Cơ hội phẫu thuật triệt căn trong điều trị bệnh ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển

Ngày đăng: 17/06/2011 Lượt xem 6691

Điều trị triệt căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn sớm chủ yếu bằng phẫu thuật, ở giai đoạn sớm tiên lượng bệnh tốt với thời gian sống thêm 5 năm trên 90% số bệnh nhân. Ở giai đoạn muộn hơn cần phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị bao gồm: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Trong đó phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị cơ bản và quan trọng nhất.

Đối với các bệnh nhân ung thư trực tràng thấp khi bệnh ở giai đoạn tiến triển khối u đã xâm lấn ra các cơ quan lân cận, di căn hạch nên phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Để hạ thấp giai đoạn bệnh, thu nhỏ kích thước u và hạch nhằm tạo thuận lợi cho phẫu thuật triệt căn, hiện nay tại Việt Nam đã áp dụng phương pháp điều trị hóa-xạ trị kết hợp trước phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị nhằm tạo cơ hội được phẫu thuật triệt căn cho các bệnh nhân ung thư trực tràng thấp để từ đó nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Tại Trung Tâm y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị hóa - xạ trị cho các bệnh nhân ung thư trực tràng thấp đã được triển khai từ năm 2009, đến nay đã có một số trường hợp được điều trị thành công.

1. Bệnh nhân Đinh V. T., nam 42 tuổi, vào viện vì lý do táo bón, đi ngoài phân không thành khuôn. Bệnh nhân được chẩn đoán: ung thư trực tràng thấp T4N2M0, mô bệnh học: ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa.

Nội soi trực tràng trước điều trị: Cách rìa hậu môn 5cm có khối u sùi hoại tử chiếm toàn bộ chu vi lòng trực tràng không đưa máy soi qua được.

Trên hình ảnh cộng hưởng từ tiểu khung trước điều trị: Hình ảnh khối u trực tràng thấp kích thước 54x58x64mm xâm lấn mạc treo, túi tinh hai bên, tuyến tiền liệt, di căn hạch mạc treo trực tràng, hạch trước xương cùng, hạch chậu hai bên.


Bệnh nhân đã được điều trị hóa - xạ trị tiền phẫu (bao gồm xạ trị vùng u trực tràng và hạch liều 46Gy, kết hợp với uống hóa chất dạng viên Xeloda (Capecitabine) liều 825mg/m2 da hai lần/ngày vào các ngày xạ trị).

Trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ sau điều trị hóa-xạ trị: tổn thương tại trực tràng đã thu nhỏ kích thước, thành trực tràng dày không đều, chỗ dày nhất là thành trước phải đường kính 16mm, thâm nhiễm tổ chức mỡ quanh hố ngồi trực tràng hai bên, hạch vùng tiểu khung có vài hạch kích thước thu nhỏ hơn trước.

Sau khi kết thúc điều trị hóa-xạ trị bệnh nhân được nghỉ 3 tuần sau đó được phẫu thuật cắt cụt trực tràng đường bụng tầng sinh môn.

Trong quá trình phẫu thuật các phẫu thuật viên thấy tổn thương tại trực tràng chủ yếu là tổ chức loét và xơ hóa sau hóa - xạ trị đường kính khoảng 3cm dính với các tổ chức xung quanh. Phẫu thuật viên đã tiến hành bóc tách, gỡ dính, cắt cụt trực tràng đường bụng tầng sinh môn.

Kết quả mô bệnh học sau mổ: hình ảnh tổn thương loét tại trực tràng, không còn tổn thương ác tính.

2. Bệnh nhân Trần Đ. T., nam 56 tuổi.  Vào viện tháng 9 năm 2009 vì lý do đi ngoài ra máu, đau rát vùng hậu môn, mệt mỏi, gầy sút 3kg/ 2 tháng.

Bệnh nhân đã được thăm khám và làm nội soi trực tràng thấy ngay sát hậu môn có khối u sùi loét chiếm toàn bộ chu vi. Kết quả mô bệnh học tại u: ung thư biểu mô tuyến.

Trên hình ảnh cộng hưởng từ tiểu khung thấy tổn thương ở thành sau trái trực tràng kèm theo một số hạch cạnh trực tràng.

Xét nghiệm máu: Hồng cầu: 3,18T/l; Hb: 114g/l; Bạch cầu: 5,72G/l; Bạch cầu trung tính: 3,08G/l; Tiểu cầu: 326G/l.

Xét nghiệm sinh hoá máu: Ure: 7,2 mmol/l; Creatinin: 77µmol/l; ASAT: 43 U/l; ALAT: 40U/l.

Chất chỉ điểm khối u trong máu CEA: 25,30ng/ml.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật nhưng do khối u xâm lấn ra phía sau, dính vào xương cùng nên chỉ làm hậu môn nhân tạo trên u để điều trị triệu chứng chống tắc ruột sau này.

Bệnh nhân đã được chuyển đến Trung Tâm y học hạt nhân và Ung bướu để tiếp tục được điều trị. Tại đây chúng tôi đã tiến hành điều trị đồng thời hóa-xạ trị cho bệnh nhân nhằm tạo cơ hội có thể phẫu thuật triệt căn sau điều trị.

Trong quá trình điều trị hóa-xạ trị bệnh nhân bị loét da vùng quanh hậu môn mức độ nhẹ, đặc biệt các triệu chứng cơ năng giảm nhiều: đỡ đau vùng hậu môn, cải thiện tình trạng đi ngoài.

Sau khi kết thúc điều trị bệnh nhân được đánh giá lại: trên hình ảnh cộng hưởng từ tiểu khung: khối u và hạch đã thu nhỏ kích thước hơn trước.

Chất chỉ điểm khối u trong máu CEA giảm dần trong quá trình điều trị hóa - xạ trị, khi kết thúc hóa - xạ trị chỉ số này là 13,21ng/ml.

Hình ảnh cộng hưởng từ tiểu khung sau điều trị hóa - xạ trị

Bệnh nhân đã được phẫu thuật lại với phẫu thuật triệt căn: cắt cụt trực tràng đường bụng - tầng sinh môn.

Sau mổ bệnh nhân ổn định, chất chỉ điểm khối u CEA trở về giới hạn bình thường: 2,31ng/ml.

Việc sử dụng hóa - xạ trị trước mổ cho các bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển đã mang lại cơ hội phẫu thuật triệt căn cho các bệnh nhân này đồng thời tăng thời gian sống thêm, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Chúng tôi hy vọng rằng với sự phát triển của y học ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư trực tràng nói riêng được phát hiện sớm, điều trị triệt căn và tiên lượng bệnh sẽ ngày càng sáng sủa hơn.

PGS. TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Ths. Phạm Cẩm Phương
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai


Tin liên quan