Gene căng thẳng làm ung thư vú di căn nhanh hơn

Ngày đăng: 26/09/2013 Lượt xem 1429
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ tìm ra rằng gene căng thẳng có thể tác động tới quá trình lây lan của bệnh ung thư vú.

Các nhà nghiên cứu cho biết, gene căng thẳng trong các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch, còn được gọi là ATF3, có thể là liên kết quan trọng giữa stress và ung thư. Trong đó, ATF3 có thể khiến các tế bào ung thư lây lan hoặc di căn - nguyên nhân chính gây tử vong cho bệnh nhân. Nghiên cứu y tế công cộng trước đó đã chỉ ra rằng căng thẳng là một yếu tố gây nguy cơ mắc ung thư.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ATF3 được kích hoạt, hoặc hoạt động trong tất cả các loại tế bào khi cơ thể bị căng thẳng. Trong những trường hợp điển hình, ATF3 được kích hoạt có thể làm cho các tế bào bình thường và lành tính diễn biến bất thường.

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, ATF3 thúc đẩy các tế bào miễn dịch để hoạt động thất thường và khiến cho các khối u lây lan sang các khu vực khác của cơ thể.

“Chúng ta đã gặp kẻ thù của mình, nó chính là bản thân chúng ta", Tsonwin Hai, giáo sư hóa sinh học phân tử và tế bào tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cũng là tác giả chính của nghiên cứu này cho biết. "Nếu cơ thể của bạn không giúp các tế bào ung thư thì chúng không thể phát tán rộng. Yếu tố giúp tế bào ung thư lây lan nhanh hơn chính là sự căng thẳng".

Giáo sư Hai và các đồng nghiệp đầu tiên nghiên cứu liên kết các biểu hiện của gene ATF3 trong tế bào thuộc hệ thống miễn dịch trên gần 300 bệnh nhân ung thư vú. Kết quả là, bệnh tình của hầu hết các bệnh nhân đều trở nên tồi tệ hơn khi gene ATF3 được kích hoạt.

Các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm trên động vật và thấy rằng những con chuột thiếu gen ATF3 thì không bị di căn ung thư vú rộng rãi so với những con có gene ATF3 bị kích hoạt.
Gen căng thẳng này có thể được áp dụng vào việc nghiên cứu thuốc chống di căn ung thư nếu những nghiên cứu bổ sung cho kết quả tưng tự, giáo sư Hai cho biết .

Theo Machineslikeus/kienthuc

Tin liên quan