Ung thư vú là nỗi ám ảnh của tất cả mọi phụ nữ. Có lẽ vì thế mà xung quanh căn bệnh chết người này có không ít những ngộ nhận. Nếu người thân hoặc bạn bè của bạn có những quan niệm sai, hãy giúp họ thay đổi suy nghĩ.
Quan niệm: Chỉ những phụ nữ có người trong gia đình bị ung thư vú mới cần lo lắng.
Sự thật: Nếu có mẹ, chị, em gái hoặc con gái từng hoặc đang bị ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh của bạn cao gấp đôi so với những người khác. Nếu có hai người thân cận cùng mắc bệnh, nguy cơ của bạn còn cao hơn. Tuy nhiên, khoảng 70% phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú không nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao của căn bệnh này.
Quan niệm: Mặc áo ngực có gọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sự thật: Quan niệm cho rằng gọng áo ngực làm tăng áp lực lên hệ thống mạch bạch huyết của ngực, làm tích tụ độc tố và gây ung thư vú đã được chứng mình là phỏng đoán phi khoa học. Loại áo ngực và độ vừa vặn của áo cũng như các loại quần áo khác không liên quan đến ung thư ngực.
Quan niệm: Phần lớn những khối u ở ngực đều là ung thư.
Sự thật: Khoảng 80% khối u ở ngực phụ nữ là ung thư lành tính, u nang hoặc là biểu hiện của căn bệnh khác. Phụ nữ được khuyên nên chú ý đến bất cứ sự bất thường nào ở ngực, bởi việc nhận diện sớm ung thư vú sẽ giúp tăng cơ hội chữa trị. Để xác định khối u có phải là ung thư hay không, bạn cần được chụp X-quang ngực, siêu âm và sinh thiết.
Quan niệm: Phẫu thuật vú chỉ càng khiến khối ung thư phát triển.
Sự thật: Phẫu thuật không hề gây ra ung thư và không thể phát tán bệnh. Không loại trừ khả năng trong khi phẫu thuật, bác sĩ phát hiện khối u của bạn lớn hơn chẩn đoán. Vài nghiên cứu trên động vật cho thấy việc cắt bỏ khối u có thể thúc đẩy sự di căn nhưng chỉ là tạm thời. Điều này chưa được chứng mình ở con người.
Quan niệm: Ung thư vú luôn biểu hiện của ung thư vú bằng khối u.
Sự thật: Khối u có thể là dấu hiệu của ung thư vú (hoặc của một trong số nhiều căn bệnh lành tính khác ở vú). Thế nhưng, bạn cũng nên cảnh giác trước những thay đổi khác ở ngực, vì chúng có thể là biểu hiện của ung thư.
Chẳng hạn như vùng ngực bị sưng lên; kích ứng da hoặc lún da; đau ngực hoặc ở đầu vú ửng đỏ, đóng vảy hoặc dày lên hay tiết chất dịch khác không phải là sữa.
Quan niệm: tất cả mọi phụ nữ đều có 1/8 nguy cơ mắc ung thư vú.
Sự thật: Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Tỷ lệ một phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú khoảng 1/233 khi ở tuổi 30 và tăng lên 1/8 khi ở tuổi 85.
Quan niệm: Phụ nữ ngực nhỏ ít bị ung thư vú.
Sự thật: Bầu ngực quá khổ có thể gây khó khăn cho việc phát hiện khối u. Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa kích cỡ vòng một với nguy cơ mắc ung thư vú. Mọi phụ nữ, bất kể sở hữu vòng một lớn hay nhỏ, đều nên đi kiểm tra ngực định kỳ.
Quan niệm: Chụp X-quang vú định kỳ hàng năm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư do ảnh hưởng bức xạ từ việc siêu âm.
Sự thật: Bức xạ được dùng trong chụp X-quang có lượng nhỏ. Do đó, khả năng bị ung thư rất thấp so với lợi ích to lớn nó mang lại trong việc phát hiện bệnh. Chụp X-quang có thể giúp phát hiện khối u trước khi bệnh nhân cảm nhận được chúng. Trường hợp khối u đã thành hình, việc phát hiện sớm giúp tăng cơ hội chữa trị. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi chụp nhũ ảnh một lần/năm.
Quan niệm: Phụ nữ bị u nang xơ vú có nguy cơ cao vói ung thư vú
Sự thật: Trước đây, những phụ nữ này được cho là có nguy cơ mắc ung thư vú cao. Sự thật: không có mối liên hệ nào giữa chúng. Tuy nhiên, sẽ khó để xác định đó là u thường hay ác tính nên có thể bị chẩn đoán nhầm. Những phụ nữ này thường phải tiến hành đồng thời việc chụp X-quang vú và siêu âm để có kết luận chính xác.
Quan niệm: Cắt bỏ toàn bộ vú có hiệu quả hơn giải phẫu cắt bỏ khối u và xạ trị.
Sự thật: Tỷ lệ sống sau giải phẫu là như nhau ở hai phương pháp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như kích thước khối u quá lớn, phương pháp cắt bỏ khối u và xạ trị có thể không thích hợp.
Quan niệm: Nạo thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Sự thật: Nạo thai được cho là nguyên nhân làm gián đoạn chu kỳ hormone trong thai kỳ. Do ung thư vú liên quan đến tỷ lệ hormone, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để làm rõ mối liên hệ giữa nạo thai và ung thư vú. Thế nhưng, các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào về mối liên hệ của chúng.
Quan niệm: Nếu kết quả chụp X-quang vú âm tính, bạn không cần phải lo lắng nữa.
Sự thật: Dù đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát và chẩn đoán ung thư vú, chụp X-quang vú không phát hiện bệnh trong khoảng 10% đến 20% trường hợp. Đó là lý do tại sao xét nghiệm vú lâm sàng và tự kiểm tra vú tại nhà là những việc quan trọng trong quá trình tầm soát bệnh.
Quan niệm: Thuốc duỗi thẳng tóc gây nguy cơ ung thư vú.
Sự thật: Theo kết quả cuộc nghiên cứu năm 2007 (Mỹ), việc sử dụng hóa chất duỗi thẳng tóc không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu được tiến hành trên các phụ nữ Mỹ gốc Phi đã dùng các hóa chất này để duỗi thẳng tóc trong ít nhất 20 năm. Mỗi năm, họ duỗi tóc ít nhất bảy lần.
Quan niệm: Nếu nằm trong nhóm nguy cơ cao với ung thư vú, bạn chẳng làm gì được ngoài việc chờ đợi các dấu hiệu của bệnh.
Sự thật: Có rất nhiều điều phụ nữ có thể làm để hạ thấp nguy cơ mắc bệnh. Chẳng hạn như giảm cân nếu bị béo phì, tập thể dục thường xuyên, giảm hoặc bỏ rượu, bỏ hút thuốc, tự khám vú tại nhà, định kỳ kiểm tra và chụp nhũ ảnh.
Một số phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao chọn cắt bỏ vú trước khi phát hiện bệnh để giảm khả năng mắc bệnh xuống khoảng 90%. Họ cũng có thể tiến hành những biện pháp phòng ngừa chủ động như thường xuyên chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú.
Địa chỉ khám và chữa trị: Bệnh viện ung bướu TP. HCM, 3 Nơ Trang long, Q.Bình Thạnh, TP. HCM
Bệnh viện U bướu Hà Nội, 42 Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.