phương pháp xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiation Therapy: SIRT) với hạt vi cầu phóng xạ Y-90 trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại bệnh viện Bạch Mai.

Đối tượng nghiên cứu: 124 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ung thư biểu mô tế bào gan có chỉ định xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, hồi cứu kết hợp tiến cứu.

   Kết quả nghiên cứu: Các bệnh nhân có giá trị trung vị của shunt gan-phổi là 3,1%, tỉ số T/N trung vị là 8,7; liều điều trị Y-90 là 1,15±0,37 GBq; giá trị trung vị của liều hấp thụ phóng xạ tại u là 222,4Gy, vào nhu mô gan lành là 27,3Gy, vào nhu mô phổi là 1,9GyKết quả theo dõi sau 6 tháng điều trị cho thấy: Tỉ lệ đáp ứng chung là 69,9% trong đó có 38,6% các khối u mục tiêu đáp ứng hoàn toàn sau điều trị, 8,4% đáp ứng một phần, bệnh ổn định là 22,9%, có 30,1% khối u tiến triển sau điều trị. Theo dõi trên 95 bệnh nhân trong gần 10 năm sau điều trị thấy thời gian sống thêm toàn bộ trung bình là 25 tháng, dài nhất 59 tháng. Tỉ lệ sống còn toàn bộ sau 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm lần lượt là 54,7%, 17,9%, 9,5%, 5,3%Chỉ có 26,4% bệnh nhân xuất hiện tác dụng không mong muốn sau điều trị, hầu hết đều ở mức độ nhẹ không nghiêm trọng.

Kết luận: Phương pháp xạ trị trong chọn lọc (SIRT) là kỹ thuật mới, có hiệu quả điều trị tốt, ít biến chứng, có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan các giai đoạn từ sớm cho tới giai đoạn tiến triển.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là ung thư xuất phát từ tế bào nhu mô gan. Đây là ung thư phổ biến hàng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở người. Tại Việt Nam, theo cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế được công bố trên GLOBOCAN 2020, số người mới mắc ung thư biểu mô tế bào gan và số ca tử vong vì ung thư này đều xếp thứ nhất (con số hàng năm được ghi nhận lần lượt là 26.418 và 20.256).

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh UTBMTBG, tùy thuộc vào thể trạng người bệnh, kích thước khối u, tình trạng di căn hạch, di căn xa, huyết khối tĩnh mạch cửa, xơ gan, dịch ổ bụng… mà thầy thuốc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo trong điều trị căn bệnh này ở giai đoạn khu trú. Ngoài ra có thể sử dụng các phương pháp khác như nút mạch, đốt sóng cao tần, tiêm cồn, xạ trị, hóa trị, điều trị đau và giảm nhẹ triệu chứng, điều trị đích, xạ trị chiếu trong chọn lọc bằng vi cầu phóng xạ. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và chỉ định riêng.

Về sinh lý bệnh học thì các khối u UTBMTBG được nuôi dưỡng bởi các nhánh động mạch gan (~90%) và tĩnh mạch cửa (~10%). Phương pháp xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 là phương pháp can thiệp qua đường động mạch gan nhằm đưa các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 (có kích thước 20-40 micromet) vào động mạch nuôi khối u. Các hạt vi cầu này sẽ đi vào các nhánh động mạch nhỏ khắp trong khối u gây tắc mạch. Khối u sẽ bị tiêu diệt theo hai cơ chế: giảm nuôi dưỡng u và bức xạ bêta năng lượng 0,93 MeV được phát ra từ đồng vị phóng xạ Y-90 gắn trên các hạt vi cầu sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư và làm giảm thể tích hoặc tiêu hoàn toàn khối u gan mà rất ít ảnh hưởng đến tổ chức lành xung quanh [1].

Phương pháp xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiotherapy: SIRT) bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 là kỹ thuật cao đã được áp dụng tại một số nước phát triển trong thời gian gần đây [4]. Tại Việt Nam phương pháp này lần đầu tiên được áp dụng vào cuối năm 2013 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp xạ trị trong chọn lọc với hạt vi cầu phóng xạ Y-90 đã được Bộ y tế phê duyệt, chuẩn hóa để áp dụng thường quy trong cả nước. Tại bệnh viện Bạch Mai hiện tại đã có hàng trăm bệnh nhân UTBMTBG được điều trị bằng phương pháp này. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc với hạt vi cầu phóng xạ Y-90 tại bệnh viện Bạch Mai.

