Bệnh lý tim mạch ở những người bị ung thư khi còn bé
Độc tính tim mạch thường là hậu quả của xạ trị, hóa trị hoặc cả hai. Hiện nay, một nghiên cứu đa trung tâm ở Mỹ đã xác định nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch ở những người sống sót sau khi bị ung thư hồi trẻ.
Một nghiên cứu điều tra tại 26 trung tâm, bao gồm 14.358 người đã được chẩn đoán ung thư ít nhất 5 năm trước đây, khi đó họ dưới 21 tuổi (sinh năm 1970 đến 1986). Có 3.899 người là anh chị em ruột của các bệnh nhân này được xếp vào nhóm đối chứng. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ung thư sống sót sau điều trị bị suy tim sung huyết nhiều gấp hơn 6 lần, bị nhồi máu cơ tim gấp hơn năm lần, bị bệnh lý màng ngoài tim gấp hơn sáu lần và bị bệnh lý van tim gấp hơn năm lần so với anh chị em ruột (nhóm đối chứng).
Tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch này có tính tích lũy và tiếp tục tăng lên 30 năm sau khi được điều trị bệnh ung thư. Dùng liều Anthracyclines như Doxorubicin hoặc Daunorubicin cao hơn 250 mg/m2 sẽ tăng nguy cơ bị suy tim sung huyết, bệnh lý màng ngoài tim, bệnh van tim gấp 2-5 lần. Nếu tim bị chiếu liều bức xạ trên 1.500 centigray sẽ làm tăng nguy cơ của tất cả bốn loại bệnh lý tim mạch nói trên từ 2 đến 6 lần. Tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch ở những bệnh nhân ung thư còn sống sau điều trị so với tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch mang tính chất gia đình (của các anh chị em ruột những người bị ung thư ở nhóm đối chứng) với bệnh tim sung huyết là 1,7% (so với 0,2%); nhồi máu cơ tim 0,7% (so với 0,2%), bệnh lý màng ngoài tim 1,3% (so với 0,3%), bệnh van tim 1,6% (so với 0,5%). Tại thời điểm 30 năm sau khi được chẩn đoán ung thư có 4% những người sống sót sau điều trị bị suy tim sung huyết, 4% bị bệnh lý van tim, và 3% có bệnh lý màng ngoài tim.
Bệnh tim mạch là bệnh phổ biến ở những người được điều trị ung thư khi còn bé.
Ths. Phạm Cẩm Phương
(sưu tầm và dịch)