Nguyên nhân gây nôn và buồn nôn
Buồn nôn và nôn được điều khiển bởi não thông qua hệ thống thần kinh thực vật giống như hô hấp và tuần hoàn. Những tác nhân kích thích khác như mùi vị, sự lo lắng, đau, di chuyển hoặc thay đổi sinh hóa máu có thể tác động vào trung tâm nôn ở vỏ não gây ra phản xạ nôn.
Nguyên nhân gây nôn và buồn nôn chủ yếu là:
· Điều trị bằng thuốc hoá chất.
· Điều trị bằng tia xạ vào hệ thống tiêu hoá (dạ dày, ruột ), gan hoặc não.
Nôn và buồn nôn cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân:
· Bị buồn nôn và nôn nặng sau một số đợt điều trị hoá chất.
· Phụ nữ.
· Những người trẻ dưới 50 tuổi.
· Rối loạn nước và điện giải (tăng Calci máu, mất nước, ngộ độc nước).
· Có u ở đường tiêu hoá, gan, não.
· Táo bón.
· Do dùng thuốc.
· Nhiễm trùng huyết.
· Bệnh lý ở thận.
· Quá lo lắng.
Những loại nôn và buồn nôn nào có liên quan đến hoá chất ?
Tuỳ từng bệnh nhân, loại bệnh và từng phác đồ điều trị mà tác dụng phụ này có thể nặng, vừa hoặc nhẹ.
Tuỳ thuộc vào thời gian xảy ra các tác dụng phụ này mà người ta chia nôn và buồn nôn có liên quan đến hoá chất trong điều trị ung thư ra làm 4 loại sau:
1. Nôn và buồn nôn xảy ra trước điều trị:
Sau khi điều trị hoá chất được một vài đợt, một số bệnh nhân cảm giác buồn nôn và nôn trước khi điều trị hoá chất đợt tiếp theo. Phản ứng này thường gây ra bởi một số yếu tố liên quan đến điều trị như: ngửi mùi rượu hoặc một số thuốc tương tự. Thuốc chống nôn thường không có tác dụng ngăn chặn nôn trước khi điều trị hoá chất. Giữ bình tĩnh và cố quên đi cảm giác buồn nôn và nôn là biện pháp có hiệu quả trong điều trị loại nôn và buồn nôn này bằng cách tưởng tượng, thôi miên, nghỉ ngơi, thay đổi hành vi, hoặc các hoạt động giải trí như chơi games, xem vô tuyến.
2. Buồn nôn và nôn cấp tính:
Là phản ứng của cơ thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị hoá chất có thể nhẹ trung bình hoặc nặng. Các thuốc chống nôn giúp giảm buồn nôn, nôn có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp nhằm phòng chống và điều trị buồn nôn, nôn bao gồm:
· Prochloroperazine.
· Haloperidol.
· Metoclopramide.
· Ondansetron.
· Dexamethasone, Methylprednisolone.
· Dronabinol.
· Lorazepam.
3. Buồn nôn và nôn muộn:
Là nôn và buồn nôn xảy ra sau 24 giờ truyền hoá chất, loại này hay xảy ra ở những bệnh nhân truyền hoá chất liều cao hoặc ở những bệnh nhân bị nôn và buồn nôn cấp tính, phụ nữ, những bệnh nhân ít hoặc không uống rượu, những người trẻ. Các thuốc sử dụng trong giai đoạn này giống như trong giai đoạn cấp tính.
4. Buồn nôn và nôn trong giai đoạn ung thư tiến triển:
Buồn nôn và nôn trong giai đoạn ung thư tiến triển ở bệnh nhân giai đoạn ung thư tiến triển buồn nôn và nôn có thể xảy ra thường xuyên mà không liên quan đến điều trị hoá chất. Buồn nôn có thể do thuốc giảm đau hoặc thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng hoặc do tác động của khối u ở não, đại tràng… Những người bệnh ung thư ở giai đoạn tiến triển có thể bị táo bón, ỉa chảy, loét dạ dày, có nồng độ bất thường một số chất trong máu… những nguyên nhân này đều có thẻ gây buồn nôn và nôn.
Điều trị nôn và buồn nôn
Trong một số trường hợp cần phải dùng phối hợp nhiều loại hoá chất và dùng xen kẽ để giảm tối đa buồn nôn và nôn. Điều quan trọng là phải duy trì được cân bằng nước điện giải và chống suy kiệt do thiếu dinh dưỡng. Nếu nôn xảy ra hơn một ngày thì bạn phải đến bệnh viện.
1. Chế độ ăn uống khi bị nôn và buồn nôn:
· Ăn và uống chậm
· Uống nhiều nước và uống ít một
· Ăn làm nhiều bữa trong ngày thay cho 3 bữa, nhai kỹ
· Tránh ngửi mùi thức ăn bằng cách ăn thức ăn lạnh hoặc để ở nhiệt độ phòng
· Uống nước hoa quả ít ngọt, không uống nước có chứa cafein
· Không ăn thức ăn ngọt, béo, chiên
· Ngậm kẹo vị chua hoặc hương vị bạc hà
· Nghỉ ngơi nhưng không nằm ít nhất vài giờ sau ăn
2. Ăn trước khi điều trị:
Bạn có thể ăn nhẹ trước khi điều trị, nhưng nếu có nôn khi bắt đầu truyền hoá chất thì bạn không nên ăn trước khi điều trị.
3. Dùng các thuốc chống nôn:
Thuốc chống nôn do bác sỹ chỉ định, tùy vào từng phác đồ điều trị hóa chất gây nôn, buồn nôn mạnh, vừa và yếu khác nhau; tùy từng cơ địa mỗi bệnh nhân mà bác sỹ chỉ định cho các thuốc điều trị chống nôn khác nhau. Có thể dùng thuốc chống nôn trước trong, sau điều trị hóa chất; có một số trường hợp bác sỹ phải cho chỉ định dùng thuốc chống nôn vài ngày sau khi truyền hóa chất.
Song song với việc điều trị chống nôn, bác sỹ sẽ dùng thêm các dung dịch nuôi dưỡng và bồi phụ nước điện giải cho bạn. Tuy nhiên, bản thân người bệnh cần phải cố gắng và chụi khó uống nước hoa quả, dung dịch oresol và cố gắng ăn các món ăn mà hằng ngày bạn thích.
Tóm lại, buồn nôn và nôn là một trong những tác dụng phụ của hóa chất, một phần do tâm lý lo lắng của bệnh nhân hoặc do các tổn thương thực thể kích thích gây nôn. Cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây buồn nôn, nôn từ đó đưa ra hướng điều trị có hiệu quả cao nhất.
PGS.TS. Mai Trọng Khoa, Ths.Bs. Phạm Cẩm Phương
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện bạch Mai