 

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

Đối tượng nghiện cứu: 124 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán UTBMTBG được xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 12/2013 đến tháng 06/2021.

Tiêu chuẩn chọn lựa BN:

oBN được chẩn đoán xác định là UTBMTBG lần đầu hoặc tái phát sau điều trị các phương pháp điều trị trước đó.

oUTBMTBG giai đoạn trung gian hoặc tiến triển (có huyết khối nhánh hoặc một phần thân chung tĩnh mạch cửa) theo phân loại BCLC.

oHoặc UTBMTBG giai đoạn sớm nhưng từ chối hoặc có chống chỉ định với các phương pháp điều trị khác.

oThể trạng tốt: ECOG 0-2. Chức năng gan còn bù: Child-Pugd A, B7.

oShunt gan-phổi < 20% trên xạ hình 99mTc-MAA.

oBN có hồ sơ ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến nghiên cứu. Người bệnh tự nguyên tham gia nghiên cứu và theo hết quá trình điều trị, tái khám đầy đủ theo hẹn.

- Tiêu chuẩn loại trừ:

oUTBMTBG giai đoạn muộn, có di căn ngoài gan theo phân loại BCLC.

oXơ gan Chid-Pugh C hoặc B>7; Điểm ECOG > 2, bệnh nặng kết hợp.

oCác chống chỉ định liên quan đến can thiệp mạch: suy thận (creatinin huyết tương > 176,8µmol/L), rối loạn đông máu (tỷ lệ prothrombin < 60%; tiểu cầu < 50 G/L).

oShunt gan-phổi >20% trên xạ hình 99mTc-MAA.

oCó tiền sử xạ trị ngoài vào vùng gan trước đó trong vòng 6 tháng.

oPhụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

oKhông còn hồ sơ bệnh án tại bệnh viện Bạch Mai, hoặc thông tin trong bệnh án bị mất, không đầy đủ.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, hồi cứu kết hợp tiến cứu.

Quy trình nghiên cứu: Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tế bào gan → Đánh giá giai đoạn bệnh theo bảng phân loại Barcelona (giai đoạn A-D), đánh giá chức năng gan theo thang điểm Child-Pugh, đánh giá toàn trạng theo thang ECOG → Chỉ định xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 với liều được tính theo công thức SMAC → theo dõi và đánh giá sau 01, 03, 06 tháng (xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu cơ bản, chỉ điểm khối u AFP, chụp CT/MRI ổ bụng). Tiêu chí chính của nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng SIRT, tác dụng không mong muốn có thể xảy ra của phương pháp này. Tiêu chí phụ là đánh giá thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân.

- Quy trình xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90:

oPha 1: Đánh giá, tính liều Y-90

Chụp mạch gan trước điều trị nằm đánh giá bản đồ mạch máu của gan, mạch nuôi khối u gan, khả năng di chuyển của các hạt phóng xạ vào các cơ quan có nguồn cấp máu từ động mạch thân tạng. Cân nhắc nút tắc dự phòng động mạch tá tụy, động mạch vành vị trái để giảm thiểu nguy cơ di chuyển các hạt phóng xạ vào các nhánh mạch này gây loét đường tiêu hóa trên, viêm tụy cấp. Sau đó tiến hành tiêm 99mTc – MAA vào động mạch nuôi u gan qua catheter. Chụp xạ hình đánh giá shunt gan – phổi, tính tỷ lệ phần trăm hoạt tính phóng xạ tại phổi, đánh giá khả năng di chuyển của hạt phóng xạ Y-90 vào vùng dạ dày, ruột.

oTính liều phóng xạ Y-90 điều trị theo công thức SMAC (SIR-spheres microspheres activity calculator):

A = [(BSA – 0,2) + Vu/Vgan điều trị]x(Vgan điều trị/Vtoàn gan)

Trong đó: A là liều (GBq) thực tế các hạt vi cầu nhựa mang Y-90; BSA là diện tích da toàn bộ cơ thể; Vu là thể tích u gan, Vgan điều trị là thể tích phần gan chứa khối u, Vtoàn gan: thể tích toàn bộ gan.

