Ung thư tuyến tiền liệt (Phần 1)

Ngày đăng: 11/09/2014 Lượt xem 2001
Ung thư tuyến tiền liệt

Đặt vấn đề

         Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư của một tuyến hình quả hồ đào nhỏ ở nam giới. Tuyến này sản xuất tinh dịch, một dịch nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

         Đối với nhiều nam giới, một chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có thể là sự khiếp sợ, không chỉ vì sự đe doạ đến đời sống của họ mà còn đe doạ đến khả năng tình dục của họ. Thực ra, những hậu quả có thể xảy ra của việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt- bao gồm những khó khăn về kiểm soát bàng quang và rối loạn hoặc không đủ khả năng cương cứng dương vật- có thể là mối quan tâm lớn cho một số nam giới.

         Nếu ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm khi nó còn giới hạn ở tuyến tiền liệt- bạn có cơ hội được điều trị có hiệu quả tốt hơn với những tác dụng phụ tối thiểu hoặc ngắn hạn. Việc điều trị có hiệu quả ung thư tuyến tiền liệt đã lan tràn ra ngoài tuyến tiền liệt có khó khăn hơn. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiện có có thể giúp kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt

Những dấu hiệu và triệu chứng

         Ung thư tuyến tiền liệt thường không gây bất cứ triệu chứng nào trong những giai đoạn sớm của nó. Đó là lý do vì sao nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không được phát hiện cho đến khi ung thư đã lan tràn ra ngoài tuyến.

          Khi những dấu hiệu và triệu chứng xảy ra, chúng có thể bao gồm:
  •           Đau ê ẩm trong vùng hố chậu thấp
  •           Đi tiểu khẩn cấp
  •           Khó bắt đầu đi tiểu
  •           Đau khi đi tiểu
  •           Dòng nước tiểu yếu và nhỏ giọt
  •           Dòng chảy nước tiểu ngắt quãng
  •           Cảm giác bàng quang không rỗng
  •           Đi tiểu nhiều về đêm
  •           Có máu trong nước tiểu
  •           Đau khi phóng tinh
  •           Đau ở vùng lưng thấp, háng hoặc đùi trên
  •           Chán ăn và sút cân
  •           Đau xương dai dẳng
Những nguyên nhân

         Ung thư là một nhóm các tế bào bất thường phát triển nhanh hơn nhiều so với các tế bào bình thường và từ chối sự chết. Các tế bào ung thư cũng có khả năng xâm nhập và phá huỷ các mô bình thường hoặc bằng việc phát triển một cách trực tiếp các cấu trúc xung quanh hoặc di chuyển đến một vùng khác của cơ thể bạn qua dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết. Những tế bào ung thư phát triển thành những cụm nhỏ tiếp tục phát triển, trở nên dày đặc tế bào hơn và làm cho tuyến trở nên cứng.

         Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, hình quả đào vây quanh phần dưới (“cổ”) của bàng quang nam giới và khoảng 2,5cm đầu tiên của niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra. Nó nằm ở sau xương mu và phía trước trực tràng. Chức năng đầu tiên của tuyến tiền liệt là sản xuất ra tinh dịch, một dịch nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

         Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm và ban đầu còn giới hạn ở trong tuyến tiền liệt, ở đây nó không gây nên tác hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu để không điều trị, ung thư tuyến tiền liệt có thể bắt đầu xâm nhập vào các mô và gây nên tổn thương và nó có thể lan tràn đến các phần khác của cơ thể, ở đây nó gây nên tác hại có ý nghĩa. Một số thể của ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn mạnh và có thể lan tràn nhanh đến các phần khác của cơ thể.

         Cái gì gây nên ung thư tuyến tiền liệt và vì sao một số typ có diễn biến khác nhau thì chưa được biết rõ. Những nghiên cứu đã chỉ rõ rằng sự kết hợp của các yếu tố có thể có vai trò bao gồm di truyền, dân tộc, hormon, chế độ ăn và môi trường.

