Phát hiện tuyến giáp lạc chỗ bằng kỹ thuật SPECT

Ngày đăng: 29/09/2009 Lượt xem 6717
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở dưới thanh quản và trước khí quản, có hình con bướm gồm hai thuỳ trái và phải, đôi khi có thêm thuỳ tháp có một eo. Thông thường tuyến giáp nằm ở vùng trước và giữa cổ.

Tuyến giáp có thể được phát hiện bằng kỹ thuật siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ. Các tế bào tuyến giáp tiết ra các hormon là T3 (triiodothyronin) và T4 (tetraiodothyronin), calcinonin. Iốt trong thức ăn, nước uống vào cơ thể bằng bất kỳ con đường nào đều được hấp thu vào máu dưới dạng iodua(I-) sau đó theo máu tuần hoàn tới tuyến giáp và bị giữ lại trong những tế bào tuyến. Sau khi vào tuyến giáp, iodua được chuyển thành dạng hữu cơ và dưới tác dụng của các men thích ứng, tạo thành T3 và T4. Dựa vào sự tập trung Iod tại các tế bào tuyến giáp, người ta đã sử dụng iod phóng xạ (I-131, I-123) và các chất phóng xạ khác có khả năng tập trung vào tuyến giáp (Technetium -99m (99mTc)) để thực hiện kỹ thuật xạ hình SPECT tuyến giáp (ghi hình nhấp nháy tuyến giáp). Đây là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh tuyến giáp: như chẩn đoán bệnh Basedow, các bướu thể nhân, nhân độc tự trị, ung thư tuyến giáp và phát hiện các di căn ung thư tuyến giáp, cũng như xác định vị trí của tuyến giáp lạc chỗ…

Dưới đây là một trường hợp lâm sàng điển hình về tuyến giáp lạc chỗ được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật xạ hình tuyến giáp.

Bệnh nhân Ng. V. K., 37 tuổi, ở Lâm Đồng. Một năm trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện nuốt vướng, đã đi khám chữa nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, được soi vòm họng bằng ống soi mềm, phát hiện khối u vùng đáy lưỡi (ảnh 1).

 
Ảnh 1: Kết quả nội soi: khối u vùng đáy lưỡi

Sau đó bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ, xác định chính xác u vùng gốc lưỡi kích thước 15x20 mm (ảnh 2).

 
Ảnh 2: Kết quả chụp MRI: U vùng gốc lưỡi kích thước 15x20mm, nhưng không khẳng định được bản chất của khối u này

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục làm xét nghiệm chẩn đoán. Chúng tôi đã tiến hành ghi hình tuyến giáp bằng máy SPECT với I-131. Kết quả cho thấy tại vị trí giải phẫu bình thường tuyến giáp không lên hình, nhưng  tại vùng gốc lưỡi (tương ứng vị trí khối u phát hiện thấy trên cộng hưởng từ) xuất hiện một vùng bắt hoạt tính phóng xạ cao (của I-131).

Do đặc điểm là các tế bào tuyến giáp cũng như các tế bào tuyến giáp lạc chỗ, các tế bào ung thư tuyến giáp di căn, hay tái phát đều có ái lực và bắt iốt (phóng xạ) rất mạnh. Nên chúng ta có thể khẳng định là khối u nằm ở đáy lưỡi này là của tuyến giáp, hay nói cách khác đây là trường hợp tuyến giáp nằm lạc chỗ ở đáy lưới.

Do kỹ thuật thuật xạ hình bằng máy SPECT với I-131 có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, nên chúng ta không cần tiến hành sinh thiết nhưng vẫn khẳng định chắc chắn đó là tổ chức tuyến giáp nằm lạc chỗ (ảnh 3).
 
Ảnh 3: Kết quả xạ hình vùng đầu cổ: tuyến giáp lạc chỗ vùng đáy lưỡi

Kỹ thuật SPECT là một kỹ thuật chẩn đoán mới, hiện đại, chụp hình chức năng và giải phẫu các cơ quan, các khối u, góp phần xác định bản chất lành tính hay ác tính của khối u, đặc biệt quan trọng và hữu ích trong các bệnh lý tuyến giáp: Basedow, phát hiện tuyến giáp lạc chỗ, ung thư giáp thể biệt hoá và các di căn ung thư tuyến giáp tại trung thất, phổi, … mà không cần thiết phải làm các kỹ thuật chẩn đoán can thiệp như nội soi, bấm sinh thiết làm giải phẫu bệnh,… tránh chảy máu và các biến chứng khác có thể xảy ra.

PGS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS. Nguyễn Thành Chương, BS Trần Hải Bình

Tin liên quan