Ở Úc, nhà thuốc tây nơi tôi làm việc có rất nhiều khách hàng VN đến mua thuốc, trong số đó có anh Hà. Lần gần đây nhất tôi còn nhớ là anh Hà đến để mua một lọ thuốc Tylenol.
Sau ngày khai mạc World Cup, vợ anh Hà gặp tôi báo tin chồng chị đang nằm viện trong tình trạng rất nguy kịch. Tiếp đó, nhà thuốc chúng tôi nhận được một báo cáo từ bệnh viện mà anh Hà đang điều trị (ở Úc có hệ thống quản lý y tế rất chặt chẽ nên giữa bệnh viện, nhà thuốc, bác sĩ phòng mạch luôn liên lạc với nhau mỗi khi có tai biến xảy ra).
Dễ mua và... dễ ngộ độc
Theo báo cáo này, sau trận khai mạc World Cup với kết quả đội tuyển nước chủ nhà Nam Phi mà anh yêu mến cầm hòa được Mexico, anh Hà tổ chức bữa tiệc lai rai với những người đồng hương và cũng là những người đang làm công cho gia đình anh. Đến khuya, anh Hà nhức đầu dữ dội, cảm giác buồn nôn rồi “cho chó ăn chè” và có những triệu chứng giống như cúm. Anh Hà lấy thuốc Tylenol ra uống.
Sáng hôm sau, anh Hà vẫn không ngừng nôn mửa và da trở vàng nên phải vào bệnh viện. Xét nghiệm máu ngay lúc cấp cứu cho thấy nồng độ men gan và bilirubin rất cao, chứng tỏ anh Hà có những dấu hiệu không ổn về gan (bilirubin trong máu cao sẽ làm cho da và mắt trở nên vàng).
Các bác sĩ điều trị nhận định có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, anh Hà có thể bị nhiễm trùng gan, viêm gan (chẳng hạn hepatitis A hoặc B). Thứ hai, có thể bị tổn thương gan do dược phẩm gây ra. Cuộc hội chẩn cùng những xét nghiệm đã loại bỏ khả năng thứ nhất. Có nghĩa là anh Hà đã bị ngộ độc thuốc Tylenol.
Tylenol có thành phần hoạt chất chính là paracetamol (ở Mỹ gọi là acetaminophen), là thứ thuốc mà hiện nay ở nhiều nước, kể cả nước ta, cũng dễ mua đến nỗi có người ví von là có thể tìm thấy chúng trong cặp học sinh, giỏ xách của mấy bà đi chợ, thậm chí ở ngăn tủ nhà bếp.
Chớ coi thường liều thấp
Paracetamol được cho là lành tính nhất trong các loại thuốc giảm đau. Nhưng paracetamol đã “quật” ngã anh Hà, vì có thể anh vẫn dùng liều lượng như bình thường nhưng ngặt nỗi là cơ thể của anh lần này không hề bình thường do đã dùng quá nhiều rượu, bia.
Về lý thuyết thì cơ thể chỉ bị ngộ độc paracetamol khi dùng quá liều lượng. Nhưng đừng nghĩ là paracetamol không gây ngộ độc cho gan ở liều thấp vì còn tùy vào từng cơ địa. Một liều đơn (uống một lần) 3-4 g paracetamol hoặc 4-6 g (uống “lai rai” trong vòng 24 giờ) vẫn có thể làm tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong đối với một số người. Đ
Đặc biệt hơn nữa nếu trong trường hợp cơ thể có... rượu, bia. Rượu, bia làm tăng độc tính của paracetamol. Nếu đã uống rượu, bia mà bị nhức đầu thì tốt nhất là nên tìm cách khác để giải quyết chứ không nên dùng paracetamol, nếu không còn cách nào khác mà phải dùng thì chớ có dùng quá 2 g trong vòng 24 giờ. Anh Hà là một thí dụ điển hình của sự tương tác giữa rượu với hàm lượng paracetamol (Tylenol) mà anh đã uống trong ngày ấy.
Mùa World Cup khó mà tin các tín đồ túc cầu sẽ không dùng rượu, bia để cùng lăn theo nhịp bóng, thức khuya mà dùng nhiều rượu bia dễ gì tránh được những cơn nhức đầu. Biết trước như thế thì phải liệu cách mà phòng tránh, chớ có dại để phải “chữa cháy” bằng paracetamol.
Liều lượng tối đa cho phép: 4 g Các biệt dược nổi tiếng của paracetamol là Tylenol, Panadol, Panamax... Đối với một người lớn khỏe mạnh, liều lượng paracetamol tối đa cho phép trong thời gian 24 giờ chỉ là 4 g (4.000 mg), có nghĩa là 8 viên “mạnh” (mỗi viên “mạnh” chứa 500 mg và mỗi viên “thường” chứa 325 mg). Ở liều lượng cho phép, paracetamol rất an toàn và tác dụng nhanh đối với những cơn nhức đầu, sốt, đau nhức... nhưng khi ở liều cao thì sẽ gây độc cho gan. Một liều đơn từ 7 đến 10 g paracetamol là đã có thể gây tổn thương gan cho một người khỏe mạnh. |
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
ĐHc Dược Murdoch – Úc/NLĐ