Những yếu tố nguy cơ

         Việc hiểu biết các yếu tố nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt có thể giúp bạn quyết định khi nào bạn cần bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Những yếu tố nguy cơ chính bao gồm:
  •           Tuổi. Khi bạn trở nên già hơn, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng. Sau tuổi 50, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên một cách cơ bản.
  •           Chủng tộc. Vì những lý do chưa được biết rõ, nam giới người Mỹ gốc Phi có nguy cơ phát sinh và chết vì ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
  •           Lịch sử gia đình. Nếu một thành viên gần của gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt, cha bạn hoặc anh em bạn có thể có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn số trung bình.
  •           Chế độ ăn. Chế độ ăn mỡ cao và béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của bạn. Các nhà nghiên cứu nêu giả thuyết là mỡ làm tăng sản xuất hormon progesteron, nó có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
  •           Phẫu thuật để trở thành vô sinh (cắt ống dẫn tinh). Mặc dù một số nghiên cứu chỉ rõ rằng nam giới đã được phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn tinh có tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, nhưng không có bằng chứng nào ủng hộ cho một nghiên cứu như vậy. Nghiên cứu về vấn đề này đang được tiến hành.
  •           Mức testosterone cao. Bởi vì testosterone kích thích sự phát triển của tuyến tiền liệt một cách tự nhiên, những người đàn ông có mức testosterone cao, chẳng hạn như những người thiểu năng sinh dục hoặc những người đàn ông sử dụng testosterone dễ phát sinh ung thư tuyến tiền liệt hơn những người đàn ông có mức testosterone thấp. Điều trị testosterone kéo dài có thể gây phì đại tuyến tiền liệt (quá sản tuyến tiền liệt lành tính). Ngoài ra, các bác sĩ cũng lo ngại là điều trị testosterone có thể kích thích sự phát triển của một ung thư tuyến tiền liệt đã có sẵn.
  • Khi nào cần đi khám bệnh
  •          Nếu bạn có khó khăn khi đi tiểu, hãy đi khám bệnh. Biểu hiện này không phải bao giờ cũng liên quan với ung thư tuyến tiền liệt, nhưng nó có thể chỉ là một dấu hiệu của những biểu hiện bệnh tuyến tiền liệt. Nếu bạn là nam giới trên 50 tuổi, bạn hãy gặp bác sĩ để hỏi về việc sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ có thể yêu cầu khám sàng lọc bệnh hàng năm bằng siêu âm hoặc khám trực tràng.
Sàng lọc và chẩn đoán

         Ung thư tuyến tiền liệt thường không gây nên các triệu chứng. Chỉ điểm đầu tiên của bệnh có thể đến từ một xét nghiệm sàng lọc thường quy. Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm:

  •           Khám trực tràng bằng ngón tay. Trong quá trình khám trực tràng, bác sĩ đưa một ngón tay có đeo găng được bôi trơn vào trực tràng của bạn để xét nghiệm tuyến tiền liệt, tuyến này ở gần trực tràng. Nếu bác sĩ tìm thấy bất kỳ một bất thường nào trong cách cấu tạo, hình dạng hoặc kích thước của tuyến, bạn có thể cần làm thêm nhiều xét nghiệm.
  •           Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt PSA. Một mẫu máu được rút ra từ một tĩnh mạch và phân tích PSA, một chất được sản xuất một cách tự nhiên bởi tuyến tiền liệt để giúp làm hoá nước tinh dịch. Một lượng nhỏ PSA đi vào dòng máu là bình thường. Tuy nhiên, nếu một mức PSA cao hơn bình thường được tìm thấy, có thể là một chỉ điểm của nhiễm khuẩn, viêm, phì đại hoặc ung thư của tuyến tiền liệt.
  •           Siêu âm qua trực tràng. Nếu các xét nghiệm khác gây nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm qua trực tràng để đánh giá tiếp tuyến tiền liệt của bạn. Một máy dò nhỏ, có kích thước và hình dạng của một điếu xì gà được đưa vào trực tràng của bạn. Máy dò sử dụng các sóng âm để tạo nên hình ảnh của tuyến tiền liệt của bạn.
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt
  •          Nếu những kết quả xét nghiệm ban đầu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể yêu cầu làm một sinh thiết. Trong khi sinh thiết, những mẫu mô nhỏ được lấy và phân tích để quyết định có ung thư không. 
  •          Để làm sinh thiết, bác sĩ đưa một đầu dò siêu âm vào trực tràng. Được hướng dẫn bởi những hình ảnh từ máy dò, bác sĩ sẽ xác định tất cả những vùng nghi ngờ. Sau đó một kim rỗng được đưa vào các vùng này của tuyến tiền liệt. Một lò so đẩy kim vào tuyến tiền liệt của bạn và lấy được các lát cắt mô rất mỏng.
  •          Nếu một vùng bất thường được tìm thấy trên siêu âm qua trực tràng, bác sĩ sẽ làm sinh thiết vùng này. Nếu không có bất thường được tìm thấy, tám lát cắt khác nhau được lấy từ các vùng khác nhau của tuyến tiền liệt (số lát cắt này cũng tuỳ thuộc vào quyết định của từng bác sĩ). Những tuyến tiền liệt rất lớn có thể đòi hỏi nhiều hơn 8 sinh thiết để đánh giá một cách đầy đủ tuyến có bị ung thư không. Một nhà giải phẫu bệnh chuyên chẩn đoán ung thư và các bất thường khác của mô đánh giá mẫu sinh thiết. Qua đánh giá, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ cho biết mô được lấy ra có phải là ung thư không và ước đoán ung thư xâm lấn như thế nào.
Xác định ung thư đã lan tràn đến đâu

         Một khi chẩn đoán ung thư được xác định, bạn có thể cần được làm các xét nghiệm khác để xác định xem ung thư đã lan tràn xa chưa. Nhiều người không cần các nghiên cứu tiếp và có thể điều trị một cách trực tiếp dựa trên các đặc điểm của u và các kết quả xét nghiệm PSA trước sinh thiết.

          Quét hình xương. Quét hình xương là ghi hình ảnh của bộ xương để xác định ung thư đã lan tràn tới xương chưa. Ung thư tuyến tiền liệt có thể lan tràn tới bất kỳ xương nào trong cơ thể bạn chứ không phải chỉ tới những xương ở gần tuyến tiền liệt như xương chậu hoặc xương sống của bạn.

          Siêu âm. Siêu âm không chỉ giúp cho biết ung thư có hiện diện không mà còn có thể phát hiện bệnh có lan tràn ra các ổ ở gần không.

          Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp cắt lớp vi tính tạo nên những hình ảnh cắt ngang của cơ thể bạn. Chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện các hạch to hoặc những bất thường của các cơ quan khác, nhưng không thể xác định được những bất thường này có thể gây nên do ung thư không. Vì vậy, chụp cắt lớp vi tính có lợi nhất khi kết hợp với các xét nghiệm khác.

          Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI). Loại chẩn đoán hình ảnh này tạo nên những hình ảnh cắt ngang chi tiết của cơ thể bạn khi sử dụng các nam châm và sóng radio. Chụp cộng hưởng từ hạt nhân giúp phát hiện bằng chứng về sự lan tràn có thể của ung thư tới các hạch bạch huyết và các xương.

          Sinh thiết hạch bạch huyết. Nếu các hạch to được tìm thấy trên chụp cắt lớp vi tính hoặc trên chụp cộng hưởng từ hạt nhân, một sinh thiết hạch có thể xác định ung thư đã lan tràn tới các hạch ở gần hay chưa. Trong phương pháp này, một số hạch bạch huyết ở gần tuyến tiền liệt được lấy ra và xét nghiệm dưới kính hiển vi xem có các tế bào ung thư không.

Xác định độ

         Khi một sinh thiết xác định có các tế bào ung thư, bước tiếp theo được gọi là xác định độ, là nhằm xác định ung thư xâm lấn như thế nào. Các mẫu mô được nghiên cứu và các tế bào ung thư được so sánh với các tế bào của tuyến tiền liệt lành tính. Những tế bào ung thư càng khác nhiều hơn với các tế bào lành tính, ung thư càng xâm lấn nhiều hơn và càng lan tràn nhanh hơn. 

         Những tế bào ung thư có thể thay đổi về hình dạng và kích thước. Một số tế bào có thể xâm lấn trong khi các tế bào khác không xâm lấn. Bác sĩ giải phẫu bệnh xác định hai typ xâm lấn nhất của các tế bào ung thư khi xác định độ mô học.

         Thang độ ung thư phổ biến nhất được xếp từ 1 đến 5 với độ 1 là thể ít xâm lấn nhất của ung thư. Thang độ này được gọi là số điểm Gleason (Gờ-li-son), các số này có thể có lợi cho việc quyết định sự lựa chọn điều trị nào có lợi cho bạn. Điểm Gleason thêm vào các độ của hai typ ung thư xâm lấn nhất, vì vậy điểm có thể trong giới hạn từ 2 (ung thư không xâm lấn) đến 10 (ung thư xâm lấn rất mạnh).

Định giai đoạn

         Sau khi mức xâm lấn của ung thư tuyến tiền liệt của bạn đã được biết, bước tiếp theo được gọi là định giai đoạn. Đó là việc xác định liệu ung thư của bạn đã lan rộng chưa và lan rộng đến đâu. Ung thư của bạn sẽ được xếp vào một trong bốn giai đoạn:

  •           Giai đoạn I. Ung thư ở giai đoạn rất sớm, chỉ khư trú ở một vùng vi thể (chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi), bác sĩ không thể sờ thấy.
  •           Giai đoạn II. Ung thư đã có thể sờ thấy được, nhưng nó còn giới hạn trong tuyến tiền liệt.
  •           Giai đoạn III. Ung thư đã có thể lan tràn ra ngoài tuyến tiền liệt tới túi tinh và các mô khác ở gần.
  •           Giai đoạn IV. Ung thư đã lan tràn đến các hạch bạch huyết, xương, phổi và các cơ quan khác.
Những biến chứng

         Những biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt liên quan với cả bệnh và việc điều trị bệnh. Một trong những nỗi sợ hãi nhất của nhiều người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt là việc điều trị chứng không kìm được sự bài tiết nước tiểu và liệt dương. May mắn là việc điều trị giúp đối phó với hoặc xử lý những tình trạng này là có thể được.

         Những biến chứng điển hình của ung thư tuyến tiền liệt và việc điều trị bao gồm:
  •           Sự lan tràn của ung thư. Ung thư tuyến tiền liệt có thể lan tràn tới các cơ quan ở gần và xương và có thể đe doạ đến đời sống.
  •           Đau. Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt không đau nhiều một cách điển hình, một khi bệnh di căn tới xương, nó có thể gây đau, có thể đau nặng. Những biện pháp điều trị nhằm làm co nhỏ khối ung thư thường có thể gây giảm đau có ý nghĩa. Những biện pháp điều trị này bao gồm điều trị hormon, xạ trị và hoá trị. Nếu những phương pháp điều trị này không có kết quả hoặc trong khi chờ đợi chúng có tác dụng, việc làm giảm đau bằng thuốc là một sự lựa chọn. Các thuốc giảm đau có thể từ các thuốc chống đau nhẹ tới thuốc mê.
  •          Không phải tất cả mọi người có ung thư lan tràn tới xương đều gây đau. Đau là có thể kiểm soát được và vì vậy không có lý do gì một người phải chịu đau dữ dội. Trong khi không thể làm cho mọi đau đớn của bạn biến mất, bác sĩ cố gắng kiểm soát cơn đau của bạn tới điểm bạn thấy dễ chịu.
  •           Không nhịn đi tiểu được. Cả ung thư tuyến tiền liệt và việc điều trị nó có thể gây nên không nhịn đi tiểu được sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Việc lựa chọn điều trị phụ thuộc vào loại không nhịn đi tiểu được bạn mắc phải, nó nặng như thế nào và khả năng biểu hiện này được cải thiện. Điều trị chứng này có thể bao gồm thay đổi thói quen (chẳng hạn như đi tiểu theo thời gian ấn định thay vì theo sự ép buộc), tập luyện để tăng cường sức mạnh của các cơ khung chậu (được gọi một cách phổ biến là luyện tập Kegel), các thuốc và đặt ống thông.
  •          Nếu việc rỉ nước tiểu tiếp diễn trong một thời gian dài không được cải thiện, bác sĩ có thể gợi ý những biện pháp can thiệp xâm phạm hơn. Những biện pháp này có thể bao gồm cấy ghép cơ thắt niệu đạo nhân tạo, đặt một băng đeo bằng vật liệu tổng hợp để ép niệu đạo hoặc tiêm những tác nhân khối lượng lớn vào niêm mạc niệu đạo để làm giảm rỉ nước tiểu.
  •           Rối loạn cương cứng dương vật hoặc liệt dương. Cũng giống như không nhịn đi tiểu được, rối loạn cương cứng dương vật có thể là hậu quả của ung thư tuyến tiền liệt hoặc việc điều trị bệnh. Thuốc và các thiết bị chân không hỗ trợ cho việc đạt được sự cương cứng đã có sẵn để điều trị rối loạn cương cứng. Các thuốc bao gồm sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis) và vardinafil (Levitra). Nếu các biện pháp điều trị thất bại, cấy ghép dương vật được đưa vào bằng phẫu thuật để giúp tạo được sự cương cứng.
  •           Sự trầm cảm. Nhiều bệnh nhân có thể phát sinh cảm giác chán nản sau chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hoặc sau khi cố gắng đối phó với những tác dụng phụ của điều trị. Những cảm giác có thể chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, chúng có thể đến và đi, hoặc chúng có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng. Sự trầm cảm kéo dài và cản trở khả năng tự chủ cuộc sống của bạn cần được điều trị. Việc điều trị có thể bao gồm sự tư vấn hoặc thuốc chống trầm cảm. Sự kết hợp của cả hai phương pháp thường có hiệu quả.

Theo CREDCA/ungthu.org

Tin liên quan