o Pha 2: Tiến hành điều trị

Đặt Catheter qua da vào động mạch gan, chụp mạch, chọn nhánh động mạch nuôi khối u gan (ở vị trí chụp MAA tại pha 1); bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 với liều đã chỉ định chọn lọc vào động mạch nuôi khối u gan. Tiến hành chụp PET/CT vùng gan sau điều trị 4 giờ để đánh giá khả năng tập trung thuốc vào khối u cũng như khả năng di chuyển của hạt Y-90 vào các nơi khác.

             - Xử lý số liệu: Theo chương trình SPSS 22.0.

2.2. Kết quả nghiên cứu

 Bảng 1Đặc điểm bệnh nhân (n=124)

Đặc điểm bệnh nhân

n

%

Tuổi trung bình (X ± SD)

59,0±10,5

 

Giới

Nam

109/124

87,9

Nữ

15/124

12,1

Tiền sử viêm gan virus

B

81/124

65,3

C

15/124

12,1

Đồng nhiễm B & C

5/124

4,1

Xơ gan

67/124

54,0

Không

57/124

46,0

Giai đoạn Barcelona

Giai đoạn A

16/124

12,9

Giai đoạn B

79/124

63,7

Giai đoạn C

29/124

23,4

Chức năng gan Child Pugh

Child A

111/124

89,5

Child B7

13/124

10,5

Điểm toàn trạng ECOG

ECOG 0

85/124

68,6

ECOG 1

39/124

31,4

Nhận xét:

Trong số 124 bệnh nhân có 87,9% là nam; độ tuổi trung bình là 59,0, tuổi thấp nhất 29, tuổi cao nhất 87; 81,5% các bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus, trong số đó đặc biệt có 05 bệnh nhân đồng nhiễm cả B và C virus; 54,0% bệnh nhân bị xơ gan trước điều trị. Về giai đoạn bệnh theo BCLC: 12,9% bệnh giai đoạn A, 63,7% giai đoạn B và 23,4% giai đoạn C; chỉ có 10,5% bệnh nhân có chức năng gan Child B7 còn lại đều ở mức Child A. Có 31 bệnh nhân đã từng được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật kết hợp nút mạch hóa chất và/hoặc đốt sóng cao tần 1/nhiều lần, có cả những bệnh nhân từng điều trị liệu pháp toàn thân trước đây.

Bảng 2: Các chỉ số xét nghiệm trước điều trị SIRT (n=124)

Chỉ số

Median

Max

Min

Hồng cầu (T/l)

4,6

6,3

3,5

Bạch cầu (G/l)

6,6

15,8

3,5

Tiểu cầu (G/l)

186,0

385,0

44,0

INR

1,0

1,6

0,9

Billirubin toàn phần (umol/l)

13,0

35,5

4,0

Albumin (g/l)

40,4

47,9

29,4

GOT (U/l)

41,0

193,0

15,0

GPT (U/l)

43,0

228,0

15,0

Nhận xét: Các chỉ số của người bệnh hầu hết đều trong giới hạn bình thường, có một số bệnh nhân có tăng men gan do có nhiễm virus viêm gan thể hoạt động (GOTmax là 193U/L và GPTmax là 228U/L).

 Bảng 3: Các chỉ số khối u và y học hạt nhân trước điều trị SIRT (n=124)

Chỉ số

Median

Max

Min

AFP (ng/ml)

4862,5

121000,0

1,1

Kích thước u (cm)

5,9

15,0

2,0

Shunt gan-phổi (%)

3,1

19,4

1,0

Tỷ số T/N

8,7

195,9

1,0

Liều Y-90 (GBq)

1,1

2,5

0,5

Liều hấp thụ của u (Gy)

222,4

1218,0

38,2

Liều hấp thụ của nhu mô gan lành (Gy)

27,3

54,7

5,8

Liều hấp thụ của nhu mô phổi (Gy)

1,9

16,0

0,4

Nhận xét: Giá trị trung vị của liều Y-90 điều trị là 1,1GBq, liều hấp thụ tại u là 222,4Gy, vào nhu mô gan lành là 27,3Gy, vào nhu mô phổi là 1,9Gy.

