Mỗi năm, ra nước ngoài chữa bệnh mất 1 tỷ USD

Ngày đăng: 27/08/2010 Lượt xem 2603

Chuyên  môn cao, giá thành rẻ

 

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thường (57 tuổi) nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội vừa mới xuất viện, đã trở lại làm việc bình thường trong tình trạng sức khoẻ hồi phục tốt sau hơn 2 tháng điều trị ung thư thực quản giai đoạn 3-4 tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (TTUBBM). Bệnh nhân cho biết, có được kết quả này là do ông và gia đình đã chọn lựa đúng địa chỉ điều trị, gặp thầy, gặp thuốc mà chi phí nằm viện lại… không đến nỗi nào.

 

Phát hiện bệnh vào cuối năm 2009, gia đình ông Thường đã hạ quyết tâm đưa ông sang  Singapore  hay Quảng Châu (Trung Quốc) chữa bệnh. Tuy nhiên, theo chỉ dẫn của nhiều người, với giá thành chữa trị ung thư tại nước ngoài khoảng hơn 1 tỷ đồng, gia đình công chức như ông buộc phải đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng, ông Thường đã thuyết phục gia đình để ông nhập viện tại TTUBBM, nhưng trong lòng không khỏi lo lắng.

 

Ngay ngày hôm sau, ông Thường được chụp kiểm tra bằng máy PET/CT. Các GS, bác sĩ tại TTTUBBM giải thích và thông báo, sau khi sử dụng hình ảnh của PET/CT, ông Thường sẽ được điều trị bằng phương pháp hiện đại là xạ trị trên máy gia tốc điều biến liều (IMRT) với liệu trình 30 mũi, liên tục 6 mũi/tuần mà chùm tia xạ được tính toán chính xác đến từng mm. Đến mũi thứ 25, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy nuốt đỡ nghẹn, càng về sau càng “thông thoáng” từng ngày. Hết liệu trình, ông Thường ăn uống trở lại gần như bình thường, ngoài ra, phần tim mạch vốn có bệnh của ông sau xạ trị cũng  không hề hấn gì. Kết thúc liệu trình xạ trị, ngày 21-7-2010, kết quả PET/CT kiểm tra lần cuối cho thấy khối u của bệnh nhân Thường đã tan hết, không còn tìm thấy dấu vết tế bào ung thư trong cơ thể!

 

Phương pháp điều trị tiên tiến

 

PGS. TS, bác sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc TTUBBM cho biết, phương pháp điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đều tuân thủ quy trình chuẩn quốc tế. Với mỗi quy trình, các cơ sở điều trị ung thư trong nước đã áp dụng các phương pháp và máy móc tiên tiến. Thí dụ, các bác sĩ Việt Nam có đầy đủ kinh nghiệm khám lâm sàng kết hợp các  loại máy móc để chẩn đoán ung thư từ xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa, nội soi đến chiếu chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, y học hạt nhân (PET/CT), xét nghiệm gene ban đầu… Về điều trị, các cơ sở điều trị ung thư trong nước cũng đã làm chủ các phương pháp mới như sử dụng hình ảnh PET/CT mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị gia tốc với kỹ thuật điều biến liền (IMRT); Xạ trị gia tốc tuyến tính tại BV K, TTUBBM, BV Ung bướu Hà Nội, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy; Xạ phẫu dao gamma ở BV Chợ Rẫy, BV Đại học Huế; Đặc biệt những phương pháp như xạ phẫu với dao gamma quay của Hoa Kỳ tại TTUBBM, điều trị bằng sóng siêu cao tần (HIFU) tại BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, sử dụng ống chỉnh trực nhiều lá trong xạ trị tại  BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh… đều lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

 

Máy móc hiện đại, giá thành lại rẻ, bệnh nhân và gia đình không tốn kém chi phí đi lại, ăn ở lại thuận lợi trong giao tiếp và quan trọng là việc theo dõi biến chứng và xử lý cấp cứu được kịp thời. Vậy mà vẫn có một bộ phận không nhỏ bệnh nhân trong nước (chủ yếu tại các thành phố lớn) có điều kiện về tài chính sang các nước  như Thái-lan, Singapore, Trung Quốc… chữa trị căn bệnh ung thư.

 

Theo Thầy thuốc nhân dân, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tất cả các loại ung thư đều được chẩn đoán và điều trị tốt tại Việt Nam trong các cơ sở điều trị chuyên khoa như BV K, TTUBBM, BV Ung bướu Hà Nội, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy… Trong đó, có một số loại bệnh ung thư, kết quả điều trị tại Việt Nam được xếp  ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Ung thư di căn não, một số bệnh lý ác tính và lành tính  trong não, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư phổi…

 

Bệnh nhân  chưa tin, vì sao?

