Ghép xương để chữa ung thư xương

Ngày đăng: 23/07/2009 Lượt xem 3633

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện K, cho biết, ung thư xương không hay gặp nhưng là bệnh nặng và thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây là loại ung thư liên kết, tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh thường di căn theo đường máu tới các tạng ở xa, vào gan, phổi, xương.

Các loại ung thư biểu hiện rõ ràng ở bề mặt như ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, khoang miệng... thường được phát hiện và điều trị sớm. Nhưng với ung thư xương, tụy thì thường ngược lại, nhiều trường hợp đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn. Hơn nữa, ung thư xương hay gặp ở người trẻ tuổi, do vậy tốc độ phát triển của bệnh càng nhanh hơn.

Phác đồ điều trị ung thư xương tùy thuộc vào thể giải phẫu bệnh và giai đoạn sớm hay muộn. Phương pháp điều trị căn bản là phẫu thuật, phối hợp với hóa-xạ trị. Xu hướng hiện nay là tăng cường điều trị bảo tồn, bằng cách cắt bỏ khối u xương, sau đó ghép phục hồi bằng xương (tự thân, đồng loại) hoặc vật liệu nhân tạo.

Kỹ thuật ghép xương được chỉ định cho những trường hợp sarcôm xương giai đoạn sớm tại chỗ. Sarcôm là bệnh rất ác tính, hay di căn, do vậy chỉ định bảo tồn ghép xương hết sức nghiêm ngặt. Phải đánh giá chính xác sự lan rộng tại chỗ của khối u, phối hợp hóa-xạ trị. Những bệnh lý lành tính như u nang xương cũng được chỉ định phương pháp này để mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Trường hợp u tế bào khổng lồ ác tính (còn được gọi là u tế bào hủy xương) thì phải nạo, cắt hết sức tỉ mỉ các tế bào u, sau đó mới tiến hành ghép.

Theo tiến sĩ Hiếu, thực tế điều trị cho thấy, phương pháp ghép xương thay thế cho kết quả điều trị tốt, rất hiếm bị thất bại (như thải loại mảnh ghép). Ghép xương đặc biệt hữu ích với bệnh u tế bào khổng lồ, trước kia hầu hết phải cắt cụt chi hoặc tháo khớp.

Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện K đang phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo một loại vật liệu vô cơ sinh học thay thế được xương tự thân hoặc xương đồng loại, kết quả ban đầu khả quan. Loại vật liệu này không chỉ tốt mà còn rẻ, tạo thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân nghèo.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Tin liên quan