Tự phát hiện ung thư hốc miệng

Ngày đăng: 23/09/2011 Lượt xem 10662

Đứng trước gương xem kỹ vùng ngoài miệng, phát hiện sự bất đối xứng hoặc khiếm khuyết ở da, những thay đổi bất thường về màu sắc và hình dạng. Tự kiểm tra vùng miệng và cổ thường, đặc biệt lưu ý đến những vùng dễ bị ung thư.

Tự phát hiện ung thư hốc miệng

Đứng trước gương xem kỹ vùng ngoài miệng, phát hiện sự bất đối xứng hoặc khiếm khuyết ở da, những thay đổi bất thường về màu sắc và hình dạng. Tự kiểm tra vùng miệng và cổ thường, đặc biệt lưu ý đến những vùng dễ bị ung thư.

Quan sát và dùng tay kiểm tra hạch cổ, nếu có hàm răng giả thì phải lấy ra trước khi khám. Nên kiểm tra theo một trình tự nhất định để không bỏ sót vùng nào.

- Để kiểm tra các phần trong miệng, cần há miệng vừa phải để quan sát môi, nướu và đáy hành lang trước. Há miệng lớn, banh má về một bên để quan sát màu sắc, hình dạng. Sau đó há miệng vừa phải, xem đáy hành lang trên và dưới. Lặp lại giống như thế ở phía má bên kia.

- Quan sát lưỡi trong miệng và le lưỡi ra, ghi nhận sự thay đổi màu sắc, hình dạng, phân bố các gai, tính đối xứng, sự di động. Lặp lại ở phía lưỡi bên kia.

- Cong đầu lưỡi lên đụng vào khẩu cái để khám sàn miệng và bụng lưỡi.

- Ấn lưỡi xuống để nhìn vào họng.

Sau đó, dùng ngón tay khám các vùng miệng nếu thấy có biểu hiện bất thường.

Những tổn thương nghi ngờ ung thư hốc miệng

1. Vết loét không lành sau 2 tuần không rõ nguyên nhân dù đã loại bỏ các yếu tố kích thích.

2. Tổn thương xơ chai, cứng.
3. Tổn thương chồi gồ dạng bông vải hay khối u.

4. Tổn thương dính chặt vào mô bên dưới.

5. Ổ răng nhổ không lành.

6. Răng lung lay không rõ nguyên nhân.

7. Đau, dị cảm không rõ nguyên nhân.

8. Trở ngại chức năng: khó nhai, nói, chảy nước miếng. 

9. Mảng trắng/đỏ.

10. Sờ thấy hạch cổ, nhất là khi có nhiều hạch cứng, dính.

Biểu hiện báo trước ung thư hốc miệng 

tongue_cancer_640x480

Ung thư hốc miệng thường xuất hiện trên niêm mạc đã bị biến đổi. Những tổn thương đó được gọi là tổn thương tiền ung thư, gồm: 

1. Bạch sản: Mảng trắng trên niêm mạc, cạo không tróc.

2. Hồng sản: Một mảng đỏ tươi như nhung, không đau, 50% đã là ung thư.

3. Xơ hóa dưới niêm mạc miệng: Ở người ăn trầu, có cảm giác nóng bỏng, niêm mạc trắng dần, miệng há nhỏ dần, cử động lưỡi khó.

4. Liken phẳng: Gồm những đường trắng đan nhau, vị trí thường ở niêm mạc má hai bên. Nếu bị loét, có thể gây đau và khó chịu, nhất là khi ăn các thức ăn chua và cay.

5. Viêm môi do tia nắng: Môi khô, nứt nẻ, đóng vảy.

6. Thiếu máu do thiếu sắt: Khó nuốt, teo niêm mạc miệng hầu.

Cần làm gì khi phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư hốc miệng

1. Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, ăn trầu.

2. Tăng cường chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin (chú ý vitamin A, C, E) và các kim loại vi lượng khác như kẽm, selen và sắt để phòng ngừa bệnh tiến triển, cũng như giảm sự tái phát bệnh sau khi điều trị.

3. Đến khám tại các cơ sở y tế và tuân thủ đúng y lệnh điều trị của bác sĩ.

4. Tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ và tự theo dõi, nếu có bất thường nên trở lại khám sớm hơn. Cảnh giác về các dấu chứng báo động như đau, loét, chảy máu, nổi hạch... 

Xét nghiệm giúp phát hiện sớm

Để phát hiện và theo dõi ung thư hốc miệng, có thể thực hiện một số xét nghiệm đơn giản như: 

- Xét nghiệm xanh toluidine: Đơn giản, độ nhạy cao, không gây hại, nhưng lưu ý có trường hợp dương tính (+) giả, không phải là ung thư cũng bắt màu xanh dương đậm.

- Phết tế bào bong.
Nếu các xét nghiệm trên dương tính hoặc khi bác sĩ khám lâm sàng nghi ngờ có nhiều khả năng bị ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị làm sinh thiết ngay để có chẩn đoán xác định và điều trị sớm.
Phòng bệnh

Hiện nay, ở phía Nam, cơ sở đầu ngành chuyên trị ung thư là Bệnh viện Ung bướu. Ung thư hốc miệng điều trị khỏi chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị, riêng lẻ hay kết hợp. Một số trường hợp phát hiện bệnh trễ phải phối hợp thêm hóa chất điều trị ung thư.

Tổn thương nhỏ sẽ dễ điều trị hơn và có nhiều hy vọng chữa khỏi. Ví dụ ung thư môi có tổn thương nhỏ, chưa di căn hạch thì 85% bệnh nhân có thể sống trên 5 năm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là mỗi người phải có ý thức phòng ngừa ung thư hốc miệng. Xin nêu một số biện pháp phòng ngừa sau:

- Nên bỏ hút thuốc lá, uống rượu, vì ngoài tác hại gây ung thư, hai thói quen xấu này còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân như gây bệnh tim mạch, ung thư (phổi, miệng, hầu, thanh quản...) và sức khỏe răng miệng (làm đen răng, tạo cao răng, gây bệnh nha chu...).

- Nên bỏ các hình thức dùng thuốc lá tại chỗ (nhai, xỉa, đắp thuốc rê), bỏ ăn trầu. Nếu không thể bỏ thói quen này thì sau khi ăn trầu, phải dùng nước súc miệng thật kỹ.

- Nhiều bằng chứng đã cho thấy nguy cơ ung thư hốc miệng sẽ giảm nhiều nếu bỏ được thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá 10 năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư hốc miệng ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

- Lưu ý không được lạm dụng các loại nước súc miệng có cồn, nhất là khi hút nhiều thuốc lá.

- Hút thuốc lá thụ động: Môi trường nhiễm khói thuốc lá là nguyên nhân chính của nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư hốc miệng.

- Tìm hiểu và thực hiện hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và phòng ngừa ung thư của Hiệp hội Ung thư Mỹ như sau: 

1. Chọn đa số các thức ăn có nguồn gốc từ thực vật.

2. Hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật.

3. Hoạt động thể lực tích cực: Duy trì cân nặng tốt, hoạt động thể lực điều độ 30 phút hay hơn mỗi ngày.

4. Hạn chế các thức uống có cồn.

5. Không hút thuốc lá.

6. Tránh các nhiễm trùng lây truyền theo đường tình dục.

Hiện nay, các nhà khoa học cố gắng nghiên cứu ung thư theo nhiều hướng về những gene gây bệnh, về tác động của yếu tố môi trường gây đột biến gene... để biết rõ nguyên nhân bệnh sinh của ung thư và có cách điều trị hiệu quả. Nhiều trường hợp ung thư có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi lối sống, như bỏ hút thuốc lá, không ăn trầu, không uống rượu quá mức và có chế độ ăn giàu rau quả tươi.

Tin liên quan