Cho đến nay, các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra u xơ tử cung (UXTC), nhưng người ta nhận thấy, UXTC thường gặp ở phụ nữ béo phì, phụ nữ độc thân, hay có ít con.
Có mấy loại?
Nói ngắn gọn dễ hiểu, tử cung là một khối cơ, có vai trò như một chiếc túi đựng thai lúc người phụ nữ mang thai. Khi có một nơi nào đó của tử cung bị xơ hóa, thì gọi là nhân xơ tử cung. Có khi chỉ có một nhân xơ, nhưng cũng có trường hợp có nhiều nhân xơ. Khi khối u to và chiếm toàn bộ tử cung gọi là UXTC.
Tại buổi nói chuyện truyền thông về căn bệnh này ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (TP.HCM) cuối tháng 7 vừa qua, bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM) cho biết: UXTC có nhiều loại như: u xơ dưới thanh mạc tử cung (nằm ở mặt ngoài tử cung); u xơ trong cơ tử cung; u xơ dưới niêm mạc tử cung (nằm ở mặt trong tử cung); khối u xơ có thể nằm ở đáy, thân, eo hay cổ tử cung. Tùy theo vị trí của khối u xơ mà sẽ có những triệu chứng khác nhau, hay tiến triển của bệnh cũng khác nhau. Về nguyên nhân, đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận, UXTC thường xảy ra ở những người béo phì, phụ nữ độc thân, hay có ít con và người có gia đình có người mắc bệnh này.
Triệu chứng dễ gây lầm lẫn
Theo bác sĩ Khúc Minh Thúy (giảng viên bộ môn Phụ sản, Trường ĐH Y Dược, TP.HCM): “Phần lớn bệnh UXTC không biểu hiện những triệu chứng rõ ràng lúc khối u xơ còn nhỏ. Một khi có những triệu chứng rõ thì thường khối u xơ đã rất to (số đông bệnh nhân đến với thầy thuốc là ở giai đoạn này). Một số ít trường hợp phát hiện bệnh sớm qua tình cờ khám một bệnh khác, hay qua khám sức khỏe tổng quát. Các bác sĩ phát hiện khối u rất dễ qua siêu âm (khi khối u chỉ từ 1cm - 2 cm), hoặc qua khám phụ khoa (khi khối u to cỡ quả chanh). Độ lớn của khối u có khi chỉ vài cm, nhưng cũng có thể nặng đến mấy ký lô. Mức độ phát triển của khối u tùy từng người”.
* UXTC là bệnh rất dễ tái phát (dù đã được mổ bóc tách khối u), nhưng lại là bệnh lành tính, rất hiếm khi tiến triển thành ung thư.
* Khác với bệnh u nang buồng trứng (xảy ra ở nhiều lứa tuổi), UXTC phần lớn xảy ra ở phụ nữ trên 35 tuổi. UXTC là bệnh chiếm số đông trong các bệnh phụ khoa (khoảng 12%).
* UXTC làm cho phụ nữ khó đậu thai. Nếu đã mang thai, UXTC gây dễ sảy thai, hay sinh non; trẻ sinh ra thường nhẹ ký (do một phần máu đã nuôi khối u); dễ gây băng huyết lúc sinh và nhiễm trùng sau sinh...
Những triệu chứng có thể gặp là: rối loạn kinh nguyệt - mà thường gặp là rong kinh hay băng kinh, cũng như gây khó có thai (nhất là khi khối u nằm ở dưới niêm mạc). Rong kinh kéo dài dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, người mệt mỏi, xanh xao; bụng to, nhất là vùng bụng dưới rốn; khi khối u to, chèn ép các cơ quan lân cận, thì có thể gây triệu chứng như đau trằn bụng dưới, rối loạn tiêu, tiểu... Cần lưu ý là, triệu chứng UXTC dễ gây nhầm lẫn với tình trạng có thai - vì cả hai trường hợp bụng cũng to ra, kèm với mất kinh; đồng thời cũng dễ nhầm với tình trạng rối loạn kinh nguyệt; bệnh ở đường tiêu, đường tiểu; hay có thể nhầm với khối u buồng trứng.
Điều trị thế nào?
Đối với những trường hợp khối UXTC còn nhỏ, bác sĩ sẽ theo dõi định kỳ (từ 3 - 6 tháng/lần). Lúc này bác sĩ sẽ điều trị nội khoa. Việc điều trị nội khoa để làm giảm các biến chứng rong kinh, rong huyết, cũng như làm cho khối u chậm phát triển, hoặc teo nhỏ (chứ khối u không thể biến mất như một số trường hợp u nang buồng trứng). Trong khoảng thời gian này, người phụ nữ vẫn có thể mang thai, sinh con. Việc điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa thường áp dụng khi khối u gây biến chứng hoặc kích thước khối u quá to.
Điều trị UXTC chủ yếu là phẫu thuật theo hai phương pháp sau: bảo tồn - chỉ bóc tách nhân xơ, giữ lại tử cung; hoặc điều trị triệt để - cắt luôn cả tử cung (để tránh nguy cơ tái phát u). Chỉ định bóc tách nhân xơ hay cắt bỏ tử cung là tùy theo kích thước, số lượng khối u, vị trí khối u, đồng thời cũng tùy theo tuổi tác và số con đã có của từng phụ nữ, tùy trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp. Có những trường hợp khối u không chỉ một, hai cục mà rất nhiều, nằm rải rác trong lòng tử cung, thì buộc phải cắt bỏ cả tử cung. Việc cắt bỏ tử cung không làm ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt vợ chồng, nhưng người phụ nữ không thể mang thai được nữa, cũng như sẽ mất kinh nguyệt.