Bất thường ở vú: Hãy nghĩ đến ung thư!

Ngày đăng: 02/10/2008 Lượt xem 4644
Nếu phát hiện thấy khối u hay mảng cứng ở vú, di động hay không, vú bị co rút, lõm vào nhưng không đau, bạn nên đi khám chuyên khoa vú. Đó có thể là biểu hiện của ung thư.

Chị N.T.T.H, 41 tuổi, ngụ tại Củ Chi, đã có 2 con. Khi sinh con, chị đã cho con bú rất bình thường, cả hai đứa trẻ đều được bú sữa mẹ trên 1 năm.

Hơn một năm nay, một bên vú trái của chị T.H. rút lại bằng một nửa vú phải. Tuy nhiên, bệnh nhân (thậm chí người chồng cũng biết) nhưng không nghĩ mình bị ung thư vú

Mãi đến đầu tháng 5/2007, chị T.H. mới quyết định đi khám tại BV ĐH Y Dược TP.HCM do thấy vú co rút ngày càng quá bất thường.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, chị T.H có thể đã bị ung thư vú giai đoạn II hoặc III. Bệnh nhân chưa có hạch nách, di căn, nhưng bướu ở vú đã khá lớn.

Thông thường ung thư vú có một khối u cứng hoặc mảng cứng ở vú. Đối với bệnh nhân ở lứa tuổi 20, u cứng di động ở vú thường lành tính. Song đối với phụ nữ từ 40 trở lên, đấy là biểu hiện của ung thư.

Nhưng, nhiều bệnh nhân thấy xuất hiện u cứng, không gây đau, nên bỏ qua không đi khám chuyên khoa vú.

Chị T.A.T, 40 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những bệnh nhân như vậy. Chị vừa trải qua một ca mổ cắt bỏ hoàn toàn một bên vú. Cũng đã một thời gian dài, chị bị một khối u di động ở vú, không đau nên không đi kiểm tra vú. Cho đến khi cuộc phẫu thuật diễn ra, khối u đó có đường kính khoảng 2cm.

Cứ 8 - 10 phụ nữ bệnh vú: 1 người bị ung thư

Các yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú:

- Tránh thừa cân: Ăn nhiều rau, trái cây; ăn nhiều dầu cá, sử dụng thực phẩm giàu sinh tố A, sinh tố C. Đặc biệt, chất phytoestrogens trong đậu nành có tác dụng làm biến đổi chất estrogen trong ruột, giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

- Cho con bú sữa mẹ

- Tập thể dục thường xuyên đều đặn 3 - 4giờ/tuần, giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là phụ nữ dưới 45 tuổi.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư quần thể tại Hà Nội và TP.HCM, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất, với tỷ lệ mắc ung thư vú là hơn 17/100.000 dân.

Thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) cho thấy thế giới có khoảng 1,2 triệu phụ nữ mắc bệnh này, nhưng chỉ 1/3 trong số đó được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Cho đến nay, người ta không thể chỉ ra chính xác các nguyên nhân gây ra ung thư vú. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng không chỉ đơn thuần chỉ có một nguyên nhân gây ra bệnh này, mà có nhiều yếu tố khác nhau tác động.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú ở giới nữ tăng dần theo tuổi. 77% ung thư vú xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi. Trong gia đình, có một người trực hệ gần (chị em, mẹ, hay con gái) bị ung thư vú thì nguy cơ sẽ tăng gấp 2. Ngoài ra lối sống (hút thuốc lá, thừa cân béo phì, rượu...) cũng tác động đến căn bệnh ung thư vú.

Thế nhưng, theo PGS. TS Hứa Thị Ngọc Hà, Phụ trách Phòng khám vú - BV ĐH Y Dược, các bệnh lành và u lành của vú thường gặp hơn nhiều hơn bệnh ung thư vú 8 – 10 lần. Nghĩa là, cứ khoảng 8 - 10 phụ nữ mắc các bệnh về vú, chỉ có một người mắc bệnh ung thư vú.

Tỷ lệ chữa lành bệnh ung thư vú giai đoạn sớm rất cao, có thể bảo tồn được vú, không phải cắt bỏ vú.

Do vậy, phụ nữ trên 35 tuổi nên đi khám chuyên khoa định kỳ  mỗi 6 tháng  dù không cảm thấy bất thường ở vú.

Đặc biệt là khi phát hiện ra các triệu chứng và dấu hiệu ở vú, như: nổi u, cục ở vú; hai vú không đều, biến dạng; da quanh vú thay đổi (co kéo da, da cam, đỏ da, loét da...); tụt núm vú; sưng hoặc viêm vú; bệnh sử gia đình có người bị ung thư vú, người bệnh cần đến khám chuyên khoa vú ngay, để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.

Bệnh nhân tuyệt đối không được đắp thuốc nam, thuốc bắc hay cắt lễ lên vú.

Tin liên quan