LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ TÊ BÌ TAY CHÂN KHI SỬ DỤNG CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ?

Ngày đăng: 18/08/2024 Lượt xem 130
LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ TÊ BÌ TAY CHÂN KHI SỬ DỤNG CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ?
BSNT. Vũ Thị Niên, GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai
(Tổng hợp)
Hội chứng bàn tay – bàn chân còn được gọi là hội chứng palmar-plantar erythrodysesthesia. Đó là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư. Hội chứng này gây đỏ, sưng và đau ở lòng bàn tay và/hoặc lòng bàn chân. Đôi khi có xuất hiện cả mụn nước. Hội chứng bàn tay - bàn chân đôi khi xảy ra ở những nơi khác trên da, như đầu gối hoặc khuỷu tay nhưng rất hiếm.
Giảm các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị ung thư. Vậy triệu chứng, nguyên nhân và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ này, hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này. 

1. Triệu chứng của hội chứng bàn tay - bàn chân
Các triệu chứng của hội chứng bàn tay - bàn chân mức độ nhẹ hoặc trung bình bao gồm:
- Đỏ tương tự cháy nắng
- Sưng tấy
- Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát
- Đau hoặc nhạy cảm khi chạm vào
- Căng da
- Vết chai dày và mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân
Các triệu chứng của hội chứng bàn tay – bàn chân mức độ nặng bao gồm:
- Da nứt nẻ, bong tróc
- Mụn nước hoặc vết loét trên da
- Đau dữ dội
- Khó đi lại hoặc ảnh dưởng đến sinh hoạt hằng ngày
Hình 1. Các tổn thương ban đỏ có vảy ở vùng sau mắt cá chân với các vùng loét và mụn nước ở một phụ nữ 73 tuổi, ung thư vú được điều trị doxorubicin và cyclophosphamide 4 chu kỳ
 
