Mọi sinh hoạt trong... màn
Xã Triệu Lăng là địa bàn có muỗi hoành hành dữ dội nhất. Mới khoảng hơn 5h chiều nhưng gia đình bà Lê Thị Trường (52 tuổi) ở tại thôn 3 đã ăn xong bữa cơm tối. Phía trong các góc tối kín của gia đình bà Trường đã nghe tiếng muỗi bay \"rồ rồ\". \"Đáng sợ nhất là khoảng 3 tháng nay, cứ bắt đầu khoảng hơn 5h chiều là muỗi không biết ở mô cứ bay vào nhà nhìn như đàn ong, đếm không hết”, bà Trường cho biết. Tiếp xúc với một số người dân trong thôn 3 và các thôn các của xã Triệu Lăng, chúng tôi đều nhận được những thông tin phản ánh tương tự.
Không chỉ riêng ở xã Triệu Lăng mà các xã khác thuộc khu vực ven biển huyện Triệu Phong như Triệu Vân, Triệu Sơn... bà con đều phải kêu trời vì muỗi quá nhiều vào buổi tối. \"Cả nhà cũng phải dọn cơm ăn tối trong màn. Cách đây khoảng một tháng, mấy đứa con tui đến kỳ thi đều phải chui vào màn để học. Học ở nơi bất tiện như rứa thì kết quả làm răng mà tốt được (?)\" - chị Lan - một bà mẹ ở thôn 6 (xã Triệu Vân) cho hay.
Nơm nớp lo bệnh
Bà Hoàng Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Triệu Lăng khẳng định hiện tượng muỗi xuất hiện dày đặc tại địa phương là có thật, \"chúng tôi đã có báo cáo tình hình lên Trung tâm Y tế dự phòng của huyện\". Bà con tại xã Triệu Lăng cũng cho biết: Đã có đoàn cán bộ về thu thập, lấy mẫu, xem xét tình hình muỗi bùng phát này nhưng đã khá lâu rồi vẫn chưa có kết quả. Trong khi chờ đợi các biện pháp từ các ban ngành có trách nhiệm, mặc dù người dân đã thực hiện nhiều biện pháp tạm thời để trừ muỗi như xịt thuốc, xông khói, dùng hương trừ muỗi, dọn vệ sinh... nhưng xem ra tình hình vẫn chẳng tiến triển bao nhiêu vì lượng muỗi quá dày đặc. Nếu tình hình này tiếp diễn, khả năng sốt xuất huyết là khó tránh khỏi.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi tôm ở khu vực này còn xả trực tiếp nước thải và bùn ao nuôi ngay trên khu vực đất cát cạnh hồ đầm. Nhiều đoạn mương, kênh phục vụ tiêu, dẫn nước cho các hồ tôm tại xã Triệu Lương, nước ứ đọng, bốc mùi rất khó chịu. Dưới mặt nước ở những nơi này, bọ gậy (ấu trùng muỗi) xuất hiện và bơi ken đặc. Chỉ cần một chiếc vợt lưới nhỏ của bọn trẻ chăn trâu, múc một lần xuống nước, chúng tôi đã vớt được một lượng không đếm xuể bọ gậy.
* Theo khảo sát tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, số ca sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện có 62 ca sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo, vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ gia tăng, do đó người dân nên chú ý phòng bệnh, ngủ màn kể cả ban ngày vì muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào khoảng 5-6 giờ chiều và vào lúc sáng sớm. Ngoài ra, người dân cần vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng để tránh bệnh bùng phát. Một số người cho rằng, nếu mắc sốt xuất huyết một lần thì không bị mắc lại. Đây là quan niệm sai lầm vì có đến bốn loại virut gây nên bệnh sốt xuất huyết, nên khi bị sốt xuất huyết một lần, bệnh nhân chỉ có thể miễn dịch với một loại virut.
* Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có tổng cộng 448 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu có tới 240 trường hợp.
*Tại An Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 1.018 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian sắp tới, bước vào mùa mưa bão, dịch sốt xuất huyết ở tỉnh sẽ diễn biến rất phức tạp, khả năng tăng số ca mắc lên gấp 3-4 lần so với 6 tháng đầu năm.
* Tại Đồng Tháp, tính từ đầu năm 2010 đến ngày 20/6/2010, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận hơn 710 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 300 trường hợp so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, có trên dưới 100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nặng và đã có 2 trường hợp bị tử vong.
PV-CTV
Khẩn trương phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Đây là một trong những yêu cầu của Bộ Y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước theo công văn khẩn số 585/KCB-NV ngày 24/6 nhằm chủ động, tích cực nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong do sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD). Theo đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục triển khai tập huấn cho bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác điều trị bệnh tại Khoa Khám bệnh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm,... của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (công lập và tư nhân). Các đơn vị tuyến cuối của hệ thống điều trị SD/SXHD gồm: BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Nhi TW, BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Nhi Đồng 1 và 2 TP.HCM tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới theo khu vực đã được phân công.