Giảm cân ngăn ngừa ung thư ở phụ nữ béo phì

Ngày đăng: 25/05/2012 Lượt xem 9311
Ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, hiện tượng viêm liên quan đến một số dạng ung thư giảm khi họ giảm được ít nhất 5% trọng lượng cơ thể.

Hiệu quả hơn cả thuốc

Theo nghiên cứu, ở những phụ nữ giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn hạn chế calo và tập luyện, nồng độ các chất chỉ điểm viêm liên quan tới một số loại ung thư có chiều hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, nồng độ protein C phản ứng độ nhạy cao (CRP) giảm tới 42%, interleukin-6 giảm khoảng 23% trong hơn 1 năm.

Một điều thú vị là với phương pháp giảm cân, nồng độ các chất chỉ điểm viêm giảm được nhiều hơn so với khi áp dụng các loại thuốc chống viêm.

"Hiện tượng béo phì và viêm đã được chứng minh có liên quan đến một số loại ung thư", TS Anne McTiernan, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Hiện tượng viêm làm tổn hại các mô và cơ quan nội tạng trong cơ thể, từ đó tạo điều kiện cho ung thư hình thành và phát triển hoặc đẩy nhanh quá trình di căn của bệnh ung thư đang mắc phải.

Theo một số nghiên cứu trước đây, béo phì đẩy cao nguy cơ mắc ung thư tử cung, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư thận. TS McTiernan cho biết, thói quen sống ít vận động, ngồi nhiều và thừa cân quá mức là căn nguyên gây ra 25% các bệnh ung thư hiện nay.

 Mấu chốt ở mức cân nặng giảm được

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đưa ra kết luận trên sau khi khảo sát 439 phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, quá cân và béo phì.

Các đối tượng tham gia được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 được chỉ định thực hiện chế độ ăn hạn chế calo, nhóm 2 tăng cường tập luyện và nhóm 3 kết hợp cả ăn kiêng và tập luyện. Thời gian thử nghiệm kéo dài 1 năm, mục tiêu dành cho mỗi thành viên giảm được 10% trọng lượng của cơ thể.

Trong suốt khoảng thời gian này, các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm mẫu máu của từng người để đo nồng độ các chất chỉ viêm.

Kết quả cho thấy, ở nhóm chỉ ăn kiêng, nồng độ các chất chỉ điểm viêm giảm ở mức độ tương đương với nhóm kết hợp cả ăn kiêng và tập luyện.

Trái ngược với 2 nhóm trên, ở nhóm chỉ tập luyện, nồng độ các chất chỉ viêm không có dấu hiệu giảm. Kết quả này không khiến TS McTiernan ngạc nhiên bởi một số nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng vận động chỉ giúp làm giảm viêm khi người bệnh giảm được một mức cân nặng nhất định.

Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy, mức cân nặng giảm được mới là yếu tố then chốt, quyết định sự thay đổi nồng độ các chất chỉ điểm viêm.

Giảm cân lành mạnh

Theo TS McTiernan, với phụ nữ béo phì, việc cần làm trước tiên là giữ cân nặng ở mức ổn định, sau đó tăng cường hoạt động thể chất.

"Nên vận động ở mức độ vừa phải hoặc ở cường độ cao ít nhất 150 phút mỗi tuần", TS McTiernan khuyến cáo.

Nữ giới cần kiểm soát chặt chẽ lượng calo hấp thụ vào cơ thể, ở mức dưới 2.000 calo mỗi ngày.

Với khâu giảm cân, theo TS McTiernan, mục tiêu giảm từ 0,5 - 1kg trong vòng một tuần và giảm 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo TS Tim Byer, Phó Giám đốc Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa ung thư, Đại học Colorado (Mỹ), việc chỉ giảm một cân ở mức nhỏ cũng mang lại những lợi ích rất lớn, nên kết hợp với việc luyện tập thể lực để duy trì mức cân nặng bình thường.

Theo xaluan

Tin liên quan