Đó là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Một nghiên cứu của Thụy Điển trên gần 71.000 người được nhận làm con nuôi đã sử dụng dữ liệu từ cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của những người này để nghiên cứu xem so với lối sống, tiền sử gia đình có phải là yếu tố nguy cơ cao hơn đối với sự phát triển ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng hay không.
Các yếu tố di truyền đằng sau 3 loại ung thư chính này đã được thiết lập từ lâu. Tuy nhiên, cuộc khảo sát dữ liệu trên quy mô lớn được công bố trên tờ European Journal of Cancer này đã nghiên cứu một nhóm người đặc biệt trong nỗ lực định rõ vai trò của việc tháo gỡ nguy cơ gia đình từ các yếu tố môi trường.
Di truyền ảnh hưởng tới sự phát triển ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng
Bằng cách nghiên cứu những người được nhận làm con nuôi, các nhà nghiên cứu có thể hiểu lí do tại sao được nuôi dưỡng trong một môi trường độc lập với gen di truyền – tức là được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi – lại cho thấy khía cạnh chân thực của ảnh hưởng sinh học thừa hưởng từ gen của cha mẹ đẻ.
Trên thực tế, nghiên cứu này đã tách bạch những tác động của tiền sử gia đình với tác động của môi trường lên ung thư.
Nếu cha mẹ đẻ của một người bị ung thư, người đó đã có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn 80-100% so với những người có cha mẹ đẻ không bị ung thư.
Tuy nhiên, tiền sử của cha mẹ nuôi không ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển ung thư. Cha mẹ nuôi bị ung thư không làm tăng nguy cơ ung thư ở người con nuôi.
TS. Bengt Zoller ở ĐH Lund, Thụy Điển, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết:
‘Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có nghĩa là lối sống của một cá nhân không đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển ung thư, mà nó cho thấy nguy cơ phát triển 3 loại ung thư phổ biến nhất này phụ thuộc nhiều hơn vào di truyền’.
Nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người được nhận làm con nuôi có cha mẹ ruột bị ung thư đã mắc căn bệnh này ở độ tuổi trẻ hơn so với những người có cha mẹ đẻ không bị loại ung thư tương tự. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không liên quan với cha mẹ nuôi, tức là việc cha mẹ nuôi bị ung thư không có tác động lên độ tuổi khởi phát ung thư của người con nuôi.
Dữ liệu ung thư tin cậy
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trong Hồ sơ đăng ký ung thư Thụy Điển với giá trị và độ bao phủ là gần 100% và dữ liệu trong Hồ sơ đăng ký tổng dân số Thụy Điển, một khối lượng thông tin ‘duy nhất’ với dữ liệu rất ít sai số.
Trên thực tế, những người được nhận làm con nuôi không có chung môi trường sống gia đình với cha mẹ đẻ của họ, có nghĩa là việc nghiên cứu những dữ liệu này đã đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về ảnh hưởng của di truyền lên ung thư.
Ngay cả những nghiên cứu về các cặp song sinh được thừa hưởng chung bộ gen di truyền cũng không thể tách biệt ảnh hưởng của di truyền từ cha mẹ với ảnh hưởng từ môi trường chúng được nuôi dưỡng.
Theo các tác giả nghiên cứu, mặc dù vai trò đóng góp của yếu tố di truyền trong nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư đại trực tràng đã được biết đến, nhưng điểm mới của nghiên cứu này là đã chỉ ra các yếu tố di truyền dường như quan trọng hơn các yếu tố môi trường gia đình trong việc truyền những loại ung thư này ở người trong gia đình.
Nghiên cứu này đã phân tích hồ sơ của 70.965 người được nhận làm con nuôi trong thời gian từ năm 1932 đến 1969. Chẩn đoán bệnh ung thư của họ được đưa ra trong khoảng thời gian từ 1958 tới 2010. Số trường hợp ung thư tuyến tiền liệt là 798 người, ung thư vú là 1.230 người và ung thư đại trực tràng là 512 người.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phát hiện mới của họ là có lợi trên lâm sàng giúp các bác sĩ đánh giá nguy cơ ung thư do ảnh hưởng bởi tiền sử của cha mẹ đẻ.
TS. Zoller bổ sung: ‘Sự xuất hiện của ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng ở cha mẹ đẻ là một yếu tố nguy cơ quan trọng nên được đưa vào tiền sử bệnh của bệnh nhân và các cuộc thăm khám. Vì vậy, điều quan trọng là bác sĩ phải hỏi bệnh nhân về tiền sử gia đình để quyết định họ có cần làm thêm xét nghiệm hay không’.
Trong nghiên cứu về di truyền ung thư khác, một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2013 chỉ ra rằng nguy cơ ung thư gia đình có thể nằm ngoài loại bệnh cụ thể của người thân, tức là nguy cơ ung thư cao hơn không bị giới hạn bởi loại bệnh cụ thể mà cha mẹ mắc và nguy cơ mắc các loại ung thư khác cũng tăng lên.
Trong khi đó, theo kết luận năm 2010 của các nhà nghiên cứu Thụy Điển, ung thư ở cha mẹ dễ gây những ảnh hưởng khác, bao gồm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt đã nhận thức được qua tăng cường chẩn đoán.
Một phân tích di truyền đã chỉ ra rằng tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng có thể làm tăng nguy cơ mắc dạng ác tính của bệnh này.
Theo Medicalnewstoday/Suckhoedoisong.vn/songkhoe