Nhuộm sợi bằng tay trần, coi chừng ung thư da

Ngày đăng: 23/02/2013 Lượt xem 1991
Nhuộm sợi bằng tay trần, coi chừng ung thư da

Nhuộm sợi, nhuộm nhựa là nghề phụ của nhân dân một số vùng quanh thủ đô Hà Nội. Trong khi ý thức về bệnh tật đã cao hơn nhưng một số người dân khi làm công việc nhuộm sợi, vẫn làm bằng tay không qua một phương pháp bảo hộ.
Chắc là không độc đâu (?!)

Bác Nguyễn Thị Thịnh (60 tuổi) ngụ tại làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) đã 20 năm gắn bó với nghề nhuộm sợi rồi nhuộm chỉ, nhưng chưa khi nào dùng đến găng tay hay một phương pháp bảo hộ nào khác khi tiếp xúc với thuốc nhuộm. Bác bảo, dùng găng tay khó làm, ảnh hưởng đến năng xuất nhuộm.

Vào mùa nhuộm, ngày nào bác Thịnh cũng tiếp xúc trực tiếp với nước nhuộm. Theo quan sát của chúng tôi,  trước mặt bác là mấy túi thuốc nhuộm màu xanh, vàng, đỏ và tím. Chẳng chút e dè, bác Thịnh dùng tay lấy một ít vào thau nước lã rồi dùng đôi đũa to khuấy đều lên, sau đó trộn bó sợi vào nước nhuộm như người ta thường giặt quần áo.
 
Bác Thịnh cười, nói với chúng tôi: “Màu vàng dính tay thế này thôi nhưng rửa là hết ngay. Chắc là không độc đâu. Mọi người đều làm như thế nhưng chưa thấy ai bị sao cả. Người bán thuốc nhuộm cũng nói là không độc hại gì. Vào thời tiết này thì da ai cũng bị khô và nẻ chứ không riêng gì người làm nhuộm”.

Nói là vậy, nhưng khi bác cho tay vào thau nước sạch kỳ cọ, chúng tôi vẫn thấy lớp thuốc nhuộm vàng trên tay bác còn nguyên màu.

Chị Nguyệt – hàng xóm nhà bác Thịnh cũng góp chuyện: "Ngày trước mẹ chị cũng nhuộm bằng tay, nhưng da chân, da tay có thấy bị ảnh hưởng gì đâu?”.
 
Không chỉ nhuộm sợi bằng tay, chị Nguyễn Thị Lương ( Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) còn làm nghề nhuộm chỉ. Chị Lương dị ứng với mùi cao su nên không mang găng tay khi làm việc, đành nhuộm chỉ bằng tay không. Chị Lương cho biết lâu nay cả nhà đều làm như vậy cả.

Anh Vũ Ngọc Hà, Phú Xuyên, Hà Nội làm sơn trong một xưởng gỗ tại Đỗ Xá, Phú Xuyên cho biết, khi sơn mà dùng găng tay, anh không thể xử lý được hết các góc cạnh, đường trổ. Cũng biết không mang găng tay bảo hộ có thể gây độc hại nhưng theo anh Hà, việc kiếm tiền vẫn quan trọng hơn là chú trọng vào mấy "tiểu tiết" đó.

Có thể gây ung thư da

Theo PGS.TS Lê Văn Cát (Viện Hoá học Việt Nam), tất cả các loại thuốc nhuộm đều độc hại và rất khó phân huỷ, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đối với sức khoẻ con người, thuốc nhuộm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến da mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như tim, gan, thận…

Có rất nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau, với những hoạt tính khác nhau nhưng đa số là độc hại. Các nghiên cứu về tác động của thuốc nhuộm đến môi trường đã được thực hiện nhiều.

Thuốc nhuộm ở dưới dạng tan chứa các thành phần như axit, nitơ và bazơ trung tính. Ở dạng không tan còn ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khoẻ con người. Nên có một phương pháp bảo hộ khi tiếp xúc với thuốc nhuộm.

Thuốc nhuộm sẽ được khuấy đều trong nước.

Tiến sĩ Trần Văn Tiến, Phó Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia (nay là Bệnh viện Da liễu Trung ương) cũng nhấn mạnh: Nguyên tắc lao động là phải có bảo hộ lao động. Thông thường, mỗi khi tiếp xúc với hoá chất đều ảnh hưởng tới sức khoẻ nói chung và làn da nói riêng. Ảnh hưởng tới mức độ nào tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Yếu tố đầu tiên là bản chất của từng loại hoá chất đó có thể gây viêm nhiễm hoặc dị ứng. Yếu tố thứ 2 là phụ thuộc vào cơ địa của từng người dễ bị dị ứng hay không. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào đường tiếp xúc. Nếu tiếp xúc bằng tay không có ảnh hưởng gì, nhưng có thể ảnh hưởng khi tiếp xúc bằng mắt. Có những người chỉ bị dị ứng vào mùa hè nhưng đến mùa đông họ tiếp xúc cùng hoá chất đó lại không gây dị ứng hay viêm da.

Tiến sĩ Trần Văn Tiến khuyến cáo, nếu tiếp xúc nhiều các hóa chất nhuộm màu hay còn gọi là phẩm màu, có thể dẫn đến ung thư da.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, tỷ lệ người vào khám bệnh về da do tiếp xúc với các loại hoá chất chiếm tỷ lệ khá cao, tùy theo từng mùa. Những bệnh nhân này thường bị các biến chứng nặng mới bắt đầu nhập viện.

 Theo Bee/suckhoevadoisong

Tin liên quan