Vị trí thanh quản ở phía trước cổ, nằm trên khí quản, kích thước khoảng 5cm x 5cm. Thanh quản có vai trò trong việc thở, nuốt và nói. Khi bị ung thư ảnh hưởng đến chức năng thở, nuốt và nói của thanh quản.
Thanh quản có 3 phần chính: phía trên là tầng thượng thanh môn; thanh môn nằm ở giữa, dây thanh âm nằm ở vùng thanh môn; hạ thanh môn nằm ở dưới và nối liền với đường dẫn khí. Hầu hết các ung thư thường bắt đầu từ thanh môn. Thành trong của hạ họng được lát bởi các tế bào vẩy, phần lớn các ung thư bắt đầu từ những tế bào này được gọi là ung thư biểu mô tế bào vẩy. Khi các tế bào ung thư di căn, thường xâm lấn đến hạch bạch huyết lân cận ở vùng cổ, đến mặt sau của lưỡi, thành phần khác của họng và cổ, đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Khối u mới cũng có cùng một loại tế bào như khối u nguyên phát ở thanh quản nên được gọi là ung thư di căn của thanh quản.
Các yếu tố nguy cơ
Ung thư thanh quản.
Những nghiên cứu đã tìm ra các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ung thư thanh quản như sau: ung thư thanh quản thường gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi; nam giới bị ung thư thanh quản cao gấp 4 lần nữ giới; những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn rất nhiều so với người không hút. Người uống rượu sẽ có nguy cơ cao hơn so với người không uống rượu; uống càng nhiều nguy cơ càng cao; vừa uống rượu vừa hút thuốc càng dễ mắc bệnh; khoảng 1/4 bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, mặt cổ sẽ bị mắc ung thư thứ hai cũng tại vùng đầu, mặt, cổ; người tiếp xúc với acid sulfuric, niken, amiăng; nhiễm một số loại virut; chế độ ăn thiếu vitamin A; bệnh trào ngược dạ dày thực quản... đều có nguy cơ ung thư thanh quản.
Biểu hiện lâm sàng
Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà ung thư thanh quản biểu hiện bằng các triệu chứng khá phong phú: khối u ở cổ; nói khàn hoặc thay đổi giọng nói; đau họng hay có cảm giác nghẹn cổ họng; ho kéo dài; khó thở, thở kém; đau tai; gầy sút cân, kém ăn, kém ngủ; triệu chứng xét nghiệm: soi thanh quản trực tiếp thấy khối u; chụp cắt lớp vi tính: có thể nhìn rõ các khối u vùng thanh quản hoặc khối u đã di căn đến các vị trí khác ở cổ; xét nghiệm tế bào để xác định khối u là ung thư thanh quản.
Các biện pháp điều trị
Ung thư thanh quản có thể điều trị bằng xạ trị, phẫu thuật hoặc hóa chất đơn thuần hay kết hợp.
Xạ trị là biện pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia X tác dụng vào khối u và tổ chức xung quanh, nó chỉ ảnh hưởng tới các tế bào trong trường chiếu. Một đợt điều trị liên tục 5 ngày/một tuần kéo dài từ 5-8 tuần. Tùy từng trường hợp có thể điều trị bằng xạ trị đơn thuần hay kết hợp phẫu thuật hoặc hóa chất.
Đối với các khối u nhỏ hoặc các bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật thì dùng xạ trị đơn thuần. Xạ trị kết hợp phẫu thuật là dùng xạ trị để cô lập khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt tế bào ung thư còn sót sau phẫu thuật, khối u tái phát sau phẫu thuật cũng thường được điều trị tia xạ. Xạ trị kết hợp hóa chất thì xạ trị có thể điều trị trước, trong hoặc sau khi điều trị hóa chất.
Điều trị phẫu thuật là biện pháp sử dụng tia laser nhằm cắt bỏ khối u. Cách phẫu thuật chủ yếu dựa vào kích thước và vị trí khối u mà thực hiện: cắt toàn bộ thanh quản; cắt một phần thanh quản; cắt thanh quản trên thanh môn; đôi khi phẫu thuật phải cắt bỏ cả những khối hạch vùng cổ, gọi là nạo vét hạch. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ cả tuyến giáp. Phẫu thuật ung thư thanh quản, thường phải mở khí quản, ống mở khí quản là một đường dẫn khí mới đi qua một lỗ mở ở phía trước cổ; không khí hít vào và thở ra sẽ đi qua lỗ mở này. Đối với một số bệnh nhân, lỗ mở khí quản chỉ là tạm thời, chỉ cần thiết cho tới khi bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật. Nhưng đôi khi sau phẫu thuật, một số bệnh nhân cần một ống nuôi dưỡng tạm thời. Nhiều bệnh nhân thanh quản không bị cắt bỏ và giọng nói vẫn được giữ nguyên.
Hóa trị liệu ung thư là việc sử dụng các thuốc diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể được sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp. Các thuốc được sử dụng trong ung thư thanh quản thường dùng đường tiêm tĩnh mạch. Tùy mục đích điều trị có thể dùng thuốc trước phẫu thuật hay trước khi xạ trị; trong một vài trường hợp, các thuốc được dùng với mục đích làm lỏng các khối u kích thước lớn trước phẫu thuật hoặc xạ trị; thuốc dùng sau phẫu thuật và xạ trị với mục đích để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại, hoặc triệt tiêu các khối u đã lan tràn di căn đi các nơi khác; thuốc được sử dụng để điều trị thay thế phẫu thuật: hóa chất có thể được sử dụng cùng với xạ trị để diệt tổ chức ung thư, thay thế phẫu thuật.
ThS. Nguyễn Hữu Định