Tìm hiểu để phát hiện, giúp gia tăng cơ hội bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh ung thư là điều cần thiết. Tuyến tiền liệt. Dấu hiệu để nhận biết ung thư tuyến tiền liệt thường không rõ ràng. Để chắc chắn, cần thực hiện khám trực tràng. Loại ung thư này được nghi ngờ có liên quan đến PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt). Kháng nguyên này được sản xuất tự nhiên trong tuyến tiền liệt nhằm giúp hóa lỏng tinh dịch. Nếu phát hiện PSA cao hơn bình thường thì nên cảnh giác. Ngoài ra, “không nên nhầm lẫn ung thư tuyến tiền liệt với các biểu hiện: tiểu nhiều, gắt, tiểu ngập ngừng..., bởi những dấu hiệu này có thể liên quan đến bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc hẹp niệu đạo”, Christopher Saigal, bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu tại Đại học California - Los Angeles (UCLA), Mỹ cho biết.
Phổi. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến, nhưng thường được phát hiện khá muộn vì các dấu hiệu ban đầu khá giống một số bệnh thông thường như dị ứng, cảm lạnh và cúm. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong cao cho nam giới. Ung thư phổi thường chỉ được phát hiện khi người bệnh nghi ngờ và bác sĩ yêu cầu chụp X quang phổi để kiểm tra. Ezra Cohen, bác sĩ tại Đại học Y khoa Chicago (Mỹ), phân tích dấu hiệu để nhận biết ung thư phổi là ho kéo dài, về sau có thể ho ra đờm hoặc máu, chán ăn và sụt cân, mệt mỏi, khó thở, tức ngực.
Đại trực tràng. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là đại tiện ra máu, không đau, máu sẫm màu, phân có chất nhầy. Kèm theo đó là các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, đau hậu môn dai dẳng, muốn đại tiện, sau khi đi xong vẫn còn cảm giác phải đi lần nữa, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng, đầy hơi, chán ăn. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm loét dạ dày, viêm ruột thừa, trĩ, rò hậu môn, kiết lỵ, polyp đại tràng; vì vậy cần làm các xét nghiệm để biết chính xác. Theo bác sĩ chuyên khoa Ruột và dạ dày của Trung tâm ung thư Fox Chase ở Philadelphia (Mỹ), hơn một nửa trường hợp bị ung thư trực tràng không được phát hiện sớm, nên khi thấy một trong những dấu hiệu mang tính chất “chỉ điểm”, bạn cần nhanh chóng tiến hành làm các xét nghiệm để có phương pháp trị liệu.
Bàng quang. Ung thư bàng quang là loại u ác tính phát sinh tại niêm mạc bàng quang. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 150.000 người tử vong vì căn bệnh này, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 - 4 lần so với nữ. Đi tiểu ra máu mà không thấy đau là triệu chứng chính và thường gặp nhất khi bị ung thư bàng quang. Trường hợp máu có trong nước tiểu kèm với đau thường là do nhiễm trùng hoặc sỏi. Đặc điểm nhận dạng thứ 2 là tiểu đứt quãng. Brian Rini, bác sĩ chuyên khoa tại Viện Lâm sàng các bệnh ung thư Taussig (Cleveland, Mỹ), cho biết ung thư bàng quang thường xảy ra sau tuổi 40 và chủ yếu trong nhóm tuổi từ 50 - 70.
Hạch bạch huyết. Giống như các loại ung thư khác, ung thư hạch bạch huyết xảy ra khi các tế bào bạch huyết phát triển và sinh sản mất kiểm soát. Khi bệnh tấn công, người bệnh không thấy đau, hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc háng sưng lên và không có dấu hiệu giảm đi trong một vài tuần. Ung thư bạch huyết còn có các triệu chứng không đặc hiệu khác, chẳng hạn: sốt, lạnh run, sụt cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi đêm, lơ mơ, ngứa ngáy (không phát ban). Xét nghiệm máu là điều cần thiết để xác định mức độ phát triển của bệnh trước khi tiến hành làm sinh thiết.
Theo Thanh niên/vnnews.yahoo