 Chúng tôi theo dõi được 95/124 bệnh nhân sau 1, 3, 6 tháng (các bệnh nhân còn lại không đầy đủ các biến số theo dõi vì ảnh hưởng dịch COVID-19). Trong số 95 bệnh nhân trên trước điều trị có: 60 bệnh nhân có chỉ số AFP tăng, 21 bệnh nhân chỉ số AFP-L3 tăng, 32 bệnh nhân chỉ số PIVKA-II tăng.

Bảng 4: So sánh chỉ điểm u trước và sau điều trị

3712 anh 2

Nhận xétĐối với nhóm BN có giá trị AFP cao ≥ 10ng/mL trước điều trị kết quả giá trị AFP trung bình của nhóm giảm dần qua các thời điểm theo dõi (6343,7ng/mL -> 2314,5ng/mL -> 402,8ng/mL với p lần lượt bằng 0,005 và 0,006). Chất chỉ điểm u Pivka-II cũng giảm ở tháng thứ nhất và thứ ba sau điều trị (4852,5mAU/mL -> 2340,8mAU/mL -> 951,8mAU/mL với p lần lượt bằng 0,018 và 0,028). Với dấu ấn ung thư AFP-L3 sự thay đổi chỉ có ý nghĩa sau điều trị 01 tháng, còn thời điểm sau 03 tháng và 06 tháng sự thay đổi không có ý nghĩa với p lần lượt bằng 0,006, 0,185 và 0,696.

Tiếp tục theo dõi 95/124 bệnh nhân sau 1, 3, 6 tháng thu được kết quả như sau:

Bảng 5: Thay đổi kích thước u trước và sau điều trị

3712 anh 3

Nhận xét: Kích thước trung bình của khối u giảm dần theo thời gian từ trước điều trị là 6,5cm xuống còn 5,5cm sau 01 tháng điều trị, giảm tiếp tại thời điểm sau 03 tháng còn 5,0cm và sau 06 tháng điều trị kích thước khối u trung bình chỉ còn 4,7cm. Sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê với p lần lượt bằng <0,01, <0,01 và 0,03.

 Bảng 6. Đánh giá đáp ứng điều trị của khối u theo mRECIST.

mRECIST

Sau SIRT 01 tháng

Sau SIRT 03 tháng

Sau SIRT 06 tháng

N

%

N

%

N

%

CR

13

13,7

34

36,6

32

38,6

PR

78

82,1

27

29,0

07

8,4

SD

04

4,2

14

15,1

19

22,9

PD

0

0

18

19,3

25

30,1

95

100,0

93

100,0

83

100,0

Nhận xét: Sau tháng đầu tiên điều trị tỉ lệ BN có đáp ứng với điều trị đạt 95,8%, không có BN nào bệnh tiến triển. Đến tháng thứ 03 sau SIRT tỉ lệ BN có đáp ứng hoàn toàn tăng lên 36,6%. Sau 06 tháng điều trị SIRT có 30,1% số BN bệnh tiến triển trở lại.

 

3712 anh 1 

Biểu đồ 1: Thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân sau SIRT

Nhận xét: Thời gian sống thêm toàn bộ trung bình của nhóm BN nghiên cứu là 25,0±2,4 tháng, BN sống lâu nhất là 59 tháng. Tỉ lệ sống còn toàn bộ sau 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm lần lượt là 54,7%, 17,9%, 9,5%, 5,3%. 

Bảng 7: Biến chứng sau điều trị sau SIRT (n=95)

Biến chứng sau điều trị

N (%)

Biến chứng sớm

Mệt mỏi

5 (5,3%)

Nôn

7 (7,4%)

Sốt

4 (4,2%)

Đau bụng

9 (9,5%)

Biến chứng muộn

Viêm phổi

0 (0,0%)

Viêm dạ dày-ruột

0 (0,0%)

Nhận xét: Chỉ có 26,4% BN xuất hiện tác dụng không mong muốn sau điều trị, hầu hết đều ở mức độ nhẹ không nghiêm trọng 5,3% thấy có mệt mỏi thoáng qua, 7,4% buồn nôn, 4,2% sốt dưới 38,5 độ C và 9,5% đau bụng hơn so với trước điều trị, tất cả các tác dụng phụ đều hết sau 48 tiếng từ lúc điều trị.

