Phân bố ung thư dạ dày trên thế giới
Ở Việt Nam UTDD đang là vấn đề y tế lớn trong nhân dân, đặc biệt là ở nam giới trên 40 tuổi. Ước tính hàng năm có khoảng 15000 – 20000 người bị UTDD, đứng thứ 2 sau ung thư phổi ( ở nam ); đứng thứ 3 sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung ( ở nữ ). Gần đây nhờ sự tiến bộ của y học chúng ta đã hiểu biết rõ hơn về căn nguyên, cơ chế bệnh sinh và tìm ra nhiều phương pháp để chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả hơn. Nhưng UTDD vẫn được coi là bệnh lý ác tính tiến triển và tiên lượng nặng nề, tỉ lệ tử vong cao. Cho đến nay nguyên nhân UBTG vẫn chưa rõ ràng, người ta chỉ nói đến các yếu tố nguy cơ.
1. Chế độ ăn uống.
Nhiều tác giả đề cập đến nguyên nhân ăn uống liên quan đến UTDD. Các chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại các khu vực dân cư có thói quen ăn thực phẩm ninh nhừ (súp), thực phẩm muối hay hun khói (cá muối, thịt hun khói) tỷ lệ mắc UTDD cao hơn các khu vực khác. Các tác giả nêu vai trò gây UTDD của các Nitrosamid được tạo nên từ các Nitrat,chỉ có 25% lựơng Nitrat tham gia vào chu trình nước bọt – dạ dày. Nước bọt người bình thường có chứa 6 – 10mg nitrit/lít và 15 – 30mg nitrat/lít. 20% lượng nitrat của nước bọt bị vi khuẩn cộng sinh ở mồm thuỷ phân thành nitrit, song đây lại là phần chính (80%) lượng nitrit của dạ dày, còn lại 20% nitrit của dạ dày là từ thức ăn. Ở dạ dày, nitrit phản ứng với các amin cấp 2, cấp 3 thành nitrosamid. Người ta cho rằng chất nitrosamid được tạo thành sẽ alkyl hoá acid nhân của ADN, ARN tạo ra đột biến gen gây UTDD. Sự tạo thành nitrosamid ở dạ dày chỉ cần pH giảm, không cần sự tham gia của Enzym. Ở mức độ pH dạ dày khác nhau lượng nitrosamid được tạo thành khác nhau. Nếu không được tạo thành nitrosamid, nitrat sẽ tự phân huỷ nhanh chóng. Trong lâm sàng, lượng nitrosamid thường tăng cao ở bệnh nhân thiếu máu ác tính, sau cắt đoạn dạ dày, UTDD. Lượng nitrosamid ở nam thường cao hơn nữ. Quá trình trên điều kiện để tạo thành nitrosamid là có nitrat thức ăn, có vi khuẩn, pH giảm, có acid amin...Qua nghiên cứu vitamin C có khả năng giảm tần số nguy cơ mắc UTDD. Những người nghiện hút thuốc lá nặng trên 30 điếu một ngày tần số dễ mắc UTDD cao hơn 6 lần so với người không hút thuốc lá.
2. Acid dịch vị trong ung thư dạ dày.
Bình thường 6% thanh niên và trung niên, 20 – 30% người già có tình trạng giảm acid chlorhydric sinh lý. Trong trường hợp UTDD thì acid chlorhydric có thể giảm hoặc không có. Trước một ổ loét dạ dày có dịch vị vô toan cần nghĩ đến tính chất ác tính hoặc diễn biến ác tính của ổ loét.
Trong cộng đồng có nguy cơ cao quá trình này thường bắt đầu từ năm thứ 20 đến 30 của tuổi đời. Qua thời gian viêm teo niêm mạc sẽ phát triển lan rộng trong dạ dày. Cho đến 60 – 70 tuổi kết quả là những tế bào tiết acid giảm đi dẫn tới sự thay đổi pH tạo điều kiện cho vi khuẩn cùng với các yếu tố khác dẫn đến UTDD.
3. Vai trò của Helicobacter Pylori ( HP ) :
Marshall và Warren lần đầu tiên phân lập trực khuẩn HP vào năm 1982, kể từ đó có rất nhiều nghiên cứu về vai trò của nó trong bệnh lý dạ dày, nhất là bệnh lý loét và bệnh lý ung thư dạ dày. Parsonet ( 1991 ) theo dõi những người mắc ung thư dạ dày và người bình thường thì thấy rằng tỷ lệ nhiễm HP ở bệnh nhân ung thư dạ dày là 84% còn ở nhóm chứng là 64%. Blaser ( 1995 ) thấy rằng, vai trò của HP trong ung thư dạ dày rõ ràng hơn ở những người mang HP có chuỗi Cag A. Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Tạ Long và cs tiến hành ở 104 bệnh nhân ung thư dạ dày cho thấy có đến 77,1% bệnh nhân nhiễm HP theo chẩn đoán mô bệnh học và hầu hết trong số này đều mang chuỗi Cag A.
4. Một số yếu tố khác.
- Tính chất gia đình: ung thư dạ dày có tính chất gia đình chiếm khoảng 1 – 15% các trường hợp ung thư. Yatsuya ( 2001 ) nghiên cứu yếu tố gia đình của bệnh thì thấy rằng những gia đình có từ hai thành viên trở lên mắc ung thư dạ dày thì có nguy cơ mắc bệnh rất cao cho cả hai giới và nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày cũng cao hơn so với các bệnh nhân ung thư dạ dày không có tiền sử gia đình.
- Bệnh thiếu máu ác tính, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không polyp, dị sản ruột.. là những yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.
- Các yếu tố khác như điều kiện kinh tế khó khăn, tiếp xúc với phóng xạ, công nhân mỏ than, công nhân cao su... là những điều kiện thuận lợi cho ung thư dạ dày phát triển.
Như vậy cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày là có một chế độ ăn hợp lý, nhiều rau xanh và hoa quả tươi, hạn chế thực phẩm muối hay hun khói, điều trị triệt để các bệnh lý dạ dày khác; với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, có tính chất gia đình nên thường xuyên nội soi dạ dày 6tháng một lần để kiểm tra, kịp thời phát hiện sớm tổn thương, và cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống để chúng ta có cuộc sống thật sự khoẻ mạnh.