Cập nhật hướng dẫn về tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư biểu mô tế bào gan trên đối tượng nguy cơ cao

Ngày đăng: 28/04/2017 Lượt xem 2939

Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma (HCC)) là bệnh ác tính phổ biến thứ 5 trong các bệnh ung thư. Bệnh cũng là nguyên nhân tử vong hàng thứ 2 trong các trường hợp tử vong do ung thư trên thế giới, với trên 600.000 ca được ghi nhận mỗi năm.

Rất nhiều hướng dẫn thực hành lâm sàng cho bệnh HCC đã được công bố và cập nhật hàng năm trên toàn thế giới. Bên cạnh hướng dẫn chẩn đoán và theo dõi điều trị HCC thì tầm soát phát hiện sớm bệnh cũng có một vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, HCC phát hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị khả quan hơn. Trên thế giới có rất nhiều các Hiệp hội và tổ chức đưa ra các hướng dẫn thực hành khác nhau về tầm soát HCC. Vì vậy, việc tổng hợp và so sánh các khuyến cáo trong tầm soát HCC trên đối tượng nguy cơ cao là rất cần thiết không chỉ cho bác sỹ điều trị mà cả bệnh nhân trong việc theo dõi, phát hiện sớm HCC.

Dưới đây là bảng tổng hợp các thông tin hướng dẫn tầm soát HCC trên các đối tượng nguy cơ cao của các Hiệp hội trên thế giới công bố trong khoảng thời gian 2010-2016:

Hướng dẫn của (năm công bố)

Tầm soát định kỳ

Nhóm nguy cơ cao

Thăm dò/ Xét nghiệm

Tần xuất

Nhóm nghiên cứu ung thư gan Hàn Quốc và Trung tâm ung thư quốc gia - KLCSG-NCC (2014)

Viêm gan B hoặc C hoặc xơ gan

 

Siêu âm và AFP huyết thanh

 

Hội gan học Nhật Bản- JSH (2015)

- Xơ gan (nhóm nguy cơ rất cao)

- Viêm gan B hoặc C (nhóm nguy cơ cao)

Siêu âm và AFP, DCP, AFP-L3

huyết thanh

- Mỗi 3-4 tháng (nhóm nguy cơ rất cao); có thể chụp CT/MRI mỗi 6-12 tháng

- Mỗi 6-12 tháng (nhóm nguy cơ cao)

Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Châu Á- Thái Bình Dương- APASL(2010)

Xơ gan có nhiễm viêm gan B hoặc C

 

Siêu âm và AFP huyết thanh

6 tháng

Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Châu Âu- EASL-EORTC (2012)

- Xơ gan

- Không xơ gan mang virus viêm gan B có tiền sử gia đình HCC/viêm gan hoạt động

- Không xơ gan có viêm gan C mãn tính và xơ hoá gan tiến triển F3

Siêu âm

- Mỗi 6 tháng

- Mỗi 3-4 tháng (1. Khi nốt <1cm; 2. Theo dõi sau điều trị cắt phần gan hoặc trị liệu tại vùng)

Hiệp hội ung thư Châu Âu- Hiệp hội ung thư tiêu hoá Châu Âu- ESMO-ESDO (2012)

- Xơ gan

- Không xơ gan mang virus viêm gan B với tải lượng virus cao

- Không xơ gan có viêm gan C mãn tính và xơ hoá gan tiến triển F3

Siêu âm

6 tháng

Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Mỹ- AASLD (2011)

Xơ gan

Siêu âm

6 tháng

Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ- NCCN (2016)

Xơ gan

Không xơ gan nhưng viêm gan B

Siêu âm/AFP

6-12 tháng

Hiệp hội tiêu hoá Mỹ- ACG (2014)

Xơ gan

Siêu âm và AFP

-





















Siêu âm từ lâu đã được sử dụng trong tầm soát HCC. AFP (α-fetoprotein) huyết thanh cũng được sử dụng như là một dấu ấn khối u của HCC. Tuy nhiên, AFP huyết thanh ở mức bình thường trong 35% các trường hợp HCC có khối u nhỏ. Đồng thời, AFP cũng tăng trong các bệnh nhân viêm gan hoạt động. Khi kết hợp với siêu âm, AFP giúp phát hiện thêm khoảng 6- 8% số ca không phát hiện bất thường trên siêu âm.

Trong bảng trên, các hiệp hội Châu Âu (AASLD, EASL-EORTC, và ESMO-ESDO) chỉ khuyến cáo tầm soát bằng siêu âm mà không kết hợp AFP. Ngược lại, NCCN cho rằng AFP có thể hữu ích trong tăng cường phát hiện HCC khi kết hợp với siêu âm. Hầu hết các khuyến cáo của Châu Á đưa ra nên kết hợp siêu âm và AFP trong tầm soát HCC. Đặc biệt, theo khuyến cáo của Hội gan học Nhật Bản (Japan Society of Hepatology-JSH) trong tài liệu Hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng điều trị Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), bản bổ sung ban hành năm 2015, đã khuyến cáo tầm soát định kỳ cho các bệnh nhân nguy cơ mắc HCC. Bên cạnh siêu âm, hiệp hội này cũng khuyến cáo làm bộ ba xét nghiệm DCP, AFP và AFP-L3 huyết thanh. Khoảng cách giữa các lần tầm soát cũng thay đổi tuỳ theo các nhóm nguy cơ. Cụ thể, bệnh nhân nhóm nguy cơ rất cao (extremely high risk) như xơ gan, nên siêu âm và xét nghiệm bộ ba này mỗi 3-4 tháng. Có thể kết hợp thêm chụp CT hoặc MRI mỗi 6-12 tháng. Nhóm nguy cơ cao (high risk) như viêm gan B hoặc C, nên siêu âm và xét nghiệm DCP, AFP và AFP-L3 huyết thanh mỗi 6 tháng.

AFP là một protein bào thai. Bình thường, sau khi sinh, nồng độ AFP giảm thấp, chỉ còn lượng nhỏ dưới 10ng/ml do gan, niêm mạc đường tiêu hóa sản xuất. AFP cao ở bệnh nhân ung thư gan, xơ gan và suy gan. AFP gồm 3 thể khác nhau AFP-L1, AFP-L2, AFP-L3 trong đó AFP-L3 có thể được phát hiện trong khoảng 35% số trường hợp HCC có khối u nhỏ <2cm. Khi AFP-L3 tăng hơn 10% là có thể chỉ ra 1 tình trạng sớm của HCC, đôi khi sớm hơn phát hiện HCC bằng chẩn đoán hình ảnh (từ 3-21 tháng).

PIVKA-II hay des-gamma-carboxy prothrombin (DCP) là prothrombin bất thường. Lúc đầu vai trò của PIVKA-II trong chẩn đoán và tiên lượng, đánh giá hiệu quả điều trị ung thư gan HCC được triển khai nghiên cứu và áp dụng trong lâm sàng nhiều nhất tại Nhật Bản. Gần đây, vai trò của PIVKA-II được chú ý nhiều hơn tại châu Âu, Hoa Kỳ cũng như Châu Á. Phần lớn các nghiên cứu ở Nhật Bản và Châu Á cho thấy PIVKA-II có vai trò tốt hơn AFP, đặc biệt tương quan với kích thước khối u, hình thành huyết khối, hay xâm lấn mạch máu, đánh giá khả năng tái phát sau điều trị. PIVKA-II hiện diện trong 91% bệnh nhân HCC. Sự tăng PIVKA-II thường phản ảnh nguy cơ bệnh nhân viêm gan mãn tính diễn tiến đến HCC.

Hiện tại, Đơn vị gen trị liệu - Tế bào gốc thuộc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào xét nghiệm thường quy bộ ba thông số DCP, AFP và AFP-L3 huyết thanh trên máy xét nghiệm TasWako-i30 của Nhật Bản. Đây là thiết bị hiện đại, độ nhạy cao, được kiểm chuẩn thường xuyên và sử dụng hoá chất, vật tư chính hãng.

Tin liên quan