 

Ở một góc độ nào đó, việc ra nước ngoài điều trị có thể được nhìn nhận là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập, là quyền được lựa chọn của người  bệnh. Nhưng điều đáng nói ở đây, với những gia đình có mức thu nhập chưa cao (so mặt bằng thế giới) vì tâm lý sính ngoại, vì quan niệm “có bệnh thì phải tứ phương” nhưng chưa đầy đủ thông tin thì việc đưa bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị ung thư cần cân nhắc kẻo tốn nhiều tiền mà lại không hiệu quả.

 

Việc bệnh nhân ra nước ngoài điều trị hiện là một trăn trở của ngành y. Bởi lẽ, thực tế này đã phản ánh dịch vụ đi kèm quá trình khám chữa bệnh của các cơ sở điều trị trong nước còn yếu và cơ sở vật chất tại các BV hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Theo mô hình bệnh tật mới, ung thư là căn bệnh đang có số người mắc nhiều nhất. Hiện tỷ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 150.000 bệnh nhân/năm, số tử vong là 50.000 trường hợp. Trong khi đó, các cơ sở điều trị ung thư trong nước lại chưa được đầu tư thoả đáng. Nhiều bệnh nhân vẫn biết một số cơ sở điều trị ung thư trong nước rất tốt, giá rẻ nhưng họ vẫn ra nước ngoài điều trị vì môi trường BV chưa thân thiện. Có bệnh nhân thổ lộ, do họ mất lòng tin vào các bác sỹ nên  phải “xuất ngoại”. Tại một số cơ sở, các bác sĩ chưa thống nhất cách điều trị chung, mỗi bác sĩ “phán” một kiểu khiến người bệnh hoang mang. Có nơi, bác sĩ còn khuyên bệnh nhân ra nước ngoài điều trị để hưởng hoa hồng 5-10%... GS TS Nguyễn Bá Đức thẳng thắn: “Chúng ta mất bệnh nhân là đúng!”. Lúc nào BV cũng quá tải, đến khám có khi cũng phải qua “cò mồi”. Không khí BV thì ồn ào, nóng bức, hai thậm chí ba, bốn bệnh nhân/giường. Các bác sĩ không đủ thời gian để khám kỹ càng cho từng người bệnh. Thực tế, các BV mới chỉ đáp ứng việc điều trị tích cực còn những khâu khác như chăm sóc, dinh dưỡng, tư vấn… cực kỳ cần thiết cho bệnh nhân mắc nan y như ung thư thì lại chưa có. Điểm qua các BV ung bướu lớn của Việt Nam, hầu như chưa có khu dành cho bệnh nhân VIP, bệnh nhân nước ngoài. Trong khi, các phòng bệnh ở nước ngoài luôn có máy lạnh, kết nối internet, điện thoại, TV, tủ lạnh và cả bác sỹ tâm lý

 

Trước thực tế này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngành y  tế hiện đang triển khai quy hoạch mạng lưới phòng chống ung thư tại tám vùng kinh tế trọng điểm bằng nguồn đầu tư trái phiếu của Chính phủ. Theo đó, sẽ đầu tư theo hướng trong tâm như xây dựng các Trung tâm phòng chống ung bướu và các Khoa Ung bướu tại BV tuyến tỉnh có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ chuyên môn… để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích các cá nhân, tổ chức xây dựng các BV có chất lượng cao theo hướng xã hội hóa y tế, nhằm phát triển mạnh mạng lưới khám chữa bệnh.

 

Việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng máy PET/CT là một công nghệ cao chỉ có thể thực hiện tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản…nhưng đã được triển khai tại một số cơ sở điều trị ung bướu tại Việt Nam như TTUBBM,  BV 108, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy… trong khi một số  nước trong khu vực châu Á cũng chưa tiến hành được kỹ thuật này, phương pháp này giúp chẩn đoán sớm ung thư, phân loại được giai đoạn ung thư, phát hiện và đánh giá tái phát, di căn của ung thư… từ đó có thể đưa ra liệu trình điều trị đúng cho 86-96% bệnh nhân. Được đưa và hoạt động từ tháng 8-2009, đến nay, hệ thống PET/CT tại TTUBBM đã sàng lọc, chẩn đoán, đánh giá giai đoạn cho hơn 500 bệnh nhân ung thư, trong đó có hơn 20 trường hợp được lập kế hoạch xạ trị đều đạt kết quả khả quan.

 


Tin liên quan