2.3. Bàn luận

Trong nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình 59 tuổi, tuổi ít nhất là 29, cao nhất là 87 tuổi. Có tới 81,5% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan, điều này chứng tỏ mối liên quan mật thiết của virus viêm gan với bệnh sinh ung thư biểu mô tế bào gan.

               Phương pháp điều trị xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát không còn khả năng phẫu thuật. Trong nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chỉ gồm các bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan. Trong số 124 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan, giai đoạn bệnh trung gian (B) chiếm 63,7%, giai đoạn tiến triển (C) chiếm 23,4%. Các bệnh nhân giai đoạn C là các bệnh nhân đã có huyết khối tĩnh mạch cửa (HKTMC), không còn chỉ định điều trị can thiệp bằng nút mạch hóa chất hay đốt sóng cao tần. Đây chính là ưu điểm của phương pháp xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, phương pháp này có thể chỉ định cho các bệnh nhân đã có huyết khối tĩnh mạch cửa. Do các bệnh nhân chủ yếu ở giai đoạn trung gian và giai đoạn tiến triển nên kích thước u, thể tích khối u trung bình tương đối lớn: Giá trị trung vị kích thước u là 5,9cm.

Việc đánh giá shunt gan-phổi là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định điều trị hay không (chống chỉ định nếu shunt gan-phổi>20%). Kết quả nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân có shunt gan- phổi trung vị là 3,1%, đủ điều kiện để tiến hành điều trị. Theo nhiều tác giả, nếu tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị thì tỷ lệ gặp viêm phổi do tia xạ <1% [2],[3],[4].

Chúng tôi tiến hành điều trị cho các bệnh nhân với liều Y-90 trung vị là 1,1GBq (0,55-2,5 GBq). Với liều điều trị này cho phép đạt được liều hấp thụ trung vị của khối u gan là 222,4Gy (38,2-1218,0Gy). Trong khi đó liều hấp thụ trung vị của nhu mô gan lành chỉ là 27,3Gy (5,8-54,7Gy), vào nhu mô phổi là 1,9Gy (0,4-16,0Gy), hoàn toàn trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa được biến chứng viêm gan, viêm phổi do bức xạ. Với liều hấp thụ lên u gan >120Gy sẽ tăng tỷ lệ đáp ứng của khối u cũng như kéo dài thời gian sống thêm.

Việc theo dõi bệnh nhân sau điều trị là bắt buộc tuy nhiên vì những lý do bất khả kháng một số bệnh nhân khoảng cách địa lý xa, ảnh hưởng dịch COVID-19...đã phải tái khám tại cơ sở y tế tốt nhất tại địa phương họ. Và nền y tế Việt Nam hiện nay bệnh án điện tử còn chưa được thành một hệ thống trên cả nước, do vậy một phần nhỏ các bệnh nhân (23,4%) không đầy đủ dữ liệu, chúng tôi thật sự tiếc nuối việc này. Khi so sánh kết quả xét nghiệm sau 6 tháng điều trị của 95 bệnh nhân với kết quả ban đầu cho thấy, 63,2% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát có chỉ số AFP cao trước điều trị nhưng sau xạ trị trong chọn lọc đã giảm; 36,8% bệnh nhân có chỉ số AFP trong giới hạn bình thường trước điều trị nhưng sau 6 tháng thì chỉ số này không tăng lên. Có 41 bệnh nhân (33,1%) được làm xét nghiệm bộ ba PIVKA bởi lẽ kỹ thuật xét nghiệm này mới được cập nhật và Bộ Y Tế cho phép ứng dụng những năm gần đây. Trong số này có 21 bệnh nhân chỉ số AFP-L3và 32 bệnh nhân chỉ số PIVKA-II tăng trước điều trị. Quá trình theo dõi sau điều trị cho thấy rằng giá trị các chỉ số này đều giảm dần, tức là bệnh có đáp ứng về mặt sinh học sau điều trị SIRT. Đặc biệt, chỉ số trung bình PIVKA-II trước điều trị là 4852,5mAU/mL đã giảm dần sau điều trị 1 tháng, 3 và 6 tháng lần lượt là 2340,8-951,8-776,9mAU/mL (với p lần lượt là 0,018-0,028-0,061). Chỉ số PIVKA-II được nhiều nghiên cứu đánh giá là có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn chỉ số AFP. Đánh giá thay đổi về mặt hình thái khối u cũng cho kết quả đáp ứng tốt sau điều trị, kích thước u trung bình giảm từ trước điều trị là 6,5cm sau 1 tháng, 3 và 6 tháng điều trị giảm xuống còn lần lượt là 5,5-5,0-4,7cm (với p đều <0,05); và có 38,6% các khối u sau 6 tháng điều trị bệnh đáp ứng hoàn toàn (theo tiêu chuẩn đánh giá mRECIST).

