Phòng ngừa dị ứng: Chỉ dùng thuốc khi cần thiết
Dị ứng thuốc có các đặc điểm: không phụ thuộc vào liều lượng, nên xảy ra dị ứng dù thuốc dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng thuốc ít, dưới liều chỉ định. Dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân mẫn cảm hoặc người có "cơ địa dị ứng". Cho nên, có thuốc người này dùng không việc gì, nhưng người khác dùng thì bị dị ứng.
Trong thuốc, ngoài hoạt chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó; dị ứng sẽ biến mất với việc ngưng dùng thuốc.
Dị ứng thuốc biểu hiện bằng nhiều dạng. Nặng nhất là sốc phản vệ, biểu hiện bằng chứng xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, truỵ tim mạch, có thể gây chết người. Hoặc biểu hiện nhẹ hơn ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hoá đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc...
Đối với thuốc, bất cứ hoạt chất nào cũng đều có khả năng gây dị ứng thuốc. Đứng đầu là các thuốc kháng sinh và các thuốc có gốc là chất đạm (protein, peptid) như các hormon. Đặc biệt, có hiện tượng gọi là phản ứng chéo.
Ví dụ, người đã dị ứng với aspirrin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Không chỉ dạng uống hay tiêm mới dễ bị dị ứng. Thuốc cho tác dụng tại chỗ như thuốc bôi ngoài da hay thuốc nhỏ mắt cũng có thể gây dị ứng.
Để phòng ngừa dị ứng thuốc, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ. Nếu có nghi ngờ, thắc mắc thì nên hỏi thầy thuốc.
Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như: ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu... cần ngưng ngay thuốc đó và hỏi ý kiến thầy thuốc để được chỉ dẫn. Khi đã bị dị ứng với loại thuốc nào đó, tuyệt đối không dùng lại loại thuốc đó và thông báo cho thầy thuốc về điều này.