Ung thư phổi di căn, giai đoạn muộn được điều trị thành công tại bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 13/09/2016 Lượt xem 5065
Câu chuyện PGS, bác sĩ cao cấp Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7 Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, chiến thắng căn bệnh ung thư khi đã di căn nhiều vị trí là câu chuyện đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc bác sĩ Hùng được phát hiện bệnh và chữa trị như thế nào thì không phải ai cũng biết.

GS.TS. Mai Trọng Khoa đã chia sẻ về hành trình phát hiện và chữa căn bệnh hiểm nghèo của bác sĩ Đỗ Quốc Hùng như là một minh chứng thành công trong việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác tại bệnh viện Bạch Mai mà ông chính là người chủ trì đề tài này.

Đây cũng chính là Cụm công trình đã mang lại vinh dự to lớn cho bệnh viện Bạch Mai và GS. Mai Trọng Khoa cùng các cộng sự: Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư rất cao trên thế giới và một tỷ lệ rất lớn trong số đó tử vong. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do có rất ít bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn.

Xuất phát từ thực tế chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, cùng với các kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, qua các đợt học tập, thực tập nâng cao tay nghề về Y học hạt nhân và Ung bướu ở một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản... GS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã chủ động, mạnh dạn tìm tòi, chọn lọc đưa về ứng dụng thành công tại Việt Nam một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa; cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu làm chủ công nghệ, thích nghi các phương pháp chẩn đoán và điều trị trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Những nghiên cứu ứng dụng đó đã giúp nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở giai đoạn phát hiện sớm.

Về mặt kỹ thuật, để chẩn đoán bệnh, trước đây và cho đến ngày nay, người ta vẫn dùng máy Xquang, máy siêu âm, máy chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ... nhưng những thiết bị này chưa đủ cho nhu cầu để tìm ra bệnh trong một số trường hợp. Cụm công trình nghiên cứu của GS Mai Trọng Khoa và các cộng sự ra đời đã giải quyết một số vấn đề mà khi chẩn đoán, điều trị gặp khó khăn với những kỹ thuật riêng lẻ nói trên.

Những thiết bị chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, cộng hưởng từ chỉ phát hiện được khi khối u đã hình thành và có kích thước đủ lớn. Khi đó, mắt của người thầy thuốc giàu kinh nghiệm mới có thể nhìn thấy trên phim. Tuy nhiên, khi đó thường đã là giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn và hiệu quả điều trị thấp.

Do vậy, để phát hiện ra các khối u ở giai đoạn đầu cần phải có một thiết bị khác, đó là máy PET/CT. Máy PET là một thiết bị giúp ghi lại được các rối loạn chuyển hóa ở mức độ tế bào, mức độ phân tử ở giai đoạn rất sớm. Tuy nhiên, thiết bị này có nhược điểm là cung cấp rất ít các thông tin về hình ảnh cấu trúc giải phẫu của tổn thương. Trong khi đó, chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) lại phát hiện được chính xác cấu trúc giải phẫu khi đã có khối u với kích thước đủ lớn. Vì vậy, các nhà khoa học đã ghép hai thiết bị này làm một thành PET/CT hoặc PET/MRI giúp phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm với độ nhạy và độ chính xác cao hơn nhiều khi chúng đứng tách rời nhau.

Thiết bị PET/CT có vai trò quan trọng trong phát hiện sớm, chính xác các tổn thương ung thư di căn, tái phát sau điều trị, đánh giá đáp ứng của các phương pháp điều trị, mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, từ đó giúp các thầy thuốc lựa chọn phác đồ điều trị chính xác và hợp lý; đặc biệt.

Ngoài ra, các Giáo sư, bác sĩ đã nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị (Radiotherapy) tiên tiến để điều trị ung thư. Các bác sĩ đã sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, đặc biệt là kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT): PET/CT giúp xác định rõ, chính xác hơn vị trí của khối u và hạch, từ đó tập trung được liều bức xạ cao tại tổ chức ung thư mà lại hạn chế tối đa liều bức xạ vào tổ chức lành, do đó giảm được biến chứng của xạ trị, tăng chất lượng sống cho người bệnh, thời gian nằm viện ngắn hơn.

Một ứng dụng rất quan trọng nữa, đó là áp dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay trong điều trị u não và một số bệnh lý sọ não.

“Trước đây, nếu một bệnh nhân bị các khối u ác tính trong não, ung thư di căn vào não... thường có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong rất cao, thời gian sống thêm ngắn. Nhưng ngày nay, nhờ công nghệ này, rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, không ít trong số đó đã trở về với cuộc sống và lao động bình thường”. GS. Mai Trọng Khoa giải thích và cho biết thêm: Nhờ áp dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay này mà người thầy thuốc có thể tập trung một liều bức xạ rất lớn, chính xác vào khối u hoặc vùng tổn thương bệnh lý trong sọ não, nhưng lại bảo vệ được tối ưu các tổ chức não lành xung quang khối u, giảm được các biến chứng do xạ trị, giảm thời gian nằm viện, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Kỹ thuật xạ phẫu này thường được chỉ định cho những khối u có kích thước không quá lớn, ở những vị trí sâu trong não, đặc biệt là các khối u ở vùng thân não rất khó hoặc không thể phẫu thuật được, bị tái phát sau phẫu thuật, các bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi, ...   

Đến thời điểm này, bệnh viện Bạch Mai đã điều trị được khoảng gần 4000 ca bằng dao gamma quay . Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn và chưa có trường hợp nào bị tử vong do thực hiện kỹ thuật này.

Ngoài ra, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, cũng đã ứng dụng và làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại và mới như kỹ thuật cấy hạt phóng xạ, kỹ thuật xạ trị chiếu trong chọn lọc... để điều trị thành công một số loại ung thư thường gặp như ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt.

Cũng nằm trong Cụm công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh của GS Mai Trọng Khoa và các cộng sự còn có nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tuyến giáp, ung thư vú...

Tin liên quan