Chúng tôi tiếp tục theo dõi người bệnh để ghi nhận thời gian sống thêm toàn bộ của người bệnh có kết quả như sau: Có 54 BN (56,8%) đã tử vong, trong đó 13 BN (13,7%) tử vong trong vòng 06 tháng sau điều trị, 30 BN (31,6%) tử vong trong vòng 6-12 tháng sau điều trị, tất cả các trường hợp tử vong đều do bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối (hoặc có HKTMC từ trước hoặc tiến triển mới xuất hiện HKTMC). Thời gian sống thêm toàn bộ trung bình của nhóm BN nghiên cứu là 25,0 tháng, BN sống lâu nhất là 59 tháng. Tỉ lệ sống còn toàn bộ sau 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm lần lượt là 54,7%, 17,9%, 9,5%, 5,3%. Như vậy kết quả cho thấy xạ trị trong chọn lọc là phương pháp có hiệu quả tốt đối với ung thư biểu mô tế bào gan. Nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển về ứng dụng phương pháp xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, được tiến hành trong nhiều năm đã chứng minh kết quả tương tự. Theo Alexander Villalobos và cộng sự , khi theo dõi nhóm bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan được điều trị bằng hạt vi cầu Y-90 và nhóm bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng cho thấy trung bình thời gian sống thêm của nhóm được điều trị Y-90 là 21,7 tháng [3]. Một nghiên cứu lớn khác của Guy E. Johnson và cộng sự trên bệnh nhân chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan được điều trị bằng Y-90 cho kết quả: Thời gian sống thêm trung bình của nhóm bệnh nhân là 29,9 tháng. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống thêm như: chức năng gan, số lượng khối u, điểm toàn trạng ECOG, có hay không có huyết khối,… [5]. Tại Châu Á có nghiên cứu của tác giả Chow trên 35 bệnh nhân ung thư gan giai đoạn B và C được xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 được kết hợp Nexavar cho kết quả: thời gian sống thêm của 2 nhóm lần lượt là 18,25 tháng và 8,75 tháng [2].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có 26,4% bệnh nhân xuất hiện tác dụng không mong muốn sau điều trị, hầu hết đều ở mức độ nhẹ không nghiêm trọng. Theo tổng kết của các nghiên cứu nước ngoài cho thấy tình trạng viêm gan, suy gan có thể xảy ra trong vòng 4-8 tuần sau can thiệp với tần suất 0-4% [2],[3],[4].

3. KẾT LUẬN

         Qua nghiên cứu 124 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan được xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 với liều trung bình 1,15±0,37 (GBq) tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả sau 6 tháng điều trị cho thấy đáp ứng sinh học ở cả ba loại dấu ấn ung thư và tại thời điểm sau 06 tháng điều trị vẫn có đáp ứng. Kích thước khối u giảm dần từ trước điều trị là 6,5±2,8cm sau 6 tháng điều trị còn 4,7±2,0cm. Tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn và đáp ứng một phần sau 3 tháng điều trị là 36,6% và 29,0%, sau 6 tháng điều trị là 38,6% và 8,4%. Thời gian sống thêm toàn bộ trung bình là 25,0±2,4 tháng, lâu nhất 59 tháng. Tỉ lệ sống còn toàn bộ sau 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm lần lượt là 54,7%, 17,9%, 9,5%, 5,3%. Các tác dụng không mong muốn chủ yếu bao gồm: Đau bụng (9,5%), nôn (7,4%), mệt mỏi (5,3%); sốt (4,2%). Phương pháp xạ trị trong chọn lọc (SIRT) là kỹ thuật mới, có hiệu quả điều trị tốt, ít biến chứng, có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan các giai đoạn từ sớm cho tới giai đoạn tiến triển.         