Hình 2. Bàn tay, bàn chân của một phụ nữ 59 tuổi mắc ung thư đại tràng được điều trị bằng 5-fluorouracil, bevacizumab và irinotecan
2. Nguyên nhân gây hội chứng bàn tay – bàn chân
Một số loại thuốc trị ung thư ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào da hoặc mạch máu nhỏ ở tay và chân gây ra hội chứng bàn tay – bàn chân. 
Các loại hóa chất có thể gây ra hội chứng này bao gồm: capecitabine; cytarabine; docetaxel; paclitaxel; doxorubicin; liposomal doxorubicin; fluorouracil (5-FU); floxuridine; idarubicin; vemurafenib.
Ngoài ra một số thuốc nhắm trúng đích cũng có khả năng gây ra hội chứng tay chân bao gồm: axitinib; cabozantinib; regorafenib; sorafenib; sunitinib; pazopanib.
Cơ chế gây bệnh chính xác của hội chứng bàn tay – bàn chân vẫn chưa được biết rõ tuy nhiên có một số giả thuyết cho rằng:
- Sự biểu hiện cao hơn của enzyme kích hoạt fluoropyrimidine thymidine phosphorylase trong các mô của bề mặt lòng bàn tay, bàn chân so với bề mặt các mô khác, dẫn đến tăng nồng độ fluoropyrimidine ở tay và chân. 
- Thuốc thoát mạch xảy ra từ các vi mao mạch ở bàn tay và bàn chân do chấn thương cục bộ do các hoạt động bình thường hàng ngày như cầm nắm, đi lại và do tiếp xúc với nhiệt độ cao như nước nóng, ảnh hưởng sâu hơn đến các mao mạch ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gây tích tụ thuốc trong các mô ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. 
- Nhiều loại thuốc hóa trị tập trung ở các tuyến hoặc ống dẫn mồ hôi, chẳng hạn như ở lòng bàn tay và lòng bàn chân; tổn thương các mô này xảy ra do tích lũy thuốc tại chỗ. 
- Có thể do các mao mạch sâu ở lòng bàn chân và lòng bàn tay bị tổn thương dẫn đến phản ứng viêm dạng cyclooxygenase (COX).  
- Sự tương tác của doxorubicin và các ion đồng tạo ra các loại oxy phản ứng, gây ra hiện tượng chết thoe chương trình của tế bào keratin.  
Không phải ai dùng những loại thuốc này cũng mắc hội chứng bàn tay – bàn chân. Mức độ của hội chứng bàn tay – bàn chân có thể khác nhau ở mỗi người, ngay cả những người dùng cùng một loại thuốc điều trị và cùng mắc một loại ung thư cũng có thể có các triệu chứng không giống nhau.
3. Phòng ngừa và điều trị hội chứng bàn tay – bàn chân
Hội chứng bàn tay – bàn chân thường nặng hơn trong 6 tuần đầu điều trị với thuốc đích. Còn với hóa chất, thường xuất hiện sau 2 đến 3 tháng.
- Hạn chế sử dụng nước nóng lên tay chân khi rửa bát, tắm rửa.
- Tắm vòi sen hoặc tắm nước mát. Cẩn thận vỗ nhẹ cho da khô sau khi rửa hoặc tắm.
- Làm mát bàn tay và bàn chân. Sử dụng túi nước đá, nước mát hoặc khăn ướt trong 15 đến 20 phút mỗi lần. Tránh chườm đá trực tiếp lên da.
- Tránh các nguồn nhiệt, bao gồm phòng tắm hơi, ngồi dưới ánh nắng mặt trời hoặc ngồi trước cửa sổ đầy nắng.
- Tránh các hoạt động gây lực hoặc cọ xát vào tay hoặc chân trong 6 tuần đầu điều trị bao gồm chạy bộ, thể dục nhịp điệu và các môn thể thao dùng vợt.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất mạnh được sử dụng trong bột giặt hoặc sản phẩm tẩy rửa gia dụng.
- Tránh sử dụng găng tay cao su hoặc nhựa vinyl không có lớp lót vì cao su giữ nhiệt và mồ hôi trên da.
- Tránh sử dụng các dụng cụ hoặc đồ gia dụng đòi hỏi phải ấn tay vào bề mặt cứng ví dụ bao như dụng cụ làm vườn, dao và tua vít.
- Thoa kem dưỡng da để giữ ẩm cho tay một cách nhẹ nhàng, tránh chà xát hoặc xoa bóp kem dưỡng da vào tay và chân (vì tạo ra ma sát).
- Mang giày và quần áo rộng rãi, thông thoáng để tránh cọ xát vào da.
- Cố gắng không đi chân trần. Sử dụng dép mềm và tất dày để giảm ma sát cho bàn chân.
- Cân nhắc đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để loại bỏ vết chai dày và móng dày trước khi bắt đầu điều trị ung thư. 
* Điều trị hội chứng bàn tay – bàn chân
Khi điều trị bằng các loại thuốc có thể gây ra hội chứng bàn tay - bàn chân, có thể sử dụng các thuốc chống viêm tại chỗ bao gồm các loại kem corticosteroid như clobetasol hoặc halobetasol. Ngoài ra, có thể cân giảm liều hóa trị hoặc thay đổi thời gian tiếp túc hóa trị, một số trường hợp cần tạm thời ngừng hóa trị cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Để điều trị hội chứng bàn tay – bàn chân có thể sử dụng các phương pháp sau: 
- Sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ, như lidocain, được sử dụng dưới dạng kem hoặc miếng dán lên những vùng đau ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Sử dụng các loại kem tẩy tế bào chết, dưỡng ẩm tại chỗ có chứa urê, axit salicylic hoặc amoni lactate.
- Sử dụng các thuốc giảm đau, như ibuprofen, naproxen và celecoxib tuy nhiên cần báo lại cho bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc này.
- Chườm đá dưới bàn tay và bàn chân trong khi đang thực hiện hóa trị để ngăn ngừa hội chứng tay chân do paclitaxel, docetaxel hoặc doxorubicin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anusha Chidharla và cộng sự (2023), “Chemotherapy Acral Erythema”, StatPearls [Internet].
2. Arjun Gupta, Anurag Mehta và cộng sự (2015), “Palmar-plantar erythrodysesthesia”, BMJ Case Reports.
3. Cintia Santos Braghiroli,1 Rodrigo Ieiri và cộng sự (2017), “Do you know this syndrome? Hand-foot syndrome”, An Bras Dermatol, 92(1): 131–133
4. Johannes J.M. Kwakman, Yannick S. Elshot và cộng sự (2020), “Management of cytotoxic chemotherapy-induced hand-foot syndrome”, Oncol Rev.; 14(1): 442.
5. https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/hand-foot-syndrome-or-palmar-plantar-erythrodysesthesia


Tin liên quan