Olaparib – Liệu pháp điều trị duy trì đầu tiên cho ung thư buồng trứng tiến triển có đột biến BRCA

Ngày đăng: 26/12/2018 Lượt xem 3478
Olaparib – Liệu pháp điều trị duy trì đầu tiên cho ung thư buồng trứng tiến triển có đột biến BRCA

CN. Nguyễn Bảo Ngọc, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương (Sưu tầm và lược dịch)
Đơn vị gen – Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch mai

Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật và hóa trị có platinum Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân sau khi điều trị thường hay tái phát trong vòng ba năm. Đối với ung thư buồng trứng tái phát còn nhạy cảm với platinum, điều trị duy trì bằng các thuốc ức chế polymerase dạng uống như olaparib, niraparib, rucaparib cho thấy có hiệu quả đáng kể giúp làm chậm tiến triển bệnh ở bệnh nhân có đột biến BRCA. Tại Hội nghị Ung thư do Hội ung thư Châu Âu (ESMO) tổ chức năm 2018 Tiến sỹ Kathleen Moore (Trung tâm Ung thư Stephenson, Oklahoma, Mỹ) đã trình bày về thử nghiệm SOLO1 giai đoạn III về việc đánh giá hiệu quả của olaparib trong điều trị duy trì sau phẫu thuật và hóa trị có platinum ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển, có đột biến gen BRCA 1 hoặc 2.

Olaparib:

Olaparib là một chất ức chế poly ADP ribose polymerase (PARP) - enzyme tham gia trong quá trình sửa chữa DNA của tế bào ung thư. Ức chế PARP ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa DNA gây ra tình trạng tích lũy các DNA đứt gãy từ đó làm tăng độc tính và tế bào ung thư sẽ bị chết. Olaparib là chất ức chế PARP đầu tiên được phê duyệt trong điều trị duy trì ung thư buồng trứng tiến triển bởi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa kỳ (Food and Drug Administration -FDA) và Cơ quan dược phẩm Châu Âu (European Medicines Agency-EMA).



A: Bình thường gen BRCA có chức năng sửa chữa DNA bị lỗi, tế bào sẽ sống

B: Khi bị đột biến gen BRCA không thể thực hiện chức năng của mình, enzyme PARP sẽ thay thế thực hiện sửa chữa DNA bị lỗi, tế bào sẽ sống

C: Olaparib tác động ức chế lên enzyme PARP ở những người có đột biến gen BRCA khiến cho DNA bị lỗi không được sửa chữa gây tích lũy độc tính làm tế bào bị tiêu diệt

Phương pháp đánh giá của thử nghiệm SOLO1: Thử nghiệm được thực hiện trên 391 bệnh nhân có chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn III, IV có đột biến gen BRCA đã phẫu thuật và đáp ứng hoàn toàn hoặc một phần với hóa trị có platinum. Các bệnh nhân được phân ngẫu nhiên, theo tỉ lệ 2:1 để uống olaparib (300mg x2 lần/ngày) hoặc giả dược trong vòng hai năm hoặc đến khi bệnh tiến triển.

Kết quả: Tại thời điểm 3 năm, tỷ lệ sống thêm không bệnh ở nhóm sử dụng duy trì olaparib là 60,4% trong khi tỷ lệ này ở nhóm sử dụng giả dược chỉ là 26,9%. Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng olaparib bao gồm buồn nôn, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chủ yếu độ 1,2. Biến cố (adverse events –Aes) xảy ra ở 20,8% bệnh nhân dùng olaparib và 12,3% bệnh nhân dùng giả dược (placebo). Tác dụng không mong muốn là thiếu máu độ 3/4 xảy ra ở 21.5% bệnh nhân dùng olaparib. Tác dụng không mong muốn được khống chế bằng cách gián đoạn liều điều trị (52%) hoặc giảm liều (28%), ngừng điều trị (12%).

Kết luận: Tiến sỹ Moore kết luận rằng liệu pháp duy trì bằng olaparib sau phẫu thuật và hóa trị đã đem lại lợi ích đáng kể về mặt lâm sàng cải thiện sống thêm không tiến triển bệnh. Độc tính mà olaparib gây ra có thể dung nạp được, điều trị duy trì bằng olaparib được xem như một tiêu chuẩn mới ở bệnh nhân Ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển có đột biến BRCA. Tiến sỹ Moore cũng nhấn mạnh rằng cần làm xét nghiệm đột biến gen BRCA ở bệnh nhân ung thư buồng trứng ngay từ khi chẩn đoán bệnh và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Bài viết được lược dịch từ bài báo “First-Line Olaparib Maintenance New Standard for BRCAm Ovarian Cancer” đăng trên web primeoncology.org ngày 1 tháng 11 năm 2018.

Tài liệu tham khảo:
1.     https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1810858
2.     https://en.wikipedia.org/wiki/Olaparib

Nguyễn Bảo Ngọc

Tin liên quan