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa và cs. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan”. Bộ Y Tế. 2020; 3129/QĐ-BYT.

2. Pierce K.H. ChowMihir GandhiSay-Beng Tan, et al.SIRveNIB: Selective Internal Radiation Therapy Versus Sorafenib in Asia-Pacific Patients With Hepatocellular Carcinoma.  Journal of Clinical Oncology 2018; 36(19):654-677.

3. Alexander Villalobos, William Wagstaff, Mian Guo, et al. Predictors of Successful Yttrium-90 Radioembolization Bridging or Downstaging in Patients with Hepatocellular Carcinoma. Canadian Journal of Gastroenterology and Hepatology. 2021.

4. Guy E. Johnson, Riad Salem, Edward Kim, et al. Yttrium-90 Radioembolization for the Treatment of Solitary, Unresectable HCC: The LEGACY Study. RAPID COMMUNICATION | Hepatology. 2021; 74(5): 2342-2352.

5. Riad SalemAndrew C. GordonSamdeep Mouli, et al. Y90 Radioembolization Significantly Prolongs Time to Progression Compared With Chemoembolization in Patients With Hepatocellular Carcinoma. Gastroenterology. 2016; 151:1155–1163.

 

Abtract:

EVALUATION OF THE TREATMENT RESULTS FOR HEPATOCELLULAR CARCINOMA BY SELECTIVE INTERNAL RADIATION THERAPY (SIRT) WITH YTTRIUM-90 AT BACH MAI HOSPITAL

 

Mai Trọng Khoa*, Tran Đinh Ha*, Pham Cam Phuong*, Nguyen Duy Anh*, Pham Van Thai*,

Vu Dang Luu**, Trinh Ha Chau**, Le Van Khang**, Đo Đang Tan**, Le Đuc Tho** et al

* The Nuclear Medicine and Oncology center, Bach Mai hospital

** Radiology center, Bach Mai hospital 

Summary:

Objective: To evaluate the effectiveness of Selective Internal Radiation Therapy (SIRT) with radioactive microspheres Y-90 in the treatment of hepatocellular carcinoma (HCC) at Bach Mai hospital.

Research subjects: 124 patients with confirmed diagnosis of hepatocellular carcinoma with indications for radiotherapy in selective use of radioactive microspheres Y-90.

Methods: Cross-sectional descriptive, retrospective combined with prospective.

Research results: Summarize and evaluate on 124 patients with HCC receiving radiotherapy in selective with radioactive microspheres Y-90. Results: The average age of the group of patients is 59 years old, of which men account for 87.9%, women are 12.1%; 81.5% of patients had hepatitis virus infection. Intermediate stage (B) accounted for 63.7%, advanced stage (C) accounted for 23.4%. The patients had a median value of liver-lung shunt of 3.1%, the median T/N ratio was 8.7; therapeutic dose Y-90 is 1.15±0.37 GBq; The median value of radiation absorbed dose in tumors is 222.4Gy, in healthy liver parenchyma is 27.3Gy, in lung parenchyma is 1.9Gy. The follow-up results after 6 months of treatment showed that: The overall response rate was 69.9%, of which 38.6% of the target tumors responded completely after treatment, 8.4% had a partial response, stable disease was 22.9%, there were 30.1% tumor progression after treatment. Following up on 95 patients for nearly 10 years after treatment, the mean overall survival time was 25 months, the longest was 59 months. The overall survival rates after 1 year, 2 years, 3 years, and 4 years were 54.7%, 17.9%, 9.5%, and 5.3%, respectively. Only 26.4% of patients had unwanted effects after treatment, most of them were mild and not serious.

Conclusion: The protocol for treating HCC with Selective Internal Radiotherapy (SIRT) by Y-90 radioactive microspheres has been established, approved by the Ministry of Health and standardized for routine application at Bach Mai hospital and other hospitals throughout the country. This is an effective, and safe, low-complication treatment method, bringing new hope and life chances to many hepatocellular carcinoma patients in Vietnam.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan