Từ ít nhất cách đây 1.500 trước công nguyên, các lương y Trung Quốc và Ấn Độ đã dùng loại củ có mùi kinh khủng này như một loại thuốc làm loãng máu. Còn Hippocrate, cha đẻ của ngành y học hiện đại thì dùng nó để điều trị ung thư ở vùng cổ.
Louis Pasteur thì ghi nhận tính kháng khuẩn và chống nấm của tỏi và phát hiện này đã được Albert Schweitzer ứng dụng vào điều trị bệnh lỵ ở châu Phi.
Nhưng nay, một nhóm các nhà nghiên cứu của TT Nghiên cứu bệnh tim mạch, ĐH Y Connecticut (Mỹ) đã tìm hiểu cách dùng tỏi tươi (không phải tỏi khô hay tỏi nấu chín) để bảo vệ tim.
Tại sao tỏi tươi lại tốt hơn?
Tỏi tươi giã nát sản sinh ra nhiều hydrogen sulfide, một loại khí thường gặp ở trứng thối. Mặc dù khí này nếu nhiều quá thì sẽ trở thành chất độc, nhưng với 1 lượng nhỏ thì sẽ hoạt động như một hợp chất trong nội tế bào và có khả năng bảo vệ tim.
Do khí hydrogen sulfide là một loại khí ga chỉ tồn tại trong 1 thời gian ngắn nên nó sẽ nhanh chóng biến mất khi bị khô, chế biến, nấu chín…
Tỏi khô hay tỏi đã chế biến vẫn giữ lại các chất chống ôxy hóa, tuy có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do nhưng không thể phát huy công dụng tối đa như tỏi tươi.
Trong nghiên cứu được đăng tải ngày 12/8 trên tạp chí Agricultural & Food Chemistry, các nhà khoa học đã lấy tỏi tươi giã và tỏi khô cho các con chuột mắc bệnh tim ăn. Kết quả cho thấy, cả tỏi tươi và tỏi khô đều giúp giảm tình trạng thiếu ôxy nhưng tỏi tươi có hiệu quả tốt hơn đối với sự dịch chuyển của dòng máu trong động mạch chủ, và làm tăng áp lực tâm thất trái.
Các mẹo dùng tỏi tươi
Lượng tỏi tươi lý tưởng để mang lại những lợi ích tối đa cho sức khỏe trái tim là 1 tép tỏi/ngày. Cách chế biến tốt nhất là cắt nhỏ tép tỏi, để nó ngoài không khí 10-15 phút, rồi trộn với sữa chua, táo xay, mật ong hay một món ăn nào đó.
Nên ăn một vài nhánh mùi sau đó để hơi thở không có mùi tỏi.