Thông tin về hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ VIII

Ngày đăng: 07/09/2009 Lượt xem 3840

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng gần 300 nhà khoa học về kỹ thuật hạt nhân từ các viện và trung tâm trực thuộc Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, các trường đại học khoa học và công nghệ từ thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang cũng như từ các trường Đại học Y và bệnh viện của thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng hơn 20 nhà khoa học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Bungary... đã về dự và tham gia báo cáo.

Sáng 20 tháng 8 tại phiên toàn thể, sau các phát biểu của Ban tổ chức và lãnh đạo Bộ KH&CN, lãn đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đã có các báo cáo tổng quan sau đây:

- Ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam: hiện trạng và triển vọng (do PGS.TS Vương Đình Tấn, Phó chủ tịch thường trực Hội năng lươn nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện năng lương nguyên tử Việt Nam trình bày).

- Tình hình nghiên cứu và ứng dụng y học hạt nhân trong y tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây (do PGS.TSKH Phan Sỹ An, Chủ tịch Hội vật lý y học, Phó chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân trình bày).

- Tổng quan về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và sinh học (do PGS.TS Lê Huy Hàm, đại diện Hội sinh y học phóng xạ trình bày).

Ngoài ra, TS. Mashahiro Uchida (Nhật Bản), GS. Halev George Paskov (Bungary), TS. Jin Hyung Kim (Hàn Quốc); GS.TS. Lê Văn Hóa (Hoa Kỳ) đã trình bày một số vấn đề về ứng dụng và phát triển kỹ thuật hạt nhân trong ứng dụng tại các nước đó và sự hợp tác vùng Châu Á, Thái Bình Dương (RCA). Tiếp theo, Hội nghị đã chia thành các tiểu ban chuyên sâu để báo cáo và thảo luận khoa học chuyên đề bao gồm các tiểu ban:

- Tiểu ban A: điện hạt nhân, lò phản ứng, chu trình nhiên liệu hạt nhân và công nghệ nguyên tử.

- Tiểu ban B: vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, phương pháp phân tích hạt nhân và ghi đo bức xạ.

Tiểu ban C: ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế. Tại đây, có 20 báo cáo được trình bày trực tiếp tại Hội nghị và 04 báo cáo dưới dạng Poster của các tác giả trong và ngoài nước. Các báo cáo đó đã đề cập đến các kết quả về chẩn đoán và điều trị bệnh bằng bức xạ và năng lượng hạt nhân, cũng như các kết quả nghiên cứu về các kỹ thuật vật lý, hóa dược phóng xạ liên quan. Đó là các kỹ thuật chẩn đoán bệnh ung bướu ,tim mạch bằng SPECT và PET/CT. Kết quả ứng dụng kỹ thuật mới như: xạ trị điều biến liều (IMRT), phương pháp mô phỏng Monte Carlo cho Linac dung trong xạ trị chiếu ngoài, dao gamma quay, dao điều khiển (Cyber knife) cũng như kết quả ứng dụng nguồn phóng xạ hở để điều trị các bệnh Basedow, đa hồng cầu nguyên phát, u máu ở trẻ em... cũng được đề cập tới. Tại đây, các kết quả nghiên cứu về cách tính liều chiếu trong đối với Iod 131, ảnh hưởng của các liều cao I-131 điều trị đối với các biến loạn nhiễm sắc thể ở tế bào lympho máu ngoại vi, cách xây dựng chương trình tính toán các thông số vật lý kỹ thuật cho các bể chứa chất thải lỏng phóng xạ của các cơ sở y học hạt nhân đã được trình bày. Hội nghị đã rất hoan nghênh các báo cáo về sản xuất và kiểm tra chất lượng dược chất phóng xạ 18FDG tại Cyclotron, tổng hợp chất DISIDA đánh dấu 99mTc, kháng thể đơn dòng CD20 đánh dấu I-131 để chẩn đoán, điều trị y học hạt nhân. Đặc biệt, Hội nghị rất quan tâm về tình hình và triển vọng ứng dụng các loại máy gia tốc trong y học cũng như triển vọng hợp tác trong  vận hành máy gia tốc công suất thấp tại Trường đại học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh do GS Itahashi Takahisha từ trường đại học Oshaka, Nhật bản trình bày. Qua hội nghị người ta thấy được số lượng cũng như chất lượng nổi bật của các trung tâm y tế lớn như: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện K Hà Nội và nhiều Trung tâm khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại Hà nội, TP Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà lạt và nhiều cơ sở khoa học khác.

- Tiểu ban D: ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và sinh học.

- Tiểu ban D: ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và công nghệ bức xạ.

- Tiểu ban F: ứng dụng kỹ thuật hạt nhântrong nghiên cứu tài nguyên và môi trường.

- Tiểu ban G: an toàn bức xạ và phóng xạ môi trường.

Tại phiên họp toàn thể trước khi bế mạc sau các sinh hoạt chuyên môn ở các tiểu ban, Chủ tịch đoàn các tiểu ban đã tổng kết và đưa ra các phương hướng về nghiên cứu và phát triển kỹ thuật hạt nhân trong các chuyên ngành của họ.

Ngoài ra, chiều 20 tháng 8, Seminar về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đã được tổ chức với sự chủ trì của thứ trưởng Bộ KH&CN TS. Lê Đình Tiến với sự tham gia của lãnh đạo Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam và các tham luận của các nhà khoa học liên quan.

Hội nghị đã kết thúc với sự thành công tốt đẹp và sự phấn khởi to lớn của các nhà quản lý và các nhà khoa học về kỹ thuật hạt nhân trong các ngành, nghề khác nhau. Hội nghị đã đánh giá được những điểm mạnh và yếu; đề xuất các kiến nghị về các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học và phương hướng phát triển các kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế quốc dân ở nước ta trong tương lai gần.

PGS.TSKH Phan Sỹ An

 

Tin liên quan