Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi từ 20 đến 60. Thể bệnh hay gặp nhất biểu hiện bằng đau nhiều và đột ngột ở một bên lưng hay bụng lưng, thường đau lan ra phía trước và xuống dưới, hướng về phía hố chậu và các cơ quan sinh dục bên ngoài.
Các dấu hiệu thường gặp
Ngoài ra, còn có các rối loạn về tiêu hoá (buồn nôn, nôn, táo bón...), các dấu hiệu về tiết niệu (khó tiểu tiện, đái rắt...), bệnh nhân lo lắng, dễ bị kích thích. Ở thể bệnh này, bệnh nhân không sốt.
Đau quặn thận thể nặng ít gặp hơn. Bệnh nhân sốt trên 38 độ C, tiểu tiện ít hay vô niệu, đau dữ dội, tiêm thuốc giảm đau cũng không đỡ. Thể bệnh này cũng gặp ở các bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người suy thận hoặc đã được ghép thận.
Siêu âm, chụp X.quang, chụp CT (cắt lớp)... là các xét nghiệm cần ưu tiên vì chúng cho biết nguyên nhân gây tắc nghẽn (sỏi, khối u ở thận hoặc một chèn ép từ các tạng ở lân cận); tiên lượng bệnh (trường hợp may mắn khi sỏi từ chỗ tắc rơi xuống bàng quang và theo nước tiểu ra ngoài hoặc trường hợp nghiêm trọng như bệnh nhân chỉ có một thận hoạt động, thận đã bị suy...)
Nguyên nhân gây tắc đường dẫn nước tiểu
Tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu có thể do hai nguyên nhân:
- Vật gây tắc nghẽn ở ngay trong lòng đường dẫn nước tiểu: ngoài sỏi là nguyên nhân chủ yếu, còn có thể là một khối u trong thận hay ở ngay trong lòng đường dẫn nước tiểu (bể thận, niệu quản); còn có thể do nhồi máu thận, viêm bể thận cấp...
- Nguyên nhân gây tắc nghẽn phía ngoài (từ các tạng lân cận) chèn ép vào đường dẫn nước tiểu (thí dụ máu rỉ ra từ chỗ nứt của đoạn phình động mạch chủ, viêm các túi thừa của dạ dày – ruột, u nang buồng trứng bị xoắn...)
Điều trị
Trước hết, người bệnh cần được điều trị sớm và cắt cơn đau càng nhanh càng tốt. Muốn khỏi đau nhanh chóng, thuốc điều trị phải được ưu tiên đưa vào đường tĩnh mạch (tiêm, truyền) và phải sử dụng liên tục trong 2 ngày (kể cả về đêm). Người bệnh cần nhớ là phải uống đủ nước để tránh cho cơ thể bị mất nước.
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị tuỳ mức độ đau và từng trường hợp cụ thể. Thuốc có thể là loại giảm đau không (hoặc có) morphin, thuốc chống viêm không steroid và có thể dùng morphin trong các trường hợp đau dữ dội.
Bệnh nhân có thai cũng cần biết là trong giai đoạn 3 tháng cuối của kỳ thai không nên sử dụng các thuốc chống viêm không steroid. Thuốc loại này không được dùng cho những bệnh nhân suy thận.
Đối với các trường hợp không có biến chứng (bệnh nhân trẻ tuổi, không sốt, không bị tắc hoàn toàn đường nước tiểu), liệu pháp trên đạt hiệu quả cao. Hầu hết các bệnh nhân đều khỏi hẳn đau, và sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán và có thể điều trị ngoại trú.
Nếu vẫn còn đau dữ dội, người bệnh sẽ được gửi đến chuyên khoa tiết niệu để kịp thời tháo và dẫn ra ngoài khối nước tiểu đã bị căng ứ, ở phía trên chỗ tắc. Đau nhiều như thế thường gặp ở ba trường hợp sau:
- Đau quặn thận có sốt cao, có thể có ứ nước tiểu mưng mủ và có thể bị choáng nhiễm khuẩn; vỡ đường dẫn nước tiểu; đau quặn thận tăng nhạy cảm đau...
- Đau quặn thận ở các cơ địa đặc biệt: bệnh nhân đã bị suy thận hoặc có bệnh ở thận, chỉ có một thận hoạt động, đã được ghép thận, bệnh nhân có thai.
- Sỏi to (trên 6mm), sỏi cả ở bên phải và trái, sỏi vỡ ra (do dùng máy tán sỏi từ ngoài cơ thể) và làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu.
Sau khi được làm thoát nước tiểu ra ngoài, người bệnh sẽ được điều trị tiếp ở các chuyên khoa phù hợp như tiết niệu (nếu có sỏi tiết niệu); khoa sản (nếu người bệnh đang có thai); khoa u bướu (nếu có khối u chèn ép đường nước tiểu)...
Sau đó, người bệnh còn phải tiếp tục điều trị ngoại trú và theo dõi cẩn thận vì đau quặn thận rất dễ tái phát.
Để bệnh không tái phát, trong thời kỳ điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ những điều sau đây:
- Tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thay thuốc.
- Đối với trường hợp đau quặn thận do sỏi, bệnh nhân phải đi tiểu vào vải xô để lọc nước tiểu tìm sỏi. Nếu thấy sỏi, cần giữ lấy và đưa cho bác sĩ xem để theo dõi diễn biến của bệnh.
- Uống đủ nước và phân bố đều số lần uống trong ngày. Ăn bình thường.
- Thường xuyên đo nhiệt độ vào buổi sáng.
- Đến khám ngay khi nhiệt độ trên 38 độ C (hay rét run), nôn, đau lại, tính chất đau thay đổi, mệt mỏi, khó chịu, nước tiểu đỏ, suốt 24h không đi tiểu. Nếu có một hoặc vài dấu hiệu trên cũng phải đi khám bệnh ngay.