Tế bào T, niềm hy vọng mới chống lại ung thư

Ngày đăng: 27/04/2016 Lượt xem 1989
94% bệnh nhân ung thư được thử nghiệm phương pháp miễn dịch tế bào T đã sống sót.

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vì Tiến bộ Khoa học Mỹ, các nhà khoa học Italy lần đầu tiên chứng minh tế bào T được biến đổi tồn tại trong cơ thể người ít nhất 14 năm và hoạt động như một loại văcxin ngăn ung thư tái phát, The Telegraph đưa tin. Nếu thành công, phương pháp mới này sẽ tạo nên đột phá trong ngành y thế giới và thay thế hóa trị vốn gây hại cho tế bào.

Liệu pháp miễn dịch tế bào T khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì làm hại tế bào như hóa trị và đem đến kết quả vô cùng khả quan. Ảnh: Alamy.

"Tế bào T là sinh dược, có thể sống trong cơ thể chúng ta suốt đời", giáo sư Chiara Bonini từ Viện Khoa học San Raffaele (Italy) giải thích. "Khi còn bé, bạn được tiêm văcxin và được bảo vệ khỏi bệnh tật. Đó là do tế bào T gặp kháng nguyên, được kích hoạt rồi tiêu diệt đồng thời ghi nhớ mầm bệnh. Trong trị liệu ung thư, tế bào T sẽ lưu lại dấu ấn và sẵn sàng nếu ung thư trở lại". 

Daniel Davis, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) nhận định đây là bước tiến quan trọng trong điều trị ung thư: "Bản chất của liệu pháp miễn dịch là biến đổi tế bào T nhằm cung cấp phản ứng miễn dịch lâu dài chống lại ung thư. Phương pháp này đầy tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong trị liệu ung thư ".

Trong một nghiên cứu độc lập, nhóm nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã sử dụng liệu pháp miễn dịch tế bào T để điều trị ung thư máu cho 26 bệnh nhân ung thư máu tiên lượng chỉ còn sống 2-5 tháng. 18 tháng sau, 24 người khỏi bệnh. "Đó là những bệnh nhân đã thất bại với mọi phương pháp trị liệu", giáo sư Stanley Riddell thuộc nhóm tác giả chia sẻ. "Thật phi thường". 

Tất nhiên, ngoài những kết quả tích cực đạt được, liệu pháp miễn dịch tế bào T còn một số thách thức như khó thực hiện, chưa phát huy tác dụng với mọi loại ung thư và chi phí đắt đỏ. Tuy vậy, nó vẫn mang đến hy vọng lớn cho cả y bác sĩ lẫn bệnh nhân. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang tiếp tục phát triển hoàn thiện kỹ thuật này. 

Minh Nguyên

Tin liên quan