Ung thư do lối sống: Tăng chóng mặt

Ngày đăng: 05/11/2010 Lượt xem 2278

Lý giải về số người mắc bệnh ung thư tăng đột biến, TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam, cho biết nguyên nhân phần nào từ những thói quen có hại trong cuộc sống. Trong đó hút thuốc lá quá nhiều, môi trường ô nhiễm, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng rượu bia, thực phẩm có chất hóa học, đồ ăn nhanh nhiều chất béo…

Cùng chung nhận định này, TS Bùi Diệu, Giám đốc BV K Trung ương, khẳng định chỉ 5% - 10% người bị ung thư là do di truyền, còn lại ảnh hưởng từ việc lối sống như ăn uống như thế nào, môi trường sống có bị ô nhiễm hay không. Những nghiên cứu mới nhất về căn bệnh này ở nước ta cũng cho thấy, ung thư phổi đứng đầu và phổ biến ở nam giới, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Đối với phụ nữ là ung thư vú, dạ dày, cổ tử cung, gan.

Đáng chú ý trong số những tác nhân gây ung thư thì thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với các loại bệnh ung thư, chiếm 21%. Đồng thời thuốc lá không chỉ gây ra các loại ung thư phổi, vòm họng, thanh quản, lưỡi... mà còn là nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng. Tiếp đó, yếu tố nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân của 20% các ca tử vong do ung thư mà nguyên nhân là do thói quen ăn uống và chưa kiểm soát tốt các bệnh lây nhiễm như viêm siêu vi B, C gây viêm gan, virus HPV gây ung thư cổ tử cung.

Mặc dù ung thư là căn bệnh nguy hiểm, nhưng theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, hiện nay hiểu biết của người dân về căn bệnh này rất hạn chế, thậm chí có nhiều quan niệm sai lệch. Khảo sát tại 12 tỉnh, thành phố, có tới hơn 67% số người được hỏi cho rằng, ung thư không thể chữa được và 35% cho rằng nếu “đụng” dao kéo vào người bị ung thư sẽ di căn sớm và chóng chết. Thậm chí không ít người còn giấu bệnh, đi chữa bằng các phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc nhưng rất tốn kém và chỉ khi bệnh đã quá nặng mới tới bệnh viện.

“Thực trạng này đang khiến cho hơn 70% người bệnh khi tới bệnh viện, phát hiện bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối nên việc chữa trị khó hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao…”, GS-TS Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh.

Tin liên quan