Ung thư tuyến tiền liệt - Nỗi khổ của đàn ông

Ngày đăng: 05/09/2008 Lượt xem 10001
Trong các loại ung thư thì ung thư tiền liệt tuyến là một bệnh thường gặp gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Nam giới cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, các biểu hiện của bệnh thường diễn ra âm thầm, do vậy nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Vì sao tiền liệt tuyến bị ung thư?

Ung thư tiền liệt tuyến xuất hiện do sự tăng sinh bất thường của tế bào tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh dục nam nằm giữa vùng gốc dương vật và bàng quang. Tuyến tiền liệt nằm ôm quanh lấy niệu đạo (là đoạn ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Tiền liệt tuyến có vai trò sản xuất dịch nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng (do tinh hoàn sản xuất ra).
Hiện nay vẫn chưa có nguyên nhân nào được khẳng định chắc chắn gây ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra một số các yếu tố nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến:

Tuổi: Được xem là yếu tố nguy cơ chủ yếu. Ung thư tiền liệt tuyến hiếm gặp ở người dưới 45 tuổi, hầu hết các trường hợp ung thư xảy ra ở độ tuổi trên 65.

Di truyền: Nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn ở những người trong gia đình có bố hoặc anh trai mắc ung thư tiền liệt tuyến.

Chế độ ăn: Những người có chế độ ăn chứa hàm lượng mỡ cao và ăn nhiều thịt động vật có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến, ngược lại người ăn nhiều hoa quả và rau sẽ có nguy cơ thấp mắc bệnh.

Không thể xem thường với các biểu hiện tiểu khó, tiểu rắt

Ung thư tiền liệt tuyến thường không biểu hiện các triệu chứng gì đặc biệt, nhất là ở giai đoạn sớm. Các biểu hiện bệnh thường tương tự như các triệu chứng của u phì đại tiền liệt tuyến, nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc biểu hiện của các bệnh khác ở đường tiểu dưới hay bệnh ở sinh dục nam như: đái khó, dòng nước tiểu yếu; đái rắt, đặc biệt là về đêm; bí tiểu; đái máu hoặc nước tiểu lẫn tinh dịch; đi tiểu có cảm giác bỏng rát; rối loạn cương dương hoặc đau khi xuất tinh; đau mỏi vùng thắt lưng, hông hoặc vùng đùi trên...

Do ung thư tiền liệt tuyến thường không có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm, bệnh thường được phát hiện qua thăm khám trực tràng hoặc tình cờ phát hiện do đi khám bệnh vì lý do khác. Lý do bệnh được phát hiện muộn thường là do người già âm thầm chịu đựng bệnh, có người còn cho rằng khi tuổi đã cao thì tình trạng sức khỏe suy giảm, các biểu hiện đái khó, đái rắt cũng là bình thường hoặc cho rằng do suy giảm sinh lý mang lại.

Các xét nghiệm cho kết quả tin cậy đã có ở Việt Nam

Xét nghiệm PSA máu: Có một loại xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến đó là định lượng hàm lượng kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến, viết tắt là PSA (Prostate-specific Antigen). Tuy nhiên, giống như nhiều loại xét nghiệm sàng lọc khác, xét nghiệm này không hoàn hảo, có thể đem lại kết quả sai lệch. Ví dụ, xét nghiệm PSA bình thường vẫn có thể mắc ung thư tiền liệt tuyến, hoặc nếu PSA hơi tăng cao hơn bình thường, người bệnh có thể không mắc ung thư tiền liệt tuyến. Khi có các biểu hiện triệu chứng như nêu trên hoặc xét nghiệm PSA nghi ngờ ung thư tiền liệt tuyến, có thể làm thêm các xét nghiệm sau:

Siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng: Là xét nghiệm siêu âm thông qua đầu dò siêu âm đặt trong lòng trực tràng phát sóng siêu âm nhằm hiện hình tuyến tiền liệt lên màn hình video.

Soi bàng quang: Sử dụng một loại ống nhỏ, chiếu sáng nhằm quan sát niệu đạo và bàng quang.

Sinh thiết tiền liệt tuyến qua trực tràng: Là xét nghiệm sử dụng loại dụng cụ dạng kim xuyên qua trực tràng vào tiền liệt tuyến nhằm lấy một mẫu tổ chức của tuyến tiền liệt tìm tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Chỉ có xét nghiệm sinh thiết tiền liệt tuyến mới có vai trò khẳng định chắc chắn ung thư tiền liệt tuyến.

Nếu sinh thiết tiền liệt tuyến khẳng định ung thư, có thể làm các xét nghiệm khác nhằm đánh giá sự lan tràn ung thư và giúp quyết định phương pháp điều trị: scan xương, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).

Mặc dù còn nhiều nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tiền liệt tuyến nhưng các nhà chuyên môn đều cho rằng nếu có một chế độ ăn uống hợp lý, ăn ít chất béo, nhiều rau quả tươi, tập luyện chăm chỉ, không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, thuốc lá, vệ sinh cơ thể tốt... thì có thể hạn chế được nguy cơ gây bệnh.

Tin liên quan