PGS Lê Viết Hùng, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho biết, Trung tâm này ra đời nhằm cung cấp thông tin và nâng cao nhận thực về thuốc cho các cấp quản lý, cán bộ y tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là đơn vị đầu ngành về Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược ở tuyến Trung ương, có chức năng giúp Bộ Y tế xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin về thuốc, bao gồm cả thông tin về cảnh giác Dược, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược.
Trong năm 2009, Trung tâm sẽ tiếp nhận, thẩm định các báo cáo về cảnh giác dược của các đơn vị gửi đến; triển khai hoạt động tư vấn thông tin thuốc khi có yêu cầu; mới các lớp đào tạo về cảnh giác dược; khởi động xây dựng cơ sở dữ liệu bằng ngôn ngữ tiếng Việt các thông tin về thuốc phù hợp với đặc thù Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm đang chuẩn bị triển khai mô hình thí điểm về hoạt động thông tin thuốc và cảnh giác dược tại Bệnh viện Bạch Mai. Hy vọng những hoạt động này sớm phát huy hiệu quả để thông tin nhanh chóng đến với người tiêu dùng.
PGS Hùng cho biết thêm, hiện nay, các thông tin sản phẩm thuốc qua các nghiên cứu lâm sàng rất hạn chế so với những phát hiện trong thực tế sử dụng, bởi nhiều lý do như yếu tố chủng tộc, số lượng đối tượng và thời gian nghiên cứu thuốc còn hạn chế, các yếu tố ảnh hưởng trong quá trình sản xuất, lưu thông phân phối, bảo quản sử dụng, đồng thời có cả những sai phạm cố ý trong kết quả thử nghiệm lâm sàng. Trên thực tế, có nhiều sản phẩm thuốc sau khi được cấp phép lưu hành ở nước ta đã buộc phải thu hồi và cấm lưu hành vì gây ra những tác dụng có hại nghiêm trọng, vượt trội hơn cả lợi ích điều trị.
Riêng trong năm 2008, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã nhận được trên 2.000 báo cáo về các trường hợp nghi ngờ phản ứng có hại của thuốc, đa số các trường hợp xảy ra đều liên quan tới việc sử dụng các thuốc thường dùng tại Việt Nam như thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim và thuốc giảm đau...
Hồng Hải