Đốm trắng trong mắt trẻ - dấu hiệu ung thư

Ngày đăng: 17/10/2008 Lượt xem 12801
4 tháng tuổi, mắt bé Danh Hoàng Phúc (Rạch Giá, Kiên Giang) xuất hiện đốm trắng bất thường. Các bác sĩ chẩn đoán là u võng mạc và chỉ định phải bỏ nhãn cầu để tránh bệnh lan rộng.

Cháu Phúc hiện 13 tháng tuổi, đang hóa trị tại khoa Nội nhi 3 của Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Một mắt đã bị bỏ, nay bác sĩ cho rằng khả năng mắt trái của cháu cũng có biểu hiện ung thư.

Cháu Nguyễn Minh Quân (2 tuổi, thị xã Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Khi Quân được 1 tuổi, người nhà phát hiện mắt cháu có đốm trắng nổi lên giữa lòng đen như mắt mèo nên đưa vào Bệnh viện Mắt TP HCM khám. Các bác sĩ cho biết u đã xâm lấn ra dây thần kinh thị lực nên phải phẫu thuật múc hốc mắt, nếu không sẽ khó giữ được tính mạng.

Còn bệnh của bé Hoài Trâm, 2 tuổi, ở Long An được người nhà phát hiện khi thấy bé bị lé (lác) một cách đột ngột. Sau khi khám, bác sĩ cho biết bé Trâm bị ung thư nguyên bào võng mạc, u đã xâm lấn, buộc phải phẫu thuật hốc mắt và tiếp tục hóa trị.

Tại TP HCM, cứ 100 trẻ bị ung thư thì có khoảng 7 trẻ mắc ung thư mắt. Đáng tiếc hầu hết các trường hợp đều phát hiện quá muộn.

Phát hiện sớm, 80% được cứu sống

Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ung thư nguyên bào võng mạc mắt chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện ban đầu là có đốm trắng ở tròng đen và lé một cách bất thường. Tuy nhiên đến nay, nguyên nhân gây nên bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Theo những nghiên cứu ban đầu, bệnh có liên hệ với tình trạng đột biến gen Rb- khi trẻ còn trong phôi thai. Tia phóng xạ, hoá chất là các yếu tố gây ra đột biến gen Rb.

"Khi phát hiện đốm trắng, lé bất thường, phải đưa trẻ đến khám chuyên khoa mắt để phát hiện sự cố ngay” - Bác sĩ Thịnh khuyến cáo.

Năm 2006, Bệnh viện Mắt TP HCM tiếp nhận gần 400 trường hợp ung thư liên quan đến mắt, một nửa là trẻ em, chủ yếu là ung thư nguyên bào võng mạc. Trong khi đó, khoa Nội nhi 3 của Bệnh viện Ung bướu TP HCM mỗi năm tiếp nhận khoảng 50 trẻ ung thư mắt đến hóa trị.

Theo bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa Nội nhi 3 Bệnh viện Ung bướu TP HCM, do chưa có chương trình kiểm soát về ung thư mắt nên đa số trường hợp mắc bệnh đến điều trị đều quá muộn hoặc không hay biết về loại ung thư này.

Bác sĩ Khương cho biết, cứ 10 trường hợp đến điều trị thì có đến 8 phải phẫu thuật múc hốc mắt. Thậm chí có những bệnh nhi khi mắt lồi ra, chảy mủ có mùi thối và biến chứng sang hạch, bị mù hoàn toàn mới đến điều trị

“Nếu phát hiện sớm khi bướu chưa ảnh hưởng đến thị lực của mắt thì có thể điều trị thành công khoảng 80% trường hợp” - Bác sĩ Trần Chánh Khương nói. Nếu ung thư di căn đến các cơ quan nội tạng, phá hủy não, tim, phổi, bệnh nhân tử vong rất nhanh. Theo bác sĩ Khương, trong 100 bệnh nhân bị ung thư điều trị muộn, chỉ có 50% kéo dài thêm sự sống được khoảng 5 năm, còn lại chỉ sống được tối đa 6-12 tháng.

Theo bác sĩ Vũ Anh Lê, Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt TP HCM, khuyên: Những cặp vợ chồng có con lần đầu bị ung thư mắt nên cân nhắc khi sinh con lần thứ hai vì nguy cơ trẻ bị bệnh rất cao.

(Theo Tiền Phong)

Tin liên quan