Sống khép kín: Cơ chế đa dạng
Theo BS. Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, con người có nhu cầu giao tiếp, tiếp xúc trao đổi với những người xung quanh. Tuy nhiên, có nhiều người không thể trao đổi chia sẻ thông tin một cách bình thường, nên phải tự tạo ra một xã hội khác để "sống" như một phản ứng tự nhiên.
Một dòng nước muốn hòa với con sông lớn và ra biển cả, nhưng lại bị một hòn đá to chặn lại. Dòng nước ấy tạo thành một con kênh khác. Cũng giống như một con người không thích nghi được với xã hội đương đại buộc phải tạo ra một cuộc sống riêng. Một học sinh không thích nghi được với lớp học, thường bị gọi là học sinh cá biệt. Một nhân viên không thể thích nghi với môi trường công sở, phải tự tìm một cuộc sống riêng.
Trong khi đó, một số người khác hoàn toàn bình thường, nhưng trong một điều kiện tâm lý nào đó hay trong một hoàn cảnh xã hội nào đó, người ấy quây mình vào một cuộc sống riêng, khép kín. Với những người này, chúng ta phải tìm hiểu sâu về các mối quan hệ bên trong gia đình, bạn bè, ngoài xã hội... Đó là về tâm lý.
Ngoài ra, rất nhiều căn bệnh khiến con người mất khả năng thích nghi, mất những kỹ năng xã hội và chỉ sống trong thế giới riêng. Rõ nhất là bệnh tâm thần phân liệt. Mỗi bệnh nhân tự nghĩ ra, hoang tưởng, ảo giác, sống với thế giới riêng mà những người bình thường cũng rất khó xâm nhập.
Bệnh thứ hai là bệnh tự kỷ ở trẻ em. Những đứa trẻ này có một trục trặc gì đó, không thích ứng được với xã hội bình thường, với những đứa trẻ cùng trang lứa. Các mối quan hệ bình thường của trẻ không có. Một số trẻ mắc bệnh tự kỷ nhưng rất thông minh, nhưng vẫn sống thế giới riêng vì không thích nghi với một số quy định, quy ước của xã hội. Đó là hiện tượng lạ, bất thường.
"Thật sự rất khó nói rõ ràng một căn bệnh cụ thể nào dẫn đến cuộc sống khép kín. Một em bé thông minh nhưng bất thường cũng có thể tạo ra một thế giới riêng. Một đứa trẻ có khiếm khuyết về mặt tinh thần hay trong não bộ, cũng có thể tự khép kín. Vì không thể thâm nhập vào thế giới đó, chúng ta thường xem họ là bất bình thường," BS. Thắng nói.
Học chia sẻ: Tôi luyện nhân cách
Theo BS. Thắng, xã hội hiện đại đòi hỏi con người có một số kỹ năng nhất định. Cuộc sống là một chuỗi thách thức liên tục, đòi hỏi con người phải tự vượt qua. Vì vậy, một nền giáo dục lành mạnh, khỏe khoắn, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để có những kỹ năng xã hội, giáo dục phải tạo ra được những con người biết đối đầu với những thử thách. Ngay từ khi còn bé, con trẻ phải được rèn luyện để biết suy nghĩ sáng tạo, thích nghi với những thay đổi của cuộc sống.
Nếu cho con người có một sức bật, chúng ta sẽ bị vướng lại ở đâu đó. Khi đó, chúng ta không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra, bệnh thực thể do tâm căn, không thích nghi được với xã hội, mâu thuẫn gia đình, bạn bè ghẻ lạnh, người thân xa lánh...
"Khi xã hội đã dạy cho chúng ta một khả năng tự lập, bản thân không luyện tập thì những điều đó cũng trở thành vô ích. Ngay từ xưa, ông bà ta đã nói: "Ăn một mình thì đau tức, làm một mình thì cực thân". Để nhân cách trở nên mạnh mẽ, điều đầu tiên là phải biết chia sẻ, biết xây dựng tình cảm bạn bè, tình đồng nghiệp... Bởi chỉ cần một sang chấn nhỏ, nhưng không biết chia sẻ, cứ ôm ấp, sẽ trở thành một sang chấn trường diễn và ngày càng nghiêm trọng. Trước hết là chia sẻ chuyện của bản thân, kế đến là chia sẻ câu chuyện của những người xung quanh," BS. Thắng cho biết.
Hơn thế nữa, trong một cơ thể gầy yếu, tinh thần cũng không thể khỏe mạnh. Dinh dưỡng thể lực cũng là một yếu tố chính giúp làm giảm thiểu những tác động của tổn thương tâm lý khiến con người co cụm lại và sống khép kín.
Bên cạnh đó, người có vấn đề về tâm thần, thường phủ nhận "tình trạng tự khép kín". Vì vậy, người thân, bạn bè... chính là những người rõ nhất về những thay đổi bất thường đó, và đến nhờ các dịch vụ tư vấn chuyên khoa tâm thần. Hiện nay, nói đến tâm thần, xã hội vẫn còn nghĩ đó là những người điên hay những người khùng, nhưng thực tế, con số này chỉ khoảng 0,5-1%. Theo thống kê, khoảng 25% nhân loại cần đến những dịch vụ giúp đỡ về mặt tâm thần.
Hương Cát