Ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến trong phát hiện ung thư sớm

Ngày đăng: 06/10/2009 Lượt xem 2623
Ung thư là loại bệnh nguy hiểm, khó chữa khỏi và nguy cơ chết cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, kịp thời, với các phương pháp điều trị khoa học, trang thiết bị hiện đại sẽ có nhiều người bệnh được chữa khỏi căn bệnh nan y này. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, (Bệnh viện Bạch Mai), hệ thống PET/CT- một trong những kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến nhất trên thế giới đã được đưa vào hoạt động để chẩn đoán bệnh ung thư, từ đó giúp cho quá trình điều trị được kịp thời, chính xác và hiệu quả, đem lại hạnh phúc và niềm vui cho nhiều gia đình.

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ chết cao. Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Phòng, chống ung thư Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150 nghìn trường hợp mắc mới ung thư và có khoảng 75 nghìn trường hợp chết. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư là do ảnh hưởng của môi trường sống như: phơi nhiễm phóng xạ, nhiễm chất độc hóa học, căng thẳng trong công việc, hay thói quen, hành vi của nhiều người như: hút thuốc lá, uống rượu, bia nhiều, và lười tập thể dục... Ô nhiễm môi trường cũng tác động mạnh đến cơ thể nên dễ sinh ra nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, bên cạnh đó, nhiều người còn thiếu hiểu biết về sức khỏe. Trước những tiến bộ của y học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhiều loại thiết bị, máy móc và phương pháp tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng, nên bệnh ung thư không còn là căn bệnh không thể chữa và điều trị. Việc chữa, điều trị đúng phương pháp, chính xác làm tăng chất lượng sống cho người bệnh ung thư. Vừa qua, tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (YHHN và UB), Bệnh viện Bạch Mai đưa hệ thống máy PET/CT sản xuất năm 2009 của Hãng Siemen (CHLB Ðức) vào hoạt động. Hệ thống PET/CT giúp cho việc chẩn đoán và phát hiện nhiều bệnh lý khác nhau như trong thần kinh học, tim mạch học và nhất là trong ung thư học với những hình ảnh rõ nét, xác định được chính xác những nơi tổn thương trong cơ thể, góp phần rất lớn trong việc trợ giúp các bác sĩ có kết luận chính xác các căn bệnh về tim mạch, ung thư,... để việc chữa và điều trị có kết quả cao. Trong thời gian qua, nhiều người bệnh ung thư như: ung thư phổi, tuyến giáp, đại trực tràng, thực quản, dạ dày, gan, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, buồng trứng... đã được chụp PET/CT tại Trung tâm YHHN và UB, Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và phát hiện di căn cũng như tái phát sau điều trị.
 
Trước cửa phòng chụp PET/CT, chúng tôi chứng kiến cảnh hai vợ chồng anh Ð.V.H với niềm vui vỡ oà trong nước mắt. Ðược biết, anh Ð.V.H, 54 tuổi (Hưng Yên), bị bệnh ung thư phổi. Cách đây năm tháng, cả gia đình anh đã không thể tin anh sẽ sống được khi có bốn khối u đang nằm trong não. Chị N.T.P, vợ anh H. cho biết, chồng tôi là một lương y, nên anh ấy rất chăm lo sức khỏe của mình. Từ việc ăn uống, sinh hoạt đến tập thể dục hằng ngày. Cách đây sáu tháng, anh kêu đau đầu, chóng mặt, chân tay tê, gần như bị liệt, tinh thần hoảng loạn, mất dần trí nhớ. Mặc dù đã uống rất nhiều loại thuốc, nhưng vẫn không đỡ, trong vòng một tháng, sụt sáu cân, sức khỏe yếu dần. Tôi rất lo lắng, đưa anh đến khám tại Phòng khám dịch vụ Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ làm các xét nghiệm lâm sàng, chụp cộng hưởng từ, kết luận bị ung thư phổi đã di căn lên não. Sau đấy tôi đã đưa anh đến Trung tâm YHHN và UB (Bệnh viện Bạch Mai) để chữa trị với hy vọng kéo dài được thời gian sống. Trong suốt bốn tháng, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, điều trị, chồng tôi đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Hiện nay, những khối u ở phổi và não hầu hết đã không còn, sức khỏe đang tiến triển rất tốt và đã đi lại được, tăng năm kg, hết đau đầu, trí nhớ dần phục hồi... Và còn nhiều bệnh nhân khác nữa, đó là anh N. M. H., 23 tuổi (Hà Nội) bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, chữa ở nhiều nơi, bệnh không giảm. Anh H. đã đến Trung tâm YHHN và UB, Bệnh viện Bạch Mai chữa và điều trị bằng i-ốt phóng xạ (I-131) hai lần. Sau khi đến chụp PET/CT, anh đã ra về trong nỗi vui mừng khôn xiết vì khối u đã không còn, kết luận sức khỏe ổn định, không phải dùng thuốc nữa, chỉ phải theo dõi định kỳ. Và điều anh mừng nhất là có thể lấy vợ và sinh con như những người bình thường khác. Ông P.V.V., 50 tuổi (Hải Phòng), ung thư phổi. Cả gia đình nghĩ ông không thể sống được sáu tháng vì sau khi đã phẫu thuật cắt thùy phổi phải, di căn hạch nhiều nơi, sức khỏe ngày một yếu. Nghe nhiều người khuyên, gia đình đưa ông đến Trung tâm YHHN và UB Bệnh viện Bạch Mai, chữa và điều trị, sức khỏe ông ngày càng tốt hơn. Sau một năm điều trị, ông đến kiểm tra bằng máy PET/CT, kết quả cho thấy không còn tổn thương tái phát lại nhu mô phổi, không thấy di căn.
 
Máy PET/CT (Positron Emission Tomography-Computed Tomography) là một hệ thống kết hợp giữa máy PET (Positron Emission Tomography- Máy chụp cắt lớp bằng bức xạ Positron) và máy chụp cắt lớp vi tính (CT - Computed Tomography), là một trong những thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật Y học hạt nhân hiện đại nhất trên thế giới. Người bệnh được tiêm một liều dược chất phóng xạ tập trung đặc hiệu vào tổ chức cần ghi hình. Sau khi nhận liều dược chất phóng xạ này một thời gian nhất định đủ để cho chúng tập trung và phân bố vào tổ chức bệnh lý. Người bệnh được đưa vào máy để chụp đồng thời xạ hình PET và chụp cắt lớp CT. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), siêu âm... chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương đã có những thay đổi về cấu trúc, giải phẫu, mật độ của tổ chức. Vì vậy các phương pháp này thường gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1 cm. Trong khi đó chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý sớm, với những tế bào còn nhỏ khi chưa có thay đổi cấu trúc. Ở người bệnh ung thư, sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị các tổn thương có thể bị biến dạng, thay đổi cấu trúc nên hình ảnh CT, MRI có nhiều hạn chế trong việc xác định tổ chức còn sót, không phân biệt được tổ chức xơ hóa với tái phát, di căn... Kỹ thuật PET/CT cho phép khắc phục nhược điểm đó của CT và MRI. Với những ưu thế vượt trội trên, PET/CT được chỉ định rộng rãi trong chẩn đoán, phân loại giai đoạn ung thư, đánh giá đáp ứng liệu pháp điều trị, phân biệt mô sẹo hay mô tái phát sau điều trị phẫu thuật, tia xạ, hóa chất. PET/CT còn có vai trò đặc biệt trong việc chẩn đoán và điều trị ung bướu, với hình ảnh PET/CT, kỹ thuật viên có thể tìm thấy những tổn thương, biến đổi bất thường rất nhỏ, ở những giai đoạn sớm trong cơ thể người bệnh, nhất là sự hình thành, phát triển và di căn của các khối u. Hình ảnh PET/CT là phương tiện định vị hướng dẫn có độ chính xác cao để các bác sĩ lấy mẫu sinh thiết, phẫu thuật,... Các kết quả nghiên cứu cho thấy, 89-96% số người bệnh có được các quyết định phương pháp điều trị đúng, 45-60% người bệnh đã được thay đổi phương pháp điều trị sau khi chụp PET/CT. Có thể nói, PET/CT đang mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị ung thư nói riêng và tổn thương ở các cơ quan khác trong cơ thể con người nói chung. Do đó kỹ thuật PET/CT cho phép phát hiện sớm bệnh ung thư và các ổ di căn nếu có, trước các phương pháp khác như chụp cắt lớp CT, cộng hưởng từ MRI, siêu âm...
 
Giám đốc Trung tâm YHHN và UB, Bệnh viện Bạch Mai, PGS,TS Mai Trọng Khoa, cho biết: "Hiện nay, PET/CT là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất. PET/CT có thể phát hiện được những bất thường, thậm chí với những thay đổi rất nhỏ trong các tế bào ung thư ở giai đoạn đầu. PET/CT cũng có thể xác định giai đoạn bệnh và trợ giúp các bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả hơn nhiều so với trước đây để có những biện pháp điều trị chính xác đối với từng người bệnh; mang lại kết quả cao trong việc theo dõi sau hóa trị, xạ trị... mà các phương pháp khác rất khó hoặc không nhận biết được các thay đổi và diễn biến của bệnh. PET/CT giúp các bác sĩ có được chẩn đoán chính xác, xác định đúng giai đoạn bệnh, từ đó có kế hoạch điều trị chính xác cho từng người bệnh; Các dược chất phóng xạ sử dụng cho máy SPECT, PET, PET/CT để chẩn đoán bệnh là an toàn và không gây ra các biến chứng hay các tổn thương tới các cơ quan khác, vì liều bức xạ để chẩn đoán là thấp và an toàn. Kỹ thuật PET/CT được chỉ định cho các loại bệnh lý khác nhau, đặc biệt trong ung thư, ở những lứa tuổi khác nhau (kể cả trẻ em và người già). Những phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú thì không tiến hành chụp hình với máy PET/CT.
 
Tuy nhiên, vì đây là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, khó và nhất là phải đưa các dược chất phóng xạ vào cơ thể người bệnh nên nó đòi hỏi phải tuân thủ rất nghiêm ngặt về an toàn bức xạ cho người bệnh, nhân viên và môi trường. Nhất là, người đọc kết quả phải là những bác sĩ đã tốt nghiệp chuyên ngành Y học hạt nhân, đã làm việc liên tục nhiều năm, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này (thông thường theo quy định của các nước phát triển như Nhật Bản... thì bác sĩ phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học hạt nhân mới được đọc và ký trả kết quả PET/CT) và có chứng chỉ về khóa học PET/CT. Trường đại học Y Hà Nội là cơ sở duy nhất đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ về chuyên ngành Y học hạt nhân trong đó có chứng chỉ về PET/CT. Trung tâm YHHN và UB Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đào tạo và thực hành cho kỹ thuật này. Với hệ thống PET/CT tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh không phải ra nước ngoài để chụp chẩn đoán như trước đây, tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Tin liên quan