Cải thiện tình trạng rối loạn nhận thức sau xạ trị toàn não ở bệnh nhân ung thư di căn não: kết quả nghiên cứu pha III NRG ONCOLOGY CC001

Ngày đăng: 18/05/2020 Lượt xem 2109

ThS.BS. Trần Văn Oai (dịch)

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

 

Theo các số liệu thống kê cho thấy, khoảng hơn 30% bệnh nhân ung thư có bệnh tiến triển di căn não, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống cũng như nguy cơ rút ngắn thời gian sống toàn bộ của bệnh nhân. Xạ trị toàn não vẫn là phương thức điều trị chính các tổn thương di căn não nhằm tiêu diệt tế bào ác tính vùng này. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm nhận thức sau xạ trị toàn não vẫn là một thách thức đối với các nhà ung thư học.

Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy rằng Mamentine, một chất kháng vận thụ thể của N-methyl-D-aspartate (NMDA), điều trị phối hợp trong và sau xạ trị đã cải thiện đáng kể tình trạng suy giảm nhận thức. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng chỉ ra rằng nếu hồi hải mã nhận liều xạ thấp cũng sẽ làm giảm độc tính ảnh hưởng nhận thức của xạ trị. Vì vậy, các thực nghiệm lâm sàng pha I, pha II đã được tiến hành với xạ trị toàn não bằng kỹ thuật IMRT tránh hồi hải mã kết hợp Mamentine và cho thấy giá trị trong việc bảo tồn trí nhớ cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Vì vậy nhóm nghiên cứu Paul Brown và các cộng sự đã tiếp tục thực hiện thử nghiệm lâm sàng pha III có tên là NRG CC001.

          Ở thử nghiệm lâm sàng này, 518 bệnh nhân ung thư ở 112 đơn vị y tế ở Mỹ và Canada với độ tuổi trên 18, có tổn thương di căn não > 5mm, toàn trạng tốt được đưa vào thử nghiệm, kể cả những bệnh nhân đã được điều trị trước đấy bằng phẫu thuật tổn thương não hay xạ phẫu. Những bệnh nhân có giãn não thất, di căn màng não, điều trị hóa chất trước hoặc trong xạ trị, dị ứng với Memantine hoặc sử dụng kháng đồng vận NMDA khác sẽ bị loại trừ. Các bệnh nhân sẽ được phân thành 2 nhánh với liều xạ trị 30Gy chia thành 10 phân liều, nhánh 1 được xạ trị toàn não, nhánh 2 được xạ trị bằng IMRT tránh hồi hải mã. Cả 2 nhánh được uống mamentin trong và sau xạ trị, trong đó liều mamentine đều được chỉ định như sau: công thức thứ nhất là 5mg uống buổi sáng tuần 1, 5mg ngày uống 2 lần ở tuần 2, liều sáng 10mg và tối 5mg ở tuần 3, 28mg liều hàng ngày từ tuần 4-24; hoặc công thức thứ 2 là 7mg hàng ngày tuần 1, 14mg hàng ngày tuần 2, 21mg hàng ngày tuần 3, 28mg hàng ngày tuần 4.

           Các bệnh nhân trước thử nghiệm được kiểm tra toàn trạng, chất lượng sống, đánh giá mức độ nặng triệu chứng; thực hiện các test đánh giá về nhận thức, học tập, trí nhớ và lời nói. Đây là các tiêu chí đầu tiên để đánh giá hiệu quả điều trị của 2 nhánh điều trị. Mục tiêu thứ 2 của nghiên cứu là đánh giá thời gian bệnh không tiến triển tại não, thời gian sống toàn bộ, độc tính điều trị, các triệu chứng được báo cáo về bệnh nhân.

           Kết quả cho thấy rằng có nguy cơ rối loạn ý thức thấp hơn đáng kể ở nhóm điều trị xạ trị tránh hồi hải mã kết hợp mamentine so với nhóm xạ toàn não kết hợp mamentine (HR, 0.76; 95%CI, 0.60 to 0.98; P=0.03). Hiệu quả điều trị theo bệnh chưa được chỉnh sửa cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Phân tích đặc trưng theo bệnh được chỉnh sửa, hiệu quả điều trị thậm chí còn tốt hơn nhiều ở nhóm xạ trị toàn não tránh hồi hải mã. Phân tích riêng rẽ từng test đánh giá nhận thức ở tháng thứ 2 không thấy sự khác biệt, tuy nhiên ở tháng thứ 4 và tháng thứ 6 cho thấy kết quả ưu thế hơn ở nhóm xạ trị có tránh hồi hải mã. Đánh giá về chất lượng sống và mức độ nặng của các triệu chứng nhận thức, thần kinh, nhóm xạ trị toàn não tránh hồi hải mã mang lại kết quả khả quan hơn cho người bệnh. Ở mục tiêu đánh giá thứ 2 về thời gian sống bệnh không tiến triển tại não, thời gian sống toàn bộ, độc tính điều trị, không thấy có sự khác biệt giữa 2 nhóm.

           Qua thử nghiệm lâm sàng này các nhà nghiên cứu đưa ra được một số kết luận: Thứ nhất, khẳng định hơn vai trò của hồi hải mã trong việc đảm nhiệm chức năng nhận thức của con người. Thứ 2, đối với những bệnh nhân ung thư di căn não không có tổn thương vùng hồi hải mã, có tiên lượng thời gian sống toàn bộ trên 4 tháng thì việc điều trị xạ trị toàn não cần phải tránh vùng này. Thứ 3, góp phần khẳng định lợi ích của xạ phẫu trong điều trị tổn thương di căn não ít ổ (1-3 ổ) so với xạ trị toàn não không tránh hồi hải mã, vấn đề mà trước đó vẫn còn một số tranh cãi.

 

NguồnHippocampal Avoidance During Whole-BrainRadiotherapy Plus Memantine for Patients WithBrain Metastases: Phase III Trial NRGOncology CC001Journal of Clinical Oncology 2020 38:101019-1029


ungthubachmai.vn

Tin liên quan