U vùng đồi thị

Ngày đăng: 24/06/2009 Lượt xem 4159
Tôi có em trai bị u não, tình trạng chân trái bị đau nhức không đi lại được, giảm trí nhớ trầm trọng. Chẩn đoán u vùng đồi thị (T), điều trị: đặt Shur, phẫu thuật bằng gamma.

Tình trạng sau khi điều trị xuất viện: tốt, đi đứng bình thường, trí nhớ khôi phục. Nay em tôi bắt đầu đau nhẹ ở chân trái, mắt trái nhòa, mất ngủ thường xuyên, trong người bứt rứt khó chịu (cả ngày chỉ ngủ khoảng 2 giờ).Tôi có đưa em tôi đi chụp CT lại, chẩn đoán kết luận: Khối đậm độ mô mềm vùng đồi thị (T), KT#25mmx38. TD:u đồi thị (T), có dẫn lưu não thất. Nang màng nhện vùng bể lớn, KT#25mmx55.

Tôi xin BS Phòng mạch Online tư vấn, trường hợp em tôi có phải tiếp tục điều trị bằng dao gamma hoặc phương pháp khác để khỏi hẳn bệnh không? Có nguy cơ di căn mãn không? Tỉ lệ khỏi bệnh sau điều trị bằng tia gamma trong trường hợp này ra sao? Bệnh viện FV ở TP.HCM có điều trị u não này không? Rất mong nhận được phản hồi của Phòng mạch Online, tôi xin chân thành cảm ơn.

L.T.Nuong

-Trả lời của Phòng mạch Online:

Trên nguyên tắc, khi phát hiện được một trường hợp bướu não nhờ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp - CT scan, chụp cộng hưởng từ - MRI), các bác sĩ sẽ phải xác định bản chất của bướu. Bệnh nhân có thể sẽ được hoặc phẫu thuật lấy bướu, hoặc phẫu thuật sinh thiết bướu.

Thông thường phẫu thuật lấy bướu được chọn lựa khi :

- Bướu nằm ở vị trí dễ tiếp cận

- Phẫu thuật lấy bướu không gây ra những tổn thương nghiêm trọng về chức năng của não bộ

- Bướu có kích thước lớn và gây chèn ép nhu mô não bình thường.

Ngược lại, phẫu thuật sinh thiết, đặc biệt là kỹ thuật sinh thiết dưới hệ thống định vị bướu trong không gian 3 chiều (stereotactic biopsy, xem hình minh họa bên dưới) được ưu tiên chọn lựa khi :

- Bướu nằm sâu trong não bộ, khó tiếp cận

- Khi phẫu thuật dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng về chức năng của não bộ

- Bướu có kích thước nhỏ, khoảng dưới 3cm.

Sau khi phẫu thuật, mô bướu sẽ được gửi đến cho các nhà giải phẫu bệnh để xác định bản chất: loại tế bào, tính chất lành hay ác, độ ác tính của tế bào... Tùy theo kết quả, các bác sĩ điều trị sẽ quyết định các bước điều trị tiếp theo.

Trường hợp không thể lấy bướu, xạ trị là phương pháp được ưu tiên chọn lựa. Khi đó, kết quả giải phẫu bệnh sẽ giúp bác sĩ xạ trị quyết định về thể tích và liều lượng xạ trị. Hiện nay, Gammaknife hoặc Xknife là phương pháp xạ trị rất hiệu quả cho những trường hợp bướu não kích thước nhỏ. Trên các phương tiện thông tin, phương pháp này thường được gọi là "phẫu thuật bằng dao gamma". Đây là cách gọi không đúng và cần phải điều chỉnh.

Một số trường hợp bướu não loại tế bào hình sao (bướu sao bào = Astrocytoma) có độ ác tính cao, không thể phẫu thuật hoặc tái phát sau phẫu thuật, phương pháp điều trị cho kết quả tốt nhất hiện nay là xạ trị kết hợp dùng thuốc Temolozomide.

Hình minh họạ bên dưới cho thấy cấu trúc giải phẫu học của não bộ. Vùng đồi thị nằm rất sâu, có thể nói nằm ngay trung tâm não bộ và được bao bọc xung quanh bởi nhu mô não.

Về phương diện chức năng, vùng đồi thị là :

- Trung khu thần kinh tiếp nhận mọi cảm giác của cơ thể do các sợi thần kinh cảm giác chuyển đến trước khi đi đến vỏ não.

- Nơi tận cùng của các sợi thần kinh vận động thuộc hệ ngoại tháp.

Do vậy, mọi tổn thương của đồi thị do bệnh lý, hoặc do tác động điều trị (phẫu thuật, xạ trị) đều có thể gây những tổn thương nghiêm trọng về chức năng (rối loạn tri giác và cảm giác, liệt vận động...).

Trường hợp được nêu trong thư, dù không nêu rõ tình trạng ban đầu nhưng vẫn có thể đoán được đây là trường hợp khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Hiện tại có thể bệnh tiếp tục diễn tiến ngay sau khi xạ trị. Quá trình điều trị tiếp theo sẽ phức tạp và không khả quan. Nếu chúng ta muốn làm một việc gì đó tốt hơn cho bệnh nhân thì chỉ có khả năng sau :

- Cân nhắc việc sinh thiết bướu bằng phương pháp sinh thiết có định vị. Hiện tại khoa ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ rẫy có trang bị phương tiện thực hiện kỹ thuật này.

- Sau có giải phẫu bệnh, xác định lại các thông số xạ trị trước đây của Bệnh viện Đại học Y Huế : thể tích, liều xạ trị....

- Các bác sĩ xạ trị có kinh nghiệm sẽ cân nhắc xem có thể xạ trị bổ sung hay không nếu bướu thuộc loại nhạy xạ và liều xạ trị vào tháng 2-2009 chưa đạt đến giới hạn tối đa.

- Trường hợp nếu là bướu sao bào có thể dùng Temozolomide kết hợp với xạ trị, hoặc dùng đơn thuốc đơn thuần nếu không thể xạ trị.

Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại mọi sự can thiệp điều trị vào vùng đồi thị đều có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và để lại những di chứng nặng nề về mặt chức năng cho người bệnh. Có thể nói rằng trong trường hợp này chúng ta rơi tình huống "Ném chuột sợ vỡ đồ".

BS VÕ KIM ĐIỀN 
(khoa ung bướu và xạ trị BV FV TP.HCM)

Tin liên quan