Đây là câu hỏi các chuyên gia nhận được nhiều nhất tại buổi tọa đàm “Ung thư không phải là dấu chấm hết” mới diễn ra tại Hà Nội. GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, đây cũng là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân ung thư với bác sĩ điều trị của chính họ.
Người bệnh ung thư cần một chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe mới có sức “chiến đấu” với bệnh tật.
“Nhiều bệnh nhân hỏi, có phải với bệnh nhân ung thư sẽ không được ăn các chất bổ, đạm như ăn thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, thậm chí cả sữa vì đó sẽ là nguồn năng lượng tuyệt vời nuôi khối u, nuôi tế bào ác tính phát triển mạnh mẽ hơn. Và thực tế rất nhiều bệnh nhân ung thư đã kiêng khem trong ăn uống, chỉ dám ăn đậu, ăn lạc, rau xanh… mà không dám ăn các thức ăn từ nguồn động vật, đạm sữa. Vì thế, nhiều bệnh nhân bị ung thư đến viện trong tình trạng dinh dưỡng suy kiệt nặng nề và họ không có đủ sức để chiến đấu với bệnh bởi các phương pháp điều trị ung thư từ phẫu thuật, xạ trị hay hóa chất… đều rất “tốn sức” của người bệnh”, GS Đức chia sẻ.
Bác Phạm Thị Minh (54 tuổi đang điều trị ung thư đại tràng) tại BV K cho biết, khi mới vào viện, đang còn hoang mang không biết bệnh tình như nào thì đã được những người cùng phòng “rỉ tai” ăn uống phải kiêng kem, không ăn nhiều đạm nếu không khối u sẽ lấy năng lượng từ đây phát triển rất mạnh. Sau khi hỏi bác sĩ giải thích, tôi cũng nói lại với nhiều người nhưng người thì nghe ăn uống bình thường, người vẫn nhất định kiêng khem chỉ ăn đạm từ thực vật.
Khẳng định về vấn đề này, GS Đức cho biết: “Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, bệnh nhân ung thư cần nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cao hơn bình thường bởi quá trình điều trị ngốn rất nhiều dinh dưỡng của người bệnh”.
GS Đức cho biết thêm, trên thế giới, 2/3 số bệnh nhân khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn suy kiệt. Tình trạng lo lắng, bệnh tật gây đau đớn, khiến người bệnh kém ăn, kém ngủ, thêm tinh thần khủng hoảng càng khiến tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng.
“Ở Việt Nam tôi cho rằng tỉ lệ này còn cao hơn, vì ngoài ảnh hưởng các yếu tố tâm lý, bệnh tật thì nhiều người sợ không dám ăn vì sợ tế bào ung thư phát triển”, GS Đức nói.
Trong khi đó, người bệnh ung thư đã yếu, ảnh hưởng tinh thần lại nhịn ăn càng khiến cơ thể càng suy kiệt sẽ không đảm bảo sức khỏe cho quá trình chữa trị. Với ý tưởng ăn ít, nhịn ăn để cho tế bào ung thư chết đói, thì tế bào ung thư chưa kịp chết người bệnh đã chết vì suy kiệt.
“Vì thế, phải loại bỏ hoàn toàn suy nghĩ này, phải bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Mổ xẻ, tia xạ, hóa chất đều là những phương pháp điều trị rất nặng nề, cơ thể suy kiệt, đói thì không thể có sức khỏe theo đuổi điều trị”, GS Đức khuyến cáo.
Cùng quan điểm này, GS.TS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Giám đốc BV K cho biết, nhiều người bệnh có quan niệm này vì sợ ăn càng bổ càng nuôi khối u phát triển nhanh hơn. Thực tế, khối u có cơ chế tự dưỡng của nó bất chấp việc chúng ta hạn chế ăn vào, nếu không ăn, cơ thể sẽ càng nhanh suy kiệt và người bệnh sẽ không đủ sức khỏe để theo đuổi lộ trình điều trị.
Với một người bệnh ung thư, một người chỉ cần sụt 5% trọng lượng cơ thể cũng làm cho tiên lượng sống xấu đi đáng kể do thể trạng yếu sẽ khó thích ứng với điều trị. Nếu ăn không đúng và đủ chất dinh dưỡng thì người bệnh sẽ mất đi khối nạc của cơ thể dẫn đến tình trạng suy mòn. Vì vậy, với bệnh nhân ung thư, dinh dưỡng được coi là liệu pháp điều trị cần tiến hành song song với các kỹ thuật điều trị khác. Theo đó người bệnh cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn uống đủ chất để có một sức khỏe tốt nhất, phối hợp với các phương pháp điều trị theo chỉ định để đạt hiệu quả điều trị cao.
Nguồn: dantri