Ung thư tăng chóng mặt

Ngày đăng: 09/10/2010 Lượt xem 2461

 

5 năm, 71.610 người mắc ung thư

Phát hiện mới nhất được GS Donald M.Parkin, Hội Phòng chống Ung thư Hoa Kỳ, công bố cho thấy thuốc lá không chỉ gây ra các loại ung thư phổi, vòm họng, thanh quản, lưỡi... mà còn là nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng.

Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với các bệnh ung thư (chiếm 21%). Tiếp đó, yếu tố nhiễm khuẩn là nguyên nhân của 20% các ca tử vong do ung thư mà nguyên nhân là do thói quen ăn uống và chưa kiểm soát tốt các bệnh lây nhiễm, như: viêm siêu vi B, C gây viêm gan, virus HPV gây ung thư cổ tử cung, vi khuẩn H.pylori gây ung thư dạ dày... Cùng đó, chế độ ăn ít chất xơ và nghèo vitamin cũng là nguyên nhân của 5% các trường hợp ung thư nói chung.

Trong khi đó, theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư VN, tỉ lệ mắc mới ung thư ở VN đang tăng nhanh. Chỉ riêng tại Bệnh viện K, từ năm 2005 đến 2009 có 71.610 bệnh nhân ung thư.

So với giai đoạn 2001-2004, số bệnh nhân ung thư tăng 2,5 lần. Năm 2010, tỉ lệ mắc mới chung của mọi ung thư ở nam giới là 181,3/100.000 người, cao hơn nhiều so với năm 2000 (141/100.000 người).

Những loại mắc mới tăng nhiều là ung thư phổi, thực quản, đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, ở nữ giới, con số này là 134,9/100.000 người, cũng cao hơn nhiều so với 10 năm trước đây (101,6/100.000 người).

Thống kê mới nhất cũng cho thấy ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng và ung thư giáp trạng vẫn gặp nhiều nhất. Đáng quan tâm là tỉ lệ ung thư vú ở giai đoạn sớm chỉ chiếm 35,8% trong khi giai đoạn 3 và 4 chiếm tới gần 65%. Tỉ lệ mắc ung thư tăng dần theo tuổi nhưng tăng nhiều ở độ tuổi từ 40-44 ở cả hai giới.

Nhiều quan niệm sai lệch

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, ung thư không còn là bệnh nan y ở VN nhưng thực tế khảo sát tại 12 tỉnh, TP với hơn 12.000 người dân thì hầu hết còn nhiều quan niệm sai lệch.

Vẫn còn tới 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư không thể chữa được và 35% cho rằng nếu “đụng” dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết. Nhiều người còn giấu bệnh, đi chữa bằng các phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan, chỉ khi bệnh đã quá nặng mới tới bệnh viện. Hậu quả là hơn 70% người bệnh khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM, khẳng định chỉ 5% - 10% ung thư là do di truyền, còn lại ảnh hưởng từ việc “ăn gì, sống như thế nào, hít thở không khí ra sao”.

Ở VN, các bệnh ung thư có nhiều người mắc phải vẫn là ung thư phổi, gan, dạ dày, ruột... Những bệnh này có liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt, môi trường, hoàn cảnh, nếp sống. Chẳng hạn, việc sử dụng các món ăn truyền thống được làm theo phương pháp muối mặn để dành; sử dụng các loại thực phẩm ăn nhanh, ăn nhiều đồ chiên, nướng, nhiều chất béo, ăn đồ sống...

Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng có thể ngừa được bằng cách chích vắc-xin, bằng việc thay đổi thói quen ăn uống, dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, bỏ bớt thuốc lá, bia, rượu... Theo thống kê, có tới 1/3 số người mắc ung thư hiện nay vốn có thể phòng ngừa, 1/3 có thể phát hiện sớm để điều trị tốt.

 

Báo động nhóm người trẻ

Các thống kê của Bệnh viện K cho thấy ung thư đang có xu hướng tăng nhanh ở người trẻ. Số người trẻ mắc ung thư đại trực tràng tăng nhiều hơn ở thanh niên 17 - 18 tuổi, trong khi bệnh này thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Đáng quan tâm là có đến 1/3 số bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến điều trị ở giai đoạn muộn, phải dùng giải pháp hậu môn nhân tạo. Theo TS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K, gần đây ung thư khoang miệng cũng gặp nhiều ở những thanh niên 18-20 tuổi. Nhiều trường hợp tới điều trị khá muộn vì nhầm tưởng bị nhiệt miệng.

Tin liên quan