Trẻ bị lác mắt có thể do... ung thư

Ngày đăng: 11/08/2010 Lượt xem 7483
Bé Thảo sinh ra hoàn toàn bình thường, duy chỉ có mắt bên trái là hơi lác. Bố mẹ bé không hề biết đó là dấu hiệu bé bị ung thư võng mạc.

Ung thư võng mạc là loại u ác tính bẩm sinh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhưng ít khi được phát hiện sớm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết 90% ca ung thư võng mạc là do đột biến gene xảy ra ở tế bào võng mạc. 10% còn lại do có gene bất thường Rb di truyền từ bố mẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể phát triển từ một ung thư nguyên phát khác ở bất kỳ chỗ nào trong cơ thể như ung thư xương, ung thư da ...

Đi khám ngay nếu đồng tử mắt trẻ có màu trắng

Ôm con gái vào lòng, chị Lan (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) không cầm được nước mắt. Chị kể, lúc sinh ra bé Thảo hoàn toàn khỏe mạnh, duy chỉ có mắt bên trái là hơi lác. Đến năm bé Thảo được ba tuổi, một lần vô tình chị phát hiện có đốm trắng đục ở con ngươi mắt trái của bé. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, chị bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo bé Thảo bị ung thư võng mạc. Nguy hiểm hơn, khối u đã xâm lấn vào thần kinh thị giác, ăn ra ngoài nhãn cầu nên bắt buộc phải khoét bỏ mắt trái, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

Theo tiến sĩ Minh, phần lớn bệnh xảy ra ở một mắt. Với những trường hợp bị cả hai mắt, bệnh thường xuất hiện sớm hơn nhưng thời điểm biểu hiện và mức độ khác nhau. Một trong những triệu chứng hay gặp nhất và có giá trị trong chẩn đoán ung thư võng mạc là trẻ có đồng tử trắng, hay còn gọi là ánh mắt mèo mù (trong bóng tối, mắt trẻ có ánh sáng xanh như mắt mèo). 

Lác là triệu chứng hay gặp thứ hai, chiếm 25% trường hợp mắc bệnh. Khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn, trẻ sẽ có các triệu chứng như: mắt đỏ, đau nhức, giác mạc phù, giãn đồng tử, lồi mắt, viêm quanh tổ chức hốc mắt, chậm phát triển. Ung thư võng mạc  có thể di căn đến tủy xương, hạch, gan và lách.

80% trường hợp phải khoét bỏ mắt 

Tùy theo mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Nếu điều trị sớm, bác sĩ hoàn toàn có thể giữ đôi mắt cho trẻ bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như: tia xạ khi khối u nhỏ, ở sâu phía sau nhãn cầu; laser, lạnh đông đối với những khối u nhỏ, không nằm quá sâu. Khi khối u trong nhãn cầu đã lớn, các bác sĩ sẽ phải múc bỏ nhãn cầu bởi trong trường hợp phát hiện muộn, khối u sẽ di căn vào dây thần kinh thị giác, gây ung thư cho mắt còn lại, hoặc có thể di căn lên não, khiến trẻ tử vong. 

Tiến sĩ Minh nói: “Điều đau lòng là có đến 80% bệnh nhi được đưa đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, khi khối u đã to, nên phải khoét bỏ mắt để bảo toàn tính mạng, không cho khối u tiếp tục xâm lấn hoặc di căn”.

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên thường xuyên quan sát lòng đen mắt của trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất thường, nên đưa ngay đến bệnh viện. Cách phòng ngừa tốt nhất là trong vòng ba năm đầu sau khi sinh là cho trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. Những đứa trẻ có tiền sử gia đình ung thư võng mạc hoặc bị lác cần được đưa đi khám càng sớm càng tốt. Những trẻ đã bị khoét bỏ mắt vì căn bệnh này phải tái khám định kỳ theo chỉ định để đề phòng các tế bào ác tính xuất hiện trở lại.

Tin liên quan