Hiện nhiều người dân vẫn có thói quen tự điều trị cảm cúm, sốt, đau đầu, nhức xương, mỏi gối… bằng cách đi mua các thuốc giảm đau (kháng viêm hoặc hạ nhiệt) mà không biết mình đang tự hại mình.
Bởi hậu quả người bệnh có thể bị suy gan, thủng dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, phù toàn thân, suy hô hấp…
Uống thuốc thêm bệnh
Anh N.V.B (Ba Đình, Hà Nội) thỉnh thoảng lại bị đau khớp gối, nhất là mỗi khi đi chơi tennis về. Nghĩ chỉ bị sưng đau phần mềm nên anh ra hiệu thuốc mua loại cao dán làm từ thảo dược về dùng thì thấy giảm đau nhanh chóng.
Từ đấy, mỗi lần khớp gối bị đau sau những vận động mạnh hoặc thời tiết thay đổi, anh lại dùng cao dán và thuốc bôi như hướng dẫn của người bán thuốc. Chỉ tới khi các thuốc này dần không có tác dụng mỗi khi bị đau, anh mới đi khám thì được biết khớp của anh khó có thể phục hồi vì biến chứng của các nhiễm trùng ổ khớp lâu ngày.
Cũng là Paracetamol nhưng lại là thuốc uống, cháu N.T.L (Đống Đa, Hà Nội) vừa được đưa vào Viện Nhi TƯ trong tình trạng suy gan, rối loạn đông máu, tính mạng bị đe dọa vì ngộ độc Paracetamol.
Trước đó, L bị sốt nên mẹ cháu đã cho uống thuốc với liều 150-220mg/kg thể trọng mỗi ngày, trong khi với liều 100mg/kg thể trọng, Paracetamol đã có thể gây ngộ độc cho trẻ. Bác sỹ điều trị bé L cho biết, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ ngộ độc do cha mẹ tự ý cho con trẻ uống Paracetamol đang gia tăng.
Ngoài ra, cũng do khi kê đơn nhiều bác sỹ đã không ghi chính xác hàm lượng nên nhiều cha mẹ khi thấy con sốt đã dùng tăng liều từ 1,5 - 2 lần liều lượng cho phép với hy vọng nhanh hạ sốt.
Cũng liên quan đến thuốc giảm đau, hạ sốt, Khoa Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận không ít nạn nhân bị ngộ độc do lạm dụng thuốc giảm đau. Nhẹ thì mẩn đỏ khắp người, đầu choáng váng, nặng thì sốc phản vệ, thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thực tế tại khoa này cho thấy, chủ yếu là do sử dụng thái quá hay cùng một lúc sử dụng nhiều loại thuốc có thành phần Paracetamol (hầu hết các thuốc chữa cảm cúm trong thành phần đều có Paracetamol).
Thận trọng với cao dán, thuốc bôi
Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam, trên thị trường hiện nay có hai dòng thuốc giảm đau được sử dụng khá phổ biến là thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giảm đau hạ nhiệt (Paracetamol, Decolgel, Panadol, Aspirine…).
“Thuốc giảm đau hạ nhiệt thường có tác dụng giúp hạ cơn đau nhức tạm thời nhưng nếu lạm dụng dễ bị nhờn thuốc hoặc cũng có thể gây ra các phản ứng phụ như nổi mày đay, đỏ da toàn thân…
Đối với thuốc giảm đau kháng viêm đặc trị thường mang lại kết quả điều trị cao nhưng rất dễ gây biến chứng, nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh tiêu hóa và tim mạch”, GS.TS Trần Ngọc Ân cảnh báo.
Cũng theo GS Ân, việc người bệnh tự ý mua thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ và dùng thuốc bừa bãi là rất nguy hại đối với các trường hợp có các triệu chứng viêm xương khớp vì có thể kích thích bệnh lý khác phát triển.
Đặc biệt, những người có bệnh về gan, nếu dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định sẽ đẩy nhanh tình trạng suy gan, viêm gan mãn.
Đối với thuốc dán và thuốc bôi có tác dụng giảm đau, nhiều người cho rằng ít gây tác dụng phụ nhưng thực ra các thành phần của thuốc đều ngấm qua da vào máu, ảnh hưởng tới toàn thân.
Khá nhiều bệnh nhân sử dụng các dạng thuốc này trị đau xương khớp không chỉ bị dị ứng mà còn bị nhiều các bệnh khác như viêm loét dạ dày, suy gan...
Theo ThS Võ Tường Kha, Trưởng khoa Tổng hợp, BV Thể thao, nếu các khớp viêm có triệu chứng bị nhiễm trùng như: sưng, nóng, đỏ… người bệnh tuyệt đối không được sử dụng các loại cao dán hoặc thuốc bôi giảm đau có tác dụng làm nóng như: Salonpas, Perkindon, Deep heat, Sungaz... Bởi khi đó, tinh dầu nóng sẽ gây giãn mạch và khiến cho lượng máu đổ về chỗ viêm tăng lên, ứ lại, khiến chỗ viêm càng sưng và phù nề hơn và tình trạng viêm khớp sẽ càng nặng hơn.
Đáng ngại nhất là nhiều loại thuốc gia truyền được trộn những thuốc giảm đau rẻ tiền như coticoid. Khi người bệnh sử dụng sẽ dẫn tới việc phụ thuộc vào thuốc.
Bệnh không chữa khỏi lại còn gây thêm nhiều loại biến chứng nguy hiểm: tăng khả năng nhiễm trùng, tăng nhãn áp, bị chảy máu dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, tăng men gan, loãng xương, rối loạn sinh dục, suy tuyến thượng thận, rối loạn điện giải…
Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, phải sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sỹ kể cả dạng dán, uống và bôi. Khi sử dụng thấy bất kỳ biểu hiện khác lạ nào phải bỏ thuốc và đi khám ngay.
Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau, không có khả năng chữa bệnh. Nếu sử dụng 3 - 5 ngày, không thấy khỏi hẳn hoặc ít có tác dụng thì phải đi khám vì đó là nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo Hoàng Thái
Gia